Nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị

01:10, 04/10/2012

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đặt lên hàng đầu nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao. 

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thống nhất cao về nhận thức thế nào là sự suy thoái về đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, cũng có người đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm tư tưởng chính trị và chính trị tư tưởng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị cần phải được nhận thức đúng về bản chất của khái niệm cũng như vị trí cấp bách của nó trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Khái niệm chính trị tư tưởng phản ánh toàn bộ hoạt động tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, biện pháp, phương thức tiến hành một mặt công tác của nhiệm vụ xây dựng Đảng: Công tác chính trị tư tưởng cùng với công tác tổ chức cán bộ và công tác kiểm tra, công tác dân vận là những nội dung chủ yếu của công tác xây dựng Đảng.

Tư tưởng chính trị của tổ chức đảng và đảng viên được hình thành, được bồi đắp tùy thuộc chủ yếu ở hiệu quả công tác chính trị tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên. Tư tưởng chính trị phản ánh trạng thái nhận thức tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên đối với đường lối chính trị của Đảng. Khái niệm này tồn tại độc lập, khu biệt với các khái niệm: Tư tưởng triết học; tư tưởng tôn giáo; tư tưởng quân sự, tư tưởng văn học nghệ thuật… Tư tưởng chính trị được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng phản ánh toàn bộ trạng thái tư tưởng của tổ chức đảng và đảng viên đối với toàn bộ hệ thống các quan điểm chỉ đạo, đường lối chính trị, đường lối cầm quyền của Đảng ta đã được xác lập trong Cương lĩnh chính trị; Điều lệ Đảng, Nghị quyết, Chỉ thị, quy định, kết luận do Đảng ban hành hoặc được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật do các cơ quan quyền lực Nhà nước ban hành. Trạng thái tư tưởng về chính trị tồn tại ở các cấp độ khác nhau: Kiên định, không kiên định, dao động, suy thoái.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện rõ nhất ở sự phai nhạt lý tưởng, dao động, mất niềm tin vào đường lối của Đảng. Sự suy thoái đạo đức, lối sống biểu hiện ở chỗ là sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện và vô nguyên tắc. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị không phải là một khái niệm trừu tượng mà nó biểu hiện rất cụ thể trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-2, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt sâu sắc rằng: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng”. 

Toàn Đảng ta đang bước vào đợt sinh hoạt chính trị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Trung ương nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…”. Điều đó có nghĩa là sự suy thoái tư tưởng chính trị không chỉ ở một số cán bộ vị trí lãnh đạo, quản lý mà ở cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng. Hiện nay, tồn tại một nhận định phiến diện, chủ quan rằng đông đảo cán bộ đảng viên, không có sự suy thoái về tư tưởng chính trị.

Sự suy thoái về tư tưởng chính trị diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong từng nơi, từng lúc, với mức độ khác nhau. Một bộ phận nhỏ hay không nhỏ những đảng viên rất thiếu ý thức khi học tập, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng. Khi các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đánh thẳng vào nền tảng tư tưởng của Đảng, xuyên tạc, bóp méo sự thật; phá hoại Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, cán bộ, đảng viên chúng ta đã đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ đường lối chính trị của Đảng như thế nào? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng bị buông lỏng, vừa không phát huy được dân chủ, vừa mở đường cho sự độc đoán, chuyên quyền phát triển. Tự phê bình và phê bình quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta không còn được coi là nguyên tắc tối thượng trong sinh hoạt Đảng. Tệ nạn tham nhũng, lãng phí cục bộ, bản vị, diễn biến phức tạp. Khi tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên đã suy thoái, thì họ sẵn sàng đến đặt lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” lên trên lợi ích quốc gia, dân tộc và sẽ sai lầm, khuyết điểm cả ở khâu đề ra chủ trương, chính sách và khâu tổ chức thực hiện trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Suy thoái về tư tưởng chính trị nằm trong ý thức của con người, nhận diện nó phải xem xét bằng lời nói và việc làm của từng cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào. Bộ Chính trị các khóa IX, X đã ban hành Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đến nhiệm kỳ Đại hội XI, quy định đó do Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp ban hành. Quy định này là một sự nhận diện sâu sắc, toàn diện về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ đảng viên được tổng kết từ thực tiễn.

Khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, các Điều từ 1 đến 4 trong Quy định số 47- QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm trở thành sự gợi ý thật sự sống động. Cần phải làm rõ trong đảng viên chúng ta có hay không có lúc nào đó: Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh Chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép; Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố. Viết bài, cho đăng tin, bài sai sự thật, vu cáo, bịa đặt hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Tổ chức, xúi giục, tham gia các hoạt động bè phái, chia rẽ, cục bộ gây mất đoàn kết nội bộ. Đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.

Có thể nói từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn khác; cần nhận diện đầy đủ, thấu đáo trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Theo QĐND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh