Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam

05:10, 25/10/2012

Đại hội XI đã khẳng định cần phải “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục (GD) quốc dân”, xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển đất nước.


Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
Ảnh: NGUYỄN MINH TÂM (TP Vĩnh Long)

Đại hội XI đã khẳng định cần phải “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục (GD) quốc dân”, xem đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển đất nước.

Thực trạng GD Việt Nam

Nhìn lại thực trạng GD Việt Nam trong thời gian qua, kể từ khi giành được độc lập (1945) đến nay, nước ta đã tiến hành 3 lần cải cách GD (năm 1950, năm 1956, năm 1981) và một lần đổi mới GD năm 2000. Với quyết tâm lấy GD làm động lực phát triển kinh tế, đưa GD Việt Nam vươn lên ngang tầm với các nước trên thế giới, ta đã giành được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Quy mô GD, mạng lưới các cơ sở GD phát triển không ngừng. Hệ thống GD quốc dân khá hoàn chỉnh về loại hình, phong phú về phương thức đào tạo. Ta đã thành công trong việc phổ cập tiểu học, hoàn thành phổ cập THCS. Ở những nơi có điều kiện thì đang tiến hành phổ cập bậc trung học. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề phát triển khá mạnh và không ngừng mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó GD vẫn còn những cái bất cập, hạn chế, yếu kém. Chất lượng GD chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu xã hội. Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và cuộc sống chưa nhiều. Mục tiêu, chương trình GD còn mang tính hàn lâm, chưa chú ý nhiều đến kỹ năng thực hành, khả năng tự học và sáng tạo của sinh viên, học sinh. Trình độ ngoại ngữ, tin học của học sinh còn hạn chế so với các nước trong khu vực. Chưa quan tâm nhiều đến việc hình thành nghề nghiệp cho học sinh. Chất lượng GD còn phân hóa chưa đồng đều ở các hệ chính quy, không chính quy, giữa vùng thành thị, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập. Hệ thống cơ chế chính sách có nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống GD quốc dân chưa liên thông chặt chẽ giữa GD phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo đại học. Công tác thanh tra, kiểm tra trong GD còn hạn chế, kỷ cương trong GD còn lỏng lẻo, để xảy ra các hiện tượng tiêu cực chậm khắc phục. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo chưa sâu. Chưa có chiến lược quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo nên vẫn còn một bộ phận giáo viên chậm tiến bộ chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới GD hiện nay. Chính sách đãi ngộ cho nhà giáo chưa thật sự mang tính khuyến khích, chưa tạo động lực cho các nhà giáo yên tâm công tác.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập, yếu kém trong GD- ĐT, cần phải tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền GD
Việt Nam .

Đổi mới GD như thế nào?

Tiến hành đổi mới GD theo quan điểm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong các nghị quyết về GD. GD- ĐT phải thật sự được coi là quốc sách hàng đầu, là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước, đầu tư cho GD là đầu tư cho sự phát triển.

Mục tiêu đổi mới GD theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế nước ta, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Bằng GD, hình thành nhân cách phát triển năng lực của con người Việt Nam lấy đó làm lợi thế cạnh tranh trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức.

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện, nền GD Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Đổi mới tư duy về GD- ĐT: các cấp chính quyền cần nhận thức đúng và triển khai quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới GD- ĐT. Có chương trình kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn, từng thời kỳ phù hợp với thực tiễn của địa phương. Nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc lãnh- chỉ đạo đổi mới GD. Tạo điều kiện tốt nhất về tài chính, cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng GD. Đổi mới khâu tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ quản lý GD. Tăng cường phân cấp đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra, xử lý dứt điểm các hiện tượng tiêu cực trong GD, lập lại trật tự kỷ cương trong toàn ngành.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước về GD: thay đổi hình thành khung pháp lý, những chính sách mới cho GD phù hợp với thực tiễn hiện nay. Giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD. Quản lý GD bằng nghị quyết, bằng chiến lược. Dự báo quy hoạch hệ thống các cơ sở GD một cách hợp lý. Cán bộ quản lý phải qua đào tạo bồi dưỡng ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý. Lấy kiểm tra, thanh tra làm công cụ để lập lại kỷ cương trong ngành.

Phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, mạnh về chất lượng: Nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm. Đổi mới chính sách đãi ngộ cho nhà giáo. Tuyển dụng các nhà giáo giỏi có trình độ cao. Rà soát lại hệ thống thang bậc lương và các chế độ khác cho nhà giáo, để các nhà giáo an tâm dốc toàn lực cho nghề nghiệp của mình. Đi kèm theo đó là kiên quyết thực hiện cơ chế tinh giản những nhà giáo chưa đáp ứng được chuẩn nghề nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học cho các nhà giáo tạo điều kiện cho họ ứng dụng những nghiên cứu vào thực tiễn giảng dạy và đời sống.

Đổi mới phương pháp đánh giá học sinh tăng cường công tác kiểm định chất lượng ở tất cả các bậc học: Ở bậc mầm non, chú trọng về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, thẩm mỹ. Đối với hệ phổ thông, chú ý phát triển năng lực học sinh hình thành phẩm chất của người công dân tốt gắn với truyền thống, phong tục, tập quán của người Việt Nam, có khả năng hội nhập toàn cầu. Đối với GD đại học và GD nghề nghiệp, hình thành kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn khảo sát nhu cầu nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tránh tình trạng dư thừa lãng phí ở một số ngành nghề.

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo của học sinh: Đa dạng hóa loại hình đào tạo, dạy theo nhu cầu người học và nhu cầu của xã hội. Tinh gọn lại chương trình, cải tiến việc biên soạn sách giáo khoa, giảm bớt một số môn học không cần thiết, rút ngắn thời gian học phổ thông, rút ngắn thời gian ở bậc đại học. Đẩy mạnh phân luồng học sinh. Tập trung cho đào
tạo nghề.

Có chính sách đầu tư tài lực, vật lực mạnh mẽ hơn nữa cho ngành GD: Đảm bảo tổng chi ngân sách không dưới 20%. Tính toán phân bổ nguồn lực một cách hợp lý cho các vùng miền. Kiên quyết chống tham ô, lãng phí nguồn kinh phí dành cho GD. Thực hiện nghiêm chế độ miễn giảm học phí cho học sinh, duy trì việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa, để thực hiện công bằng trong GD. Làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước để phát triển GD.

Thực hiện tốt hội nhập quốc tế bằng các hiệp ước song phương, đa phương với các nước về GD: Tích cực tìm kiếm và triển khai tốt các dự án, các chương trình hợp tác của nước ngoài về GD. Tăng cường các chỉ tiêu đào tạo nước ngoài bằng kinh phí nhà nước. Khuyến khích sinh viên, học sinh ra nước ngoài học tập để chúng ta có được đội ngũ trí thức trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Việc đề ra mô hình đổi mới căn bản và toàn diện nền GD Việt Nam là một việc làm khó nhưng nhất thiết phải làm. Căn cứ vào nghị quyết của Đảng, xác định lộ trình, xác định cái nào làm trước cái nào làm sau trên nguyên tắc phải đồng bộ để đến năm 2030 Việt Nam có một nền GD mới đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc bảo vệ, xây dựng đất nước và hội nhập kinh tế thế giới.

LƯU THÀNH CÔNG

(Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh