Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ xây dựng lối sống mới cho phù hợp với chế độ mới.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ xây dựng lối sống mới cho phù hợp với chế độ mới.
Năm 1947, Người đã viết và cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới” với mục tiêu xây dựng một lối sống mới phù hợp với điều kiện mới của cuộc kháng chiến, kiến quốc. Sau 70 năm, những nội dung của tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị.
Qua thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều khu dân cư ngày càng văn minh, sạch đẹp. |
Xây dựng đời sống mới từ những điều đơn giản
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lối sống mới là lối sống có lý tưởng, có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp tinh hoa của văn hóa dân tộc và nhân loại.
Lối sống bao gồm lối sống riêng của từng cá nhân và lối sống chung từng nhóm người, rộng hơn là toàn xã hội.
Theo đó, Người mong muốn nhân dân ta có lối sống khiêm tốn, giản dị, chừng mực, ngăn nắp, vệ sinh, yêu lao động, quý trọng thời gian, ít lòng tham muốn về vật chất, chức quyền, danh lợi.
Hồ Chí Minh cho rằng, bất kỳ ai, ở địa vị nào cũng phải tham gia xây dựng đời sống mới, lối sống mới, không kể già hay trẻ, gái hay trai, giàu hay nghèo…
Xây dựng lối sống mới, theo Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà mọi người đều phải thực hành đó là ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc.
Người viết: “Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại. Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm.
Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh. Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít.
Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc.
Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc”. Song song đó, Hồ Chí Minh quan tâm từ vấn đề vệ sinh, y tế, đến việc chăm sóc các em nhỏ, Người yêu cầu phải sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp từ trong nhà, vườn tược, đường phố…
Người còn chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi những thói quen, tập tục trong sinh hoạt văn hóa, trong hội hè, cưới hỏi, ma chay, giỗ tết… Theo đó, Hồ Chí Minh phê phán những tục lệ tốn kém, lãng phí “như đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi”.
Phân tích về giá trị định hướng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn hiện nay qua tác phẩm “Đời sống mới”, GS,TS Mạch Quang Thắng- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, những nội dung nêu trong tác phẩm vẫn là những giá trị định hướng cho việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong thời buổi hiện nay.
Nỗ lực làm theo
Phát huy những giá trị trong tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực vận động cả hệ thống chính trị, người dân cùng tham gia phong trào này.
Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trước đây và hiện nay là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” mà Vĩnh Long đang ra sức thực hiện đã giúp cho bộ mặt của tỉnh từ nông thôn đến thành thị ngày càng khởi sắc.
Xã Loan Mỹ- xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh hiện nay- đang ra sức nâng chất các tiêu chí nông thôn mới của mình, điển hình là tiêu chí về môi trường.
Bà Ngô Nguyễn Hiền Nhi- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Mỹ (Mang Thít)- cho biết mô hình “Biến rác thành tiền giúp bệnh nhân nghèo” bằng việc vận động hội viên thu gom rác phế liệu bán làm quỹ tiết kiệm giúp bệnh nhân nghèo rất hiệu quả.
Qua phát động, tính đến nay toàn xã hiện có 545 hộ hội viên hưởng ứng (chiếm 65,2% số hội viên). Hiệu quả mang lại của mô hình này có tác động mạnh mẽ đến nhận thức của hội viên trong thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và học tập tiết kiệm theo tấm gương của Bác.
Ngoài ra, mô hình này còn hạn chế rác thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và được các địa phương khác học tập.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Phước (Mang Thít) Ngô Hùng Nhân cho biết, do phát huy dân chủ từ nội bộ Đảng đến quần chúng nhân dân, xã thực hiện tốt việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn liên xóm, liên ấp.
Học theo Bác về tăng gia sản xuất, tiết kiệm… nhiều hộ dân thoát được nghèo, vươn lên khá giả. |
Trong năm 2016, tỷ lệ nhân dân đóng góp quỹ giao thông nông thôn trên 99% giúp địa phương có kinh phí thực hiện các công trình với tổng số tiền trên 800 triệu đồng.
Giờ đây trên các tuyến đường này, xã tiếp tục vận động người dân trồng hoa, làm hàng rào để bộ mặt nông thôn thêm đẹp hơn.
Tại xã Tân Thành (Bình Tân), bà Nguyễn Thị Kiều Trang- cán bộ phụ trách nông thôn mới đã xây dựng hương ước bảo vệ môi trường và ra sức vận động người dân thực hiện.
Đến nay, 100% hộ dân của xã cam kết không vứt rác xuống sông, không vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, rác thải tập trung đúng nơi quy định, đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ đảm bảo xanh- sạch- đẹp… và xã đạt tiêu chí về môi trường.
Chi hội Nông dân ấp Hiếu Minh A (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) đang ra sức học và làm theo tư tưởng của Bác.
Mô hình “Ruộng lúa bờ hoa”- dưới ruộng trồng lúa, trên bờ trồng hoa- vừa bảo tồn thiên địch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp giảm chi phí, thu lợi nhuận cao hơn lại vừa bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Trạng- đại diện Chi hội Nông dân ấp Hiếu Minh A- cho biết, từ 15ha với 17 hội viên năm 2015 đến năm 2016 đã phát triển lên 100ha với 137 hội viên. Hiệu quả mang lại, lợi nhuận trong mô hình cao hơn bên ngoài trên 6,4 triệu đồng/ha/vụ, bình quân cả năm thu lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng trên 100ha.
Có thể khẳng định qua 70 năm, những nội dung trong tác phẩm “Đời sống mới” của Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị.
Thực hiện lời dạy của Người, nhiều địa phương đã và đang ra sức xây dựng đời sống mới và đã tạo một luồng sinh khí mới giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hiện nay, tỉnh đang duy trì, nhân rộng các mô hình hay về bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, sáng- xanh- sạch- đẹp ở các khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 630/847 khu dân cư đạt văn hóa 5 năm liền; 33/94 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2/15 phường- thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. |
Bài, ảnh: THANH TÂM
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin