Đối với tỉnh nhà, đồng chí luôn quan tâm nhắc nhở đến việc sản xuất, an sinh xã hội, sự đoàn kết của nội bộ Đảng, hết lòng gắn bó sâu sát với dân, chỉ đạo kinh tế- xã hội chú ý tạo ra mô hình, nhân mạnh phong trào.
Với cương vị công tác của mình bận nhiều việc, đồng chí Võ Văn Kiệt ít có dịp về thăm quê hương. Mỗi dịp tết hay dự hội nghị ĐBSCL đồng chí tạt về thăm tỉnh nhà. Nghe báo cáo tình hình, mặt đạt được thì đồng chí rất vui; những trở ngại khó khăn, mất mùa đồng chí tìm hiểu cặn kẽ góp ý cách khắc phục.
Đối với tỉnh nhà, đồng chí luôn quan tâm nhắc nhở đến việc sản xuất, an sinh xã hội, sự đoàn kết của nội bộ Đảng, hết lòng gắn bó sâu sát với dân, chỉ đạo kinh tế- xã hội chú ý tạo ra mô hình, nhân mạnh phong trào.
Đảng bộ mỗi cấp tự tìm ra câu trả lời
Có lần về thăm tỉnh, thấy sản xuất được mùa, theo đó các mặt phong trào đều khá phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, đồng chí rất vui mừng: “... Ưu điểm này nhắc nhở chúng ta phải cố gắng hơn nữa, huy động trí tuệ, nghị lực, sáng tạo của toàn thể đảng viên và nhân dân tìm con đường đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đi lên!”(1)
Kinh tế thuần nông thì đủ ăn, đời sống khó mà phát triển. Phải chú ý khâu công nghiệp hóa nông nghiệp, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ. Chỉ có chuyển lao động nông nhàn sang làm nhiều ngành nghề khác như chăn nuôi, làm tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khác thì mới tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Tham dự góp ý cho Đại hội tỉnh đảng bộ Vĩnh Long, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Các cấp ủy của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long tập trung cho đại hội tức là tập trung thảo luận tìm ra con đường phát triển kinh tế- xã hội hòa nhập trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, nâng cao đời sống vật chất tinh thần; giữ vững tốt an ninh quốc phòng. Các đồng chí phải tìm ra câu trả lời cho chính mình. Không ai làm thay các đồng chí được?”(2)
Theo sự gợi ý của đồng chí, mỗi cấp ủy của đảng bộ phải tìm cho ra câu trả lời gồm những vấn đề như sau:
Thứ nhất, “phải vận dụng chính sách nền kinh tế nhiều thành phần, dấy lên mọi tầng lớp dân cư, mỗi thành phần kinh tế hăng hái thi đua phát triển sản xuất, phát triển dịch vụ đa dạng phục vụ các ngành nghề, làm cho quê hương ngày càng giàu mạnh”(3).
Nông dân lao động rất cần cù chịu cực, chịu khó một nắng hai sương, vấn đề là ta phải quy hoạch sản xuất, tìm lợi thế trồng cây gì, con gì, mùa vụ ra sao. Các khu công nghiệp phát triển thế nào? Chính sách đầu tư ra sao tạo sự xúc tác cho nông dân, công nhân phát triển sản xuất. Mỗi khi xác định phương hướng, mục tiêu vấn đề không kém phần quan trọng là chính sách làm đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Vấn đề thứ hai là xây dựng phát triển con người toàn diện, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Mọi chủ trương, kế hoạch thực hiện đạt kết quả đều do con người. Do đó vấn đề quan trọng là khâu đào tạo nhân lực”(4).
Cách đi tham quan, giới thiệu mô hình tốt cũng là hình thức học tập. Đối với số trẻ việc đào tạo phải qua trường lớp, qua tập huấn, hoặc qua cầm tay chỉ việc. Mỗi đảng viên phải vươn lên trau dồi kiến thức năng lực, phẩm chất đạo đức, nhiệt tình cách mạng sôi nổi cũng như mạnh dạn chống tiêu cực, thoái hóa.
Vấn đề thứ ba là sự đoàn kết hết lòng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Theo đồng chí Võ Văn Kiệt: “Tôi rất mong thế hệ lão thành, thế hệ đàn anh đi trước trong cấp ủy hoặc về hưu hãy dành nhiều công sức giúp đỡ và hết mình ủng hộ thế hệ trẻ, mạnh dạn trao cho tuổi trẻ những trọng trách lãnh đạo công việc của cấp ủy mỗi cấp. Hãy nhất trí cao về lòng tin vào lớp trẻ, cổ vũ lớp trẻ đem hết nhiệt tình hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng đề ra(5).
Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt luôn luôn năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nếu thiếu sót dám tự phê bình. Thực tế nhờ vào lớp người đi trước hòa quyện nhau thành một khối đoàn kết vững chắc luôn vượt qua khó khăn giành thắng lợi.
Nhấn mạnh vấn đề, đồng chí Võ Văn Kiệt từng đúc kết kinh nghiệm: “Chỉ có phát huy khả năng sáng tạo và năng động, sẵn sàng làm chỗ dựa cho tuổi trẻ thì mới tạo ra sức mạnh mới của mỗi cấp ủy”(6).
Việc tự tìm câu trả lời của mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên chính là xác định nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và tập trung thực hiện: đó là hành động!
Cùng với dân vừa học tập vừa lãnh đạo
Đánh giá vai trò tầm quan trọng của dân trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước, đồng chí Võ Văn Kiệt nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong!” và “muốn hiểu chi bộ đảng viên có quan tâm đến công tác xây dựng Đảng ra sao thì nên tìm hiểu chi bộ, đảng viên đó gắn bó với dân như thế nào?”(7). Vì mỗi chủ trương đường lối của Đảng xuất phát từ nguyện vọng của dân, ngoài lợi ích của dân, Đảng ta không có nguyện vọng nào khác.
Việc gần gũi gắn bó với dân là nhằm thực hiện 5 bước công tác là tuyên truyền, điều tra, tổ chức, hướng dẫn và hành động. Từ việc đầu tiên là tuyên truyền giáo dục đường lối chủ trương chính sách, qua đó mới hiểu tâm tư tình cảm của dân đối với công cuộc cách mạng, phân tích cái đúng cái sai để bồi dưỡng bổ khuyết những hạn chế, điều chỉnh nhận thức, nâng cao trình độ nhận thức và tập hợp họ vào tổ chức. Các bước tiếp theo là xuất phát từ tình hình thực tế có hướng dẫn cụ thể và phương hướng hành động mới đem lại hiệu quả cụ thể.
Vốn quý của dân là lực lượng, là nguồn lao động dồi dào, một khi được tiếp thu cái mới họ rất năng động, sáng tạo làm ra nhiều của cải vật chất, sản phẩm cho xã hội. “Chúng ta cùng với dân, vừa học tập vừa lãnh đạo vừa vươn lên tiếp cận với cái mới đặt ra”(8).
Trong kháng chiến, nơi nào khó khăn, cán bộ tổ chức “họp dân hiến kế đánh địch”, tạo ra nhiều phong trào dưới hình thức chiến tranh nhân dân “giặc đến nhà trẻ già cũng đánh”, nơi nào cũng giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt là từ sau ngày giải phóng, nơi nào biết dựa vào sức dân, phát huy sáng kiến của dân, nhân rộng ra nhiều phong trào sản xuất, bảo vệ quốc phòng- an ninh tốt thì được biểu dương khen thưởng.
Cán bộ lãnh đạo quần chúng vấn đề quan trọng là cần xuống cơ sở, nghiên cứu, tìm hiểu cơ sở. Tại sao cũng đất đai, lao động như nhau nhưng xã này hơn xã kia? Tại sao xã này có nhiều phong trào, xuất hiện nhiều điển hình, mô hình tốt còn xã kia không có?
Là người rất gắn bó máu thịt với phong trào, đồng chí Võ Văn Kiệt nhắc nhở: “Bí thư, chủ tịch ở xã phường là người phải sâu sát, phải làm gương nói đi đôi với làm. Tránh kiểu chỉ trỏ bảo làm thế này thế khác, phải trồng giống này, giống khác trong khi cái vườn “nhà anh” chẳng có cây nào ra hồn thì khó thuyết phục được ai”(9).
Cho nên đối với đảng viên, nhân dân ở cơ sở việc tạo ra mô hình nêu gương “trăm nghe không bằng một thấy” có ý nghĩa rất quan trọng.
Đối với đảng viên cũng phải xác định tiêu chuẩn rõ ràng. “Nhiệm vụ của đảng viên phải lo cho mình và lo cho dân”. Ai cũng có gia đình, con cái, thân nhân; việc lo cho mình góp phần đỡ gánh nặng cho xã hội; việc lo cho dân một nhiệm vụ thiêng liêng không thể thiếu.
“Sở dĩ dân kính mến đảng viên là vì có đức tính cao quý hết lòng lo cho dân, coi lo cho dân như mục đích lo chính mình. Nếu đảng viên chỉ lo cho riêng mình, vun vén cho bản thân mình thì đảng viên đó không xứng đáng, đừng nói chi đến chuyện ăn cắp của dân”(10).
Một vấn đề khác cần hết sức lưu ý, theo đồng chí Võ Văn Kiệt là không nên coi “công tác phổ biến tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng đạt 90– 100% là xong chuyện mà nên coi đó là bước đầu (...) Vấn đề là cách vận dụng chủ trương, biện pháp thực hiện kết quả ra sao?” Phải bàn thảo cho ra lẽ.
Chủ trương đã có nhưng kèm theo chính sách thế nào? “Vai trò Nhà nước, vai trò dân, sự bổ trợ, sự góp sức ra sao? Phải thấy cho hết sự thuận lợi, cũng như cái khó khăn, xây dựng kế hoạch thống nhất thực hiện”(11). Quá trình vừa làm vừa phát hiện nảy sinh kịp thời rút kinh nghiệm.
Trong xây dựng Đảng, vấn đề rất quan tâm đó là phải phát huy tinh thần dân chủ cao độ, phải làm cho dân hiểu, dân thông, dân làm. “Có dân chủ trong Đảng để tập trung khả năng trí tuệ từng đồng chí, có dân chủ trong Đảng thì mới dân chủ rộng rãi ngoài dân”(12).
Quy trình thông qua dân chủ phải dựa vào tổ chức mặt trận và các đoàn thể, tránh thế mạnh mà không được chú ý phát huy; dùng lệnh, pháp lệnh làm hạn chế tính tự giác sáng tạo rất phong phú của nhân dân.
Việc xây dựng Đảng mục đích là hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra. Kinh qua các thời kỳ cách mạng, bài học sáng tạo của dân bao giờ cũng quý báu, sáng giá luôn luôn sinh động, sống mãi với thời gian.
Chú thích:
Từ (1) đến (12): Lời trích của đồng chí Võ Văn Kiệt trong điện văn ngày 5/5/1996 và trong bài nói chuyện 20/9/2005.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG
(Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin