Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở

06:08, 02/08/2012

Thực hiện Nghị quyết 12 Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, các tổ chức cơ sở Đảng trong tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức- nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tuyến xã- phường- thị trấn để đủ sức hoàn thành nhiệm

Thực hiện Nghị quyết 12 Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, các tổ chức cơ sở Đảng trong tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức- nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý tuyến xã- phường- thị trấn để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước tình hình mới.


Để có nguồn nhân lực cho cơ sở, cần có sự đầu tư “dài hơi” cho cán bộ, đảng viên trẻ. Ảnh minh họa của VÕ CHIẾN (Mang Thít)

Nhiều khó khăn

Tổng hợp của Đảng ủy xã Long Mỹ (Mang Thít), trong số 20 cán bộ, công chức đang làm việc tại xã, hiện còn 6 đồng chí chưa được học lý luận chính trị lẫn nghiệp vụ chuyên môn.

Đồng chí Đào Thành Tín- Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ cho biết, trong này còn một số cán bộ chủ chốt, do trình độ văn hóa thấp nên chưa đủ điều kiện chuẩn hóa nghiệp vụ, chuyên môn. Một số đã đào tạo, bồi dưỡng nhưng cũng chưa được bài bản, chính quy. Nguyên nhân, một số đồng chí mới bố trí vào chức danh không phải là đảng viên nên không được đi học chính trị; một số đồng chí mới bố trí chưa kịp đào tạo; một số đồng chí do lớn tuổi nên không bố trí đào tạo được.

Không riêng xã Long Mỹ, các xã- phường- thị trấn trong tỉnh còn khá nhiều cán bộ, công chức chưa được chuẩn hóa về trình độ mọi mặt. Một thống kê của Sở Nội vụ, số cán bộ, công chức cấp xã- phường- thị trấn chưa được học chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý nhà nước hiện còn gần 40%. Số cán bộ, công chức chưa được học lý luận chính trị còn đến 50%, trong đó có khoảng 25% là cán bộ chủ chốt. Phần lớn số cán bộ, công chức cũng chưa được học nghiệp vụ hỗ trợ, chưa biết căn bản về tin học, ngoại ngữ nên trong lãnh đạo điều hành công việc còn nhiều lúng túng, hạn chế, hiệu quả không cao.

Về tình hình này, Thạc sĩ Nguyễn Thành Tông- Phó Giám đốc Trường Chính trị Phạm Hùng cho rằng, trong mỗi giai đoạn cách mạng, yêu cầu công việc ngày càng cao, số cán bộ có năng lực phát triển được thường rút lên huyện, lên tỉnh; một số đến tuổi phải nghỉ hưu nên mặt hạn chế này vẫn còn. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau khi bầu cấp ủy các xã- phường- thị trấn, các cấp ủy có tập trung rà soát đưa đi đào tạo bổ sung, nhưng đến nay vẫn còn 20% chưa được đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Một nguyên nhân nữa cũng gây trở ngại cho công tác chuẩn hóa cán bộ, công chức là do áp lực công việc ở tuyến cơ sở ngày càng cao. Thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ, công chức ai cũng muốn được đi học để nâng cao trình độ mọi mặt nhưng do công việc hàng ngày ở cơ quan không có người thay thế nên họ không thể đi học. Hơn nữa, để đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn, ít nhất cũng phải mất vài năm.

Một nguyên nhân khác cũng làm cho công tác chuẩn hóa cán bộ gặp khó khăn, là do nhiều cán bộ lớn tuổi nên họ không còn đủ điều kiện để đi học chuẩn hóa trình độ. Trong khi nhà nước cũng chưa có chế độ chính sách khuyến khích giải quyết đầu ra cho số cán bộ lớn tuổi hiện đang công tác ở tuyến này- ông Lê Thanh Hiếu- Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Mang Thít nhận định.

Còn một nguyên nhân mà theo nhiều cán bộ cơ sở chia sẻ là do đời sống của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ không chuyên trách ở tuyến cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Số cán bộ này không được hưởng lương và một số chế độ như cấp trên cơ sở mà chỉ có phụ cấp trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Trong khi họ cũng phải làm việc mỗi ngày như mọi công chức khác, thậm chí áp lực công việc còn nhiều hơn. Quỹ thời gian thường phải dành hết cho công việc nên họ khó có thể kiếm thêm thu nhập ngoài giờ. Kinh tế gia đình khó khăn nên khó có thể đi
học được.

Những nguyên nhân nói trên đã tác động không nhỏ đến việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở hiện nay, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý.

Tìm cách tháo gỡ

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12 Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, tất cả các tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt là tuyến cơ sở đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường cho công tác này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới, chuẩn bị tốt nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2015- 2020.


Trưởng thành từ các phong trào cách mạng tại địa phương nhưng việc đi học để nâng cao trình độ, nhiều cán bộ cơ sở thật sự gặp khó khăn.
Ảnh: VÂN AN

Thực hiện lộ trình này, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Mỹ cho biết: “Đảng ủy xã Long Mỹ đã có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức, cán bộ chuyên trách, theo hình thức phù hợp từng chuyên môn, chức danh cụ thể. Đào tạo để có cán bộ thực học, thực tài, qua đó bố trí sử dụng đúng người đúng việc đủ sức lãnh đạo, điều hành việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”. Đồng chí Trần Văn Biển- Phó Bí thư Đảng ủy Phường 5 còn có phương án “dài hơi”: “Ban Thường vụ Đảng ủy đã tiến hành các bước quy hoạch, đưa 6 đồng chí học đại học, 5 đồng chí học trung cấp để đáp ứng yêu cầu cơ cấu BCH đảng bộ nhiệm kỳ 2015- 2020. Đối với cán bộ chủ chốt của phường, phải đảm bảo chuyên môn đại học và 40% trên
đại học”.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm cho biết: “Chúng tôi đang đưa đào tạo cán bộ và luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã đối với cán bộ trẻ, ngay trong năm 2012 đã đưa 19 cán bộ tốt nghiệp đại học về công tác ở xã để làm công tác xây dựng NTM. Chúng tôi cũng định hình đây là một trong những nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt ở xã trong tương lai”.

Dù có khó khăn cho việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở, nhưng mỗi đảng bộ và cấp ủy cũng đã có những cách làm sáng tạo tự tháo gỡ.

VÂN AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh