Kỳ 2: Học theo Bác tăng gia sản xuất, sống "tốt đời đẹp đạo"

03:08, 15/08/2017

Noi gương Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Nhanh- Phó trưởng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Thành Lợi (Bình Tân) luôn sống "tốt đời đẹp đạo" vừa tích cực tăng gia sản xuất, giúp nông dân (ND) vươn lên làm kinh tế, vừa quan tâm chăm lo an sinh xã hội.

Noi gương Bác Hồ, ông Nguyễn Văn Nhanh- Phó trưởng Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Thành Lợi (Bình Tân) luôn sống “tốt đời đẹp đạo” vừa tích cực tăng gia sản xuất, giúp nông dân (ND) vươn lên làm kinh tế, vừa quan tâm chăm lo an sinh xã hội.

Ông Nhanh (bìa phải) đến thăm, động viên gia đình bà Kiều (thứ 2, bên trái).
Ông Nhanh (bìa phải) đến thăm, động viên gia đình bà Kiều (thứ 2, bên trái).

Giỏi làm nông, chăm làm từ thiện

Cách nay 3 năm, chúng tôi cùng Hội Nông dân tỉnh đến tham quan mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của ông Nhanh.

Nay có dịp trở lại, thật vui khi ông là một trong 31 nông dân tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012- 2016 và được Tỉnh ủy tuyên dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016.

Hồi đó, lúc mới ra riêng, ông Nhanh được cha mẹ cho 4 công đất, đời sống nhiều khó khăn. Nhờ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và tham quan học hỏi các mô hình làm ăn hiệu quả, ông đã mạnh dạn chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng 2 vụ khoai lang- 1 vụ lúa.

Có thời điểm khoai lang bị sâu lạ tấn công, ông báo cáo về hội và tiếp tục được tập huấn cách phòng trừ, nhờ vậy ông có thể an tâm gắn bó với cây khoai lang. 

Học theo Bác Hồ ở đức tính cần cù, ông Nhanh đã tăng gia sản xuất, nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Đến nay, ông có tới 3ha đất trồng mít, luân canh lúa- khoai và thêm nghề đưa đò qua sông, góp phần giải quyết việc làm cho 95 lao động và thu lãi 800 triệu đồng/năm. Ông cho biết, sắp tới sẽ trồng thêm thanh long ruột đỏ để nâng cao thu nhập.

Mỗi năm, sau khi hết vụ khoai, ông dành 10 công ruộng và lúa giống cho 2 hộ  nông dân nghèo mượn (không hoàn vốn) để trồng lúa.

Ngoài ra, ông còn hướng dẫn nhiều nông dân về kỹ thuật, cho mượn dây khoai lang giống và cây giống không tính lãi, đến khi thu hoạch sẽ trả lại. “Tui làm vậy để động viên bà con phấn đấu làm ăn, còn nếu hộ nào gặp khó, không có khả năng hoàn vốn thì tui cũng... buông luôn chứ không đòi”- ông Nhanh cười tươi.

Với đặc thù trong tổng số gần 2.900 hội viên nông dân của xã, có hơn 800 hội viên là tín đồ. Vì vậy, với vai trò là Ủy viên BCH Hội nông dân xã, ông Nhanh được Đảng ủy xã phân công theo hệ thống “chuỗi rễ”, đó là giúp nông dân vươn lên thoát nghèo. Với cách làm “vừa trao cá vừa trao cần câu”.

Từ năm 1990 đến nay, cứ hay tin có trường hợp nào khó khăn thì ông tìm đến và hỗ trợ 5- 10kg gạo/hộ để “chữa lửa” cho họ có cái ăn trước, rồi sau đó kêu gọi giúp đỡ. Mỗi năm ông đều vận động mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và giúp 2 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm qua, ông Nhanh đã phối hợp với chính quyền các cấp vận động tín đồ tham gia hỗ trợ cất 37 căn nhà cho hộ nghèo, làm 8km đường nông thôn, xây 9 cây cầu bê tông, hỗ trợ mỗ mắt cho 182 người nghèo, xây dựng thành công mô hình xe cứu thương giúp chuyển 3.100 ca bệnh miễn phí, sưu tầm 198.000kg thuốc Nam... cùng nhiều hoạt động cứu trợ thường xuyên, đột xuất trị giá hàng tỷ đồng.

Cây cầu liên ấp Thành Ninh- Thành Thọ do ông Nhanh vận động xây dựng đã tạo thuận lợi cho người dân đi ruộng, chuyên chở nông sản.
Cây cầu liên ấp Thành Ninh- Thành Thọ do ông Nhanh vận động xây dựng đã tạo thuận lợi cho người dân đi ruộng, chuyên chở nông sản.

 

Năm 2016, ông Nhanh đã đề xuất với Ban đại diện tỉnh và Ban trị sự cơ sở tích cực tuyên truyền, kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia thực hiện các chương trình an sinh xã hội do mặt trận các cấp phát động với số tiền phúc lợi 14 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 tỷ đồng so cùng kỳ. 

Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã vận động an sinh hơn 9 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ vượt trên chỉ tiêu phấn đấu là 17 tỷ đồng.

Giúp người nghèo an cư, xây cầu cho dân đi

Đến ấp Thành Ninh (xã Thành Lợi), chúng tôi ghé thăm căn nhà của em Cao Thị Kiều Trinh. Căn nhà tường kiên cố với mái lợp tôn, nền lót gạch men sáng bóng là tổ ấm của mẹ con Trinh.

Bà Cao Thị Mỹ Kiều- dì của Trinh cho biết: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền và ông Nhanh mà em và cháu tui có nơi ở ổn định, tui mừng còn hơn là được ai cho vàng. Hiện cháu Trinh đi học ở TP Hồ Chí Minh nên nhờ tui coi sóc nhà cửa dùm, mẹ cháu thì đang được gửi đi điều trị bệnh tâm thần”.

Cơn bão số 5 vừa qua, căn nhà của hai mẹ con Trinh bị sập và phải qua ở tạm nhà bà Kiều. Vì không có tiền đưa bà Mỹ Hạnh (mẹ của Trinh) đi điều trị và không biết sẽ lên cơn đập phá lúc nào nên bà Kiều buộc phải dùng dây để xích bà Hạnh lại, nhìn thật thương tâm...

Ông Nhanh luôn quan tâm vận động trong bổn đạo cùng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Ông Nhanh luôn quan tâm vận động trong bổn đạo cùng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.

Trước tình cảnh trên, ông Nhanh đã phối hợp với chính quyền xét hỗ trợ 40 triệu đồng cho Trinh cất nhà, trong đó MTTQ huyện và xã hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại do ông Nhanh vận động đóng góp. Cuối năm 2016, căn nhà kiên cố được hoàn thành trong niềm vui lớn của gia đình Trinh.

Ngoài ra, mẹ con Trinh được hưởng những ưu đãi của Nhà nước như: cấp thẻ BHYT, xét miễn giảm học phí... đã giúp Trinh có điều kiện đến trường. Hiện em vừa học, vừa làm để viết tiếp ước mơ làm y sĩ để “hiểu về thuốc và biết cách chăm sóc mẹ”.

Cũng trong những lần đi hỗ trợ hộ nghèo, ông Nhanh hiểu được niềm mong mỏi của người dân 2 ấp Thành Ninh- Thành Thọ là có cây cầu bê tông đi lại.

Vì vậy, ông đã phối hợp với chính quyền địa phương đứng ra vận động 80 triệu đồng để bê tông hóa cây cầu (ngang 2m, dài 25m) giúp người dân tiện đường đi ruộng và chuyên chở nông sản. Mỗi năm, ông Nhanh còn vận động đổ cả chục khối đá trên 2 tuyến đường gần đó để mọi người đi lại dễ dàng suốt 2 mùa mưa nắng.

Chị Đồng Thị Ngọc Mai- ấp Thành Ninh kể, cây cầu này tuy trong đồng nhưng nhu cầu qua lại của người dân rất nhiều. Trước đây ai cũng phải gửi xe qua cầu khỉ rồi lội bộ đi tiếp, có khi vác phân thuốc đi mà té lên, té xuống hoặc phải dùng xuồng bơi qua.

Có lần tui đi ruộng về đội thúng trên đầu mà không dám qua cầu, phải lội sông qua, thiệt là cực không thể tả. Từ khi có cây cầu này dân ở đây mừng lắm vì xe chạy bon bon tới ruộng, không còn cảnh qua cầu khỉ cực khổ như trước nữa.

Vừa làm nông, vừa chăm lo đạo sự, có lúc công việc rơi vào “quá tải”, tuy nhiên ông Nhanh luôn cố gắng sắp xếp để mọi chuyện hoạt động nhịp nhàng. Theo ông Nhanh, chăm lo an sinh cho hộ nghèo là một trong 4 công trình đạo sự mà chúng tôi luôn hướng tới để chung tay cùng chính quyền và mặt trận các cấp xây dựng tỉnh nhà thêm giàu đẹp.

 

 

Ông Lưu Quang Sang- Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Bình Tân (ảnh 4): Xuất thân từ nông dân, ông Nhanh là người rất cần cù, chí thú làm ăn. Ngoài ra, ông còn là người rất có tâm vì đạo, quyết tâm chăm lo đạo sự, xây dựng uy tín để vận động tín đồ cùng gắn kết chính quyền và mặt trận để chăm lo an sinh cho hộ nghèo và tham gia các phong trào thiết thực tại địa phương.

Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh