Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục (GD) đào tạo nước nhà. Bác xem con người là “cái gốc” của sự phát triển và GD là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực, phẩm chất của con người. Người khẳng định “Không có GD, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa”.
Cho đến nay, những quan điểm tư tưởng của Bác về vai trò, trách nhiệm GD, của người thầy, học sinh sinh viên vẫn còn nguyên giá trị; trở thành ngọn đuốt soi đường cho GD Vĩnh Long phát triển bền vững. Góp vào những thành tích đó, có sự đóng góp của những tấm gương tập thể, cá nhân là “lá cờ đầu” trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy biểu dương, khen thưởng.
Kỳ 1: Học và làm theo Bác bằng cả trái tim
![]() |
Phương cùng đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia, năm học 2024-2025. |
Đối với em Đoàn Trương Trúc Phương- học sinh lớp 12A8, Trường THPT Trà Ôn (Trà Ôn) tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” để rèn luyện nhân cách và sống có ích mỗi ngày. Trúc Phương học ở Bác “bằng cả trái tim” với tinh thần tự học suốt đời, ý chí vươn lên trong gian khó, đức tính khiêm nhường và lối sống giản dị. Trong học tập, em luôn chủ động tìm tòi kiến thức, không ngại hỏi, không sợ sai, biết lắng nghe và sửa mình sau mỗi lần vấp ngã.
Bằng những hành động nhỏ học theo Bác nhưng thiết thực mỗi ngày, như lập kế hoạch học tập rõ ràng, siêng năng, bền bỉ thực hiện và không ngừng đổi mới phương pháp để đạt kết quả học tập xuất sắc. Đặc biệt, Trúc Phương là học sinh đạt giải nhì cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.
Không có việc gì khó,…
Đoàn Trương Trúc Phương đã ghi tên mình trong danh sách học sinh Vĩnh Long đạt giải học sinh giỏi quốc gia, với thành tích năm sau cao hơn năm trước. Từ giải ba năm học 2023-2024, năm học 2024-2025 là giải nhì quốc gia môn Lịch sử. Kết quả thi là thành tích của sự kiên trì, bền bỉ và đặc biệt thể hiện ý chí, nghị lực vươn lên của cô học trò nhỏ luôn muốn “vượt lên chính mình”, với quyết tâm “không có việc gì khó/chỉ sợ lòng không bền”.
Trong 3 năm học THPT, Trúc Phương đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, danh hiệu “học sinh 3 tốt”. Trúc Phương luôn ý thức rằng học tập không chỉ là nhiệm vụ mà còn là hành trình khám phá tri thức và hoàn thiện bản thân, là nền tảng để xây dựng tương lai. Vì vậy, em luôn chủ động lập kế hoạch học tập rõ ràng, khoa học, phân bổ thời gian hợp lý giữa các môn, xen kẽ giữa học và nghỉ ngơi để giữ tinh thần tỉnh táo, học tập hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, Trúc Phương cho biết đã “nỗ lực rèn luyện bản thân cả về kiến thức lẫn kỹ năng”. Em tập trung vào môn học thế mạnh, đồng thời tích cực luyện đề, giải bài nâng cao để mở rộng tư duy và rèn khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Bên cạnh đó, Trúc Phương còn chủ động tìm thêm tài liệu nâng cao, tham khảo ý kiến thầy cô, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, từ bạn bè để hoàn thiện kiến thức một cách toàn diện.
Dù tất bật với lịch học, lịch ôn thi học sinh giỏi quốc gia, Trúc Phương luôn tích cực tham gia các phong trào do nhà trường và đoàn thể phát động để rèn luyện sự tự tin, năng động và tinh thần trách nhiệm. Để tham gia tốt các phong trào, Trúc Phương chủ động quản lý thời gian hiệu quả, cân bằng giữa học tập và hoạt động ngoại khóa. “Em thường sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên, lập kế hoạch cụ thể cho từng tuần, từng sự kiện để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- Trúc Phương chia sẻ.
Với sáng kiến “Bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em”, Trúc Phương đạt giải nhì cấp tỉnh năm 2024 và được chọn dự thi cấp toàn quốc. Trong đó, Trúc Phương thể hiện quan điểm, trường học hạnh phúc là “Trường học không khoảng cách”.
Gốc rễ của bạo lực học đường là “khoảng cách”, là sự mâu thuẫn, không có sự thấu hiểu giữa các học sinh với nhau, hay thậm chí là giữa thầy trò. Thầy cô nên tạo điều kiện để tất cả mọi học sinh đều được nói ra tiếng lòng của mình. Những buổi “Talkshow”, “Trải lòng” cần được tổ chức thường xuyên để thu hẹp khoảng cách tình cảm giữa học sinh.
“Dân ta phải biết sử ta”
Chia sẻ cảm nhận về môn Lịch sử, Trúc Phương cho rằng hầu hết học sinh đều yêu lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số học sinh không thích học môn Lịch sử. “Chương trình học nặng về lý thuyết, phương pháp giảng dạy đôi khi thiếu thu hút và học sinh còn tâm lý “sợ học bài” nên không yêu thích môn học này”- Trúc Phương nhận xét.
Góp ý cho môn Lịch sử, theo Trúc Phương chương trình Lịch sử phổ thông nên chú trọng vào hoạt động trải nghiệm, quan tâm đến việc tác động vào cảm xúc của học sinh trong mỗi tiết học, mỗi trang Sử ngoài cung cấp lý thuyết cần lồng ghép những câu chuyện và những thông điệp, trải nghiệm để học đi đôi với hành như lời Bác dạy.
Đối với Đoàn Trương Trúc Phương, tình yêu lịch sử có từ khi còn là học sinh tiểu học, em ấn tượng sâu sắc với những thước phim tài liệu lịch sử nên chủ động tìm hiểu thêm nhiều kiến thức liên quan. Chính tình yêu này, giúp Trúc Phương tiếp cận môn học như một hành trình thực hiện đam mê của mình.
Phương pháp học tốt môn Lịch sử của Trúc Phương là tập trung vào 3 giai đoạn: Biết- Hiểu- Nhớ. Phương thường tìm hiểu những kiến thức tổng quát về một vấn đề lịch sử, sau đó em tìm thêm những kênh tài liệu chuyên sâu. Cuối cùng là bước ghi nhớ, Phương ghi nhớ các sự kiện bằng việc liên kết với những điều gần gũi, quen thuộc với mình.
![]() |
Trúc Phương đoạt giải và được tuyên dương trong nhiều cuộc thi. |
Trúc Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Các mốc thời gian em thường liên kết với ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm của những người thân quen. Em học lịch sử mỗi ngày qua báo chí. Đặc biệt, ở giai đoạn ôn thi học sinh giỏi quốc gia, em dành phần lớn thời gian để tìm hiểu thêm nhiều vấn đề về lịch sử”.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Trúc Phương áp dụng xuyên suốt, hàng ngày. Đó là sự kiên trì, phấn đấu đạt được mục tiêu mình đề ra, không vì khó khăn, thất bại mà nản chí. Là tinh thần “không ngừng học”, để vươn lên, vượt qua những giới hạn của bản thân.
Tương lai, cô học trò nhỏ mong muốn đỗ vào ngành Sư phạm Lịch sử và phấn đấu để trở thành một người giáo viên có trách nhiệm, dạy Lịch sử hay, thu hút để góp phần lan tỏa tinh thần dân tộc trong những trang sử hào hùng cho thế hệ tương lai; để “dân ta phải biết sử ta” như mong muốn của Bác Hồ.
![]() |
||
Đoàn Trương Trúc Phương: Việc học Lịch sử không chỉ giúp em có cái nhìn rõ hơn về quá khứ để lại bài học cho hiện tại và tương lai, mà còn GD cho em về lòng yêu nước, về sự tự hào dân tộc. Lịch sử đối với em không đơn thuần là học mà để khắc ghi vào tim.
Cô Trát Thị Tú Hân- Giáo viên chủ nhiệm: Trúc Phương là học sinh có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện. Cụ thể, em là học sinh xuất sắc nhiều năm liền và cũng là đoàn viên xuất sắc, tích cực tham gia các hoạt động đoàn, hoạt động tình nguyện và đạt nhiều thành tích cao, được bạn bè, thầy cô tín nhiệm.
Lương Hồng Phương- Học sinh lớp 12A8: Em và bạn Trúc Phương học chung từ tiểu học, em rất ấn tượng về phương pháp học tập của bạn, rất khoa học và có kế hoạch cụ thể. Bạn cũng sẵn sàng chia sẻ phương pháp ghi nhớ môn Lịch sử của mình cho cả lớp. Thành tích của bạn qua các kỳ thi là niềm tự hào cũng là động lực cho em và các bạn cùng lớp cố gắng phấn đấu để đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
(Còn tiếp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin