Tri ân thế hệ người đi trước

09:08, 09/08/2012

3 năm thực hiện Hướng dẫn 30HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương về “điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã hi sinh, từ trần”, đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ra quyết định công nhận 1.031 hồ sơ và đã có 876 trường hợp được


Cán bộ tổ chức tích cực rà soát những hồ sơ còn lại.

3 năm thực hiện Hướng dẫn 30HD/BTCTW ngày 12/8/2009 của Ban Tổ chức Trung ương về “điều kiện, căn cứ và quy trình xét, công nhận hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã hi sinh, từ trần”, đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ra quyết định công nhận 1.031 hồ sơ và đã có 876 trường hợp được giải quyết chính sách. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực để thế hệ hôm nay thể hiện lòng tri ân đối với các thế hệ người đi trước…

Tích cực thực hiện

Sau khi tiếp thu Hướng dẫn 30, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành ngay công văn giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các ban thường vụ huyện- thành ủy chỉ đạo thực hiện việc triển khai, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện phải thật chặt chẽ, công khai, minh bạch, chính xác. Trên tinh thần đó, xã- phường, thị trấn đã thông báo rộng rãi trong nhân dân và rà soát đối tượng trên địa bàn, lập danh sách, hướng dẫn gia đình và thân nhân viết bản khai tóm tắt quá trình hoạt động cách mạng của người thân. Quy trình xem xét cũng hết sức chặt chẽ ngay từ… khâu đầu tiên. Từng hồ sơ được thẩm tra, xác minh, kết luận và có xác nhận của bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân ấp- khóm đối với từng trường hợp, sau đó gởi về đảng ủy xã- phường- thị trấn tổng hợp và tổ chức hội nghị liên tịch gồm đại diện đảng ủy, ủy ban, mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội, cán bộ lao động- thương binh và xã hội, đại diện ban nghiên cứu lịch sử đảng bộ và cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa thẩm định, lập biên bản và đề nghị về huyện- thành phố. Ở cấp này, với vai trò của mình, các huyện- thành ủy cũng ra quyết định thành lập ban tư vấn thẩm định hồ sơ, ban thường vụ phê duyệt và báo cáo về Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Đây cũng là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tiến hành tổng hợp, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định công nhận và sau khi có quyết định sẽ chuyển hồ sơ đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để thực hiện chế độ ưu đãi.

Kết quả đạt được

Qua mấy mươi năm, việc công nhận lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa theo tinh thần Hướng dẫn 30 gặp không ít khó khăn. Một số trường hợp thân nhân cán bộ thuộc diện được hưởng chế độ chính sách nhưng do hoàn cảnh kinh tế phải đi làm xa hoặc gia đình đã chuyển đến nơi khác, không còn ở địa phương; một số đối tượng do thất lạc hồ sơ gốc, không tìm được căn cứ chứng minh nên không có cơ sở pháp lý để lập hồ sơ giải quyết chính sách; một số trường hợp hy sinh giấy chứng nhận liệt sĩ không có ghi ngày, tháng, năm tham gia cách mạng….


Hồ sơ được bổ sung đầy đủ sẽ được họp xét, ra quyết định công nhận.

Tuy nhiên, thuận lợi trong việc thực hiện Hướng dẫn 30 ở Vĩnh Long đó là cấp ủy các cấp đều nhận thức được mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng trong thực hiện chế độ chính sách đối với người hoạt động cách mạng nên có sự phân công, chỉ đạo cũng như tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Thực tế những năm qua, khi thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người tham gia hoạt động cách mạng từ Cách mạng Tháng Tám 1945 cải thiện nhà ở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban tư vấn Tỉnh ủy do chính đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm phó ban và ủy viên là các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các đồng chí lão thành cách mạng am hiểu phong trào cách mạng của địa phương tham gia xét đề nghị công nhận. Ban tư vấn tiếp nhận hồ sơ xét và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định công nhận cho cả những người đã hy sinh từ trần trong khi chưa có chủ trương của Trung ương cho xét công nhận những đối tượng này. Bởi vậy, khi thực hiện Hướng dẫn 30, Ban Tổ chức Tỉnh ủy căn cứ vào những hồ sơ công nhận trước đây làm cơ sở để bổ sung, điều chỉnh theo đúng quy trình và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định công nhận kịp thời cũng như bàn giao Sở Lao động- Thương binh- Xã hội trình UBND tỉnh xem xét, đề nghị Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội giải quyết chính sách kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hồng- Phó trưởng Phòng Tổ chức- cán bộ- Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết thành viên Ban tư vấn là những người rất có tâm huyết với công việc. “Có chú cứ điện thoại lên hỏi thăm trường hợp những người ở tù, hy sinh ở Côn Đảo mà Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã nhận được để chú xem còn sót ai không thì mới yên tâm được!” Đồng chí Nguyễn Thúy Hồng tâm sự: “Ngay cả bản thân chúng tôi cũng cố gắng hướng dẫn tận tình để thân nhân khỏi phải tốn thời gian đi tới đi lui. Một hồ sơ được công nhận, chúng tôi cũng vui lây!”

3 năm thực hiện Hướng dẫn 30, 1.031 trường hợp có quyết định công nhận, trong đó có 876 trường hợp được giải quyết chính sách, với mức 50 triệu đồng cho người được công nhận lão thành cách mạng và 25 triệu đồng cho người được công nhận tiền khởi nghĩa. Riêng đối với trường hợp vợ, chồng, con của người được công nhận không còn thì anh, em, cháu, người thờ cúng sẽ được nhận với mức 10 triệu đồng.

Hướng dẫn 30 vẫn được tiếp tục thực hiện với những hồ sơ còn lại. Đây là hoạt động thiết thực, cụ thể để thế hệ hôm nay tri ân đối với những người đã cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!


Bài, ảnh: HỒNG PHẤN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh