Chuyến hành trình 5 ngày (22- 26/8/2017) của Tỉnh ủy Vĩnh Long đến các tỉnh Tây Nguyên đã để lại trong lòng chúng tôi- những người được vinh dự đi cùng nhiều cảm xúc khó tả.
Chuyến hành trình 5 ngày (22- 26/8/2017) của Tỉnh ủy Vĩnh Long đến các tỉnh Tây Nguyên đã để lại trong lòng chúng tôi- những người được vinh dự đi cùng nhiều cảm xúc khó tả.
Những câu chuyện, những tấm gương và những cách làm hay khi thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là bài học quý báu cho đoàn.
Để hiểu thêm rằng, học theo Bác là việc làm mỗi ngày của mỗi người, là những câu chuyện không bao giờ cũ.
Đoàn công tác Tỉnh ủy Vĩnh Long do ông Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- dẫn đầu, tham quan nhà rông, nghe cồng chiêng ở TP Buôn Ma Thuột. |
Những bông hoa trong vườn Bác
Khác với thành phần của đoàn những năm trước đây, năm 2017, đoàn tỉnh Vĩnh Long chỉ có 3 cá nhân là tấm gương trong học tập và làm theo Bác, còn lại phần lớn là cán bộ tuyên giáo ở các cơ quan, đơn vị.
Ông Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho biết: “Chúng ta xác định đi giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nên thành phần là những cá nhân có thể nhân rộng Chỉ thị 05 ở đơn vị”.
Ấn tượng đầu tiên về đoàn là hình ảnh nữ công an giao thông xinh đẹp, Thiếu tá Nguyễn Thị Đông Sang- Phòng PC67- Công an tỉnh.
Thiếu tá Đông Sang nhớ những ngày hồ sơ đăng ký xe lên đến 200 chiếc, đòi hỏi mỗi cán bộ cảnh sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm làm “hết việc chứ không hết giờ”.
Ngoài ra, đơn vị cảnh sát giao thông đường bộ còn hướng dẫn cách điều chỉnh trực tuyến cho bà con, đặc biệt là bà con ở xa để tránh chuyện mất thời gian.
“Chúng tôi còn liên kết bưu điện để người dân lấy giấy đăng ký xe hoặc nộp phạt qua đường bưu điện”- Thiếu tá Đông Sang cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Nhanh- Phó Trưởng Ban đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Vĩnh Long- được biết đến từ lâu với những chiếc xe cứu thương từ thiện.
Ông nói: “Đồng hành với chính quyền và mặt trận các cấp, tôi tuyên truyền vận động tín đồ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Chỉ tính năm 2016, ông đã vận động xây dựng 37 căn nhà với tổng số 1,2 tỷ đồng; làm 8km đường đan nông thôn và xây 9 cầu bê tông với tổng trị giá trên 2,4 tỷ đồng.
Gây ấn tượng bởi cách trình bày thuyết phục, ông Lê Hồng Hải- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (Mang Thít)- nói về việc làm công tác dân vận ở “địa phương mà bà con đa số là đồng bào công giáo”. Vận động đúng chỗ và đúng người, chọn ngôn ngữ phù hợp với người dân đã làm nên thành công cho ông Hải.
Ông vui vẻ nói: “Mình vận động bà con xây nông thôn mới mà nhiều người không hiểu, tưởng chuyện khó khăn thì họ không muốn làm đâu. Tôi đơn giản hóa bằng cách khuyên “chị ơi, chị làm hàng rào trồng hoa cho nó đẹp nhà, xong rồi xây nhà vệ sinh tự hoại, đào hố rác… là họ chịu liền”.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum Y Mửi trao quà cho các cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. |
Giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn, đoàn không chỉ được lắng nghe cách làm của địa phương (đa số các tỉnh có từ 30 dân tộc trở lên) mà còn được chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.
Đó là câu chuyện của Tỉnh ủy Kon Tum tiết kiệm chi phí nhờ xây dựng phòng họp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở; câu chuyện chào cờ ở nhà rông của bà con làng Lơ Hai 1 (phường Lê Lợi, TP Kon Tum).
Làng có 170 hộ/967 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 100%, tỷ lệ hộ nghèo 70%. Ông Trương Duy Cảnh- Bí thư Chi bộ làng- nhớ về những năm 2000: “Đường giao thông là đường đất, thiếu điện, đời sống bà con khó khăn”.
Làm gì để bà con tin và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước là câu hỏi lớn trong lòng ông Cảnh.
Ông Cảnh hiểu, mọi việc phải bắt đầu từ việc phát huy nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, bằng việc di dời 800 ngôi mộ tại nghĩa trang nhân dân đầu làng để xây dựng khuôn viên văn hóa, làm nhà rông, mua bộ cồng chiêng BaNar, khôi phục đội cồng chiêng, múa xoan…
Ông Cảnh nói: “Bất cứ việc gì, muốn vận động bà con cũng phải vận động được già làng. Bản thân tôi cũng học tiếng dân tộc để gần gũi bà con”.
Hiểu được khó khăn của học sinh ở làng là hoàn cảnh khó khăn và nhận thức bà con còn thấp, bên cạnh phối hợp nhiều ban ngành cùng vận động, ông Cảnh còn xin nhiều suất học bổng, quà cho trẻ em có đủ điều kiện đến trường. Hiện nay, làng Lơ Hai 1 có trên 98% học sinh đến trường.
Đoàn công tác Tỉnh ủy Vĩnh Long làm việc tại tỉnh Kon Tum. |
Thiêng liêng nhất là hình ảnh bà con buôn làng tập hợp ở nhà rông để chào cờ mỗi sáng đầu tuần. Ông Cảnh nói: “Để cho bà con thuộc quốc ca, tôi mở loa cho nghe và nghe những bài hát cách mạng từ 5 giờ sáng mỗi thứ bảy, chủ nhật”.
Với Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc- bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk- thì việc học theo Bác là những trăn trở khi thấy dân mình còn khó khăn, khi thấy những học sinh vì nghèo mà không được đến trường.
Ngoài vận động quà, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc còn vận động xe đạp cũ cho học sinh thiếu phương tiện đến trường. “Từ 2 chiếc xe đạp cũ ban đầu, tôi mua và sửa lại cho các em năm 2013; đến năm 2014 lên 21 chiếc, năm 2015 là 24 chiếc và 2016 là 35 chiếc…
Những chiếc xe đạp vận động được đã giúp cho bao em học sinh được đến trường”- Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc chia sẻ.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm mỗi ngày, là những việc đơn giản nhưng có ích cho cộng đồng.
Hành trình 5 ngày khép lại với những bài học kinh nghiệm gắn với hoạt động thực tế ở từng địa phương, để chúng tôi càng tin rằng, việc thực hiện Chỉ thị 05 ở Vĩnh Long cũng như trong cả nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau một năm thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW, tỉnh Vĩnh Long đã biểu dương, khen thưởng hơn 10.200 tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin