Phong cách đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh

03:06, 26/06/2017

Năm 1923, khi gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ - nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam, bằng dự cảm thiên tài của một thi sĩ, đã viết "Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai"… 

Năm 1923, khi gặp Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ - nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam, bằng dự cảm thiên tài của một thi sĩ, đã viết “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”… 

Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách đặc biệt, chứa đựng trong đó tất cả trí tuệ, tư tưởng, đạo đức, phong thái, lề lối làm việc.

Phong cách đặc biệt này được hình thành từ chính sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tạo nên những nét riêng biệt trong lối sống, cách ứng xử hết sức tinh tế và văn hóa, độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng lại rất gần gũi, rất đời thường, không cao siêu, không khó hiểu.

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Là người tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, song Người luôn sáng tạo trong vận dụng để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh là phong cách đặc biệt, ở một số trường hợp, người ta sẽ không thể phân biệt được đâu là vị nguyên thủ quốc gia, đâu là người dân lao động bình thường. Đó là phong cách trọng dân, gần dân, thấu hiểu nhân dân, luôn chăm lo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tuân thủ triệt để những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; vì lẽ ấy, bất cứ vấn đề gì Người cũng thường đưa ra thảo luận một cách công khai và quyết định theo đa số.

Khi viết tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, khi nghe các đồng chí xung quanh góp ý, mặc dù vẫn bảo lưu quan điểm của mình là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” nhưng Người đã cho sửa lại theo góp ý của số đông đồng chí khi ấy.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà khi có khuyết điểm thì tự phê bình và để nhân dân phê bình mình, có sai lầm thì tự nhận và khắc phục.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn làm gương trước để mọi người noi theo. Người thường nói các dân tộc ở phương Đông sống thiên về tình cảm nên một tấm gương sống có giá trị hơn nhiều bài diễn thuyết suông.

Người cũng cho rằng “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”, bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn đề cao vấn đề nêu gương và bản thân Người luôn gương mẫu thực hành trước. 

 

Hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ được trưng bày, giới thiệu tại Di tích lịch sử Hồ Chí Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc) . Ảnh: HOÀI NAM
Hình ảnh, tư liệu quý về Bác Hồ được trưng bày, giới thiệu tại Di tích lịch sử Hồ Chí Minh ở Quảng Châu (Trung Quốc) . Ảnh: HOÀI NAM

Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt đặc sắc của riêng mình. Đó là một phong cách diễn đạt chân thực, trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, chính vì điều đó càng làm cho Người trở nên gần gũi, không xa cách.

Người luôn luôn căn dặn trước khi nói và viết phải đặt câu hỏi: Nội dung nói, viết là gì? Đối tượng nói, viết là ai? Mục đích nói, viết để làm gì? Cách nói, viết như thế nào? Có lẽ vì vậy mà mỗi bài viết của Người mang phong cách khác nhau.

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, có lý có tình, luôn để lại dấu ấn sâu đậm đối với những người đã từng gặp mặt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng đối với mọi người, nghiêm khắc nhưng cũng chứa đựng đầy độ lượng khoan dung.

Đến với nhân dân, Người mang theo phong cách thật sự giản dị, gần gũi; tiếp các nguyên thủ quốc gia, các nhân vật nổi tiếng, Người mang phong cách lịch lãm, đĩnh đạc…

Phong cách sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc sống thường ngày có nhiều nét đã trở thành huyền thoại.

Người giản dị nhưng không giản đơn, bình thường nhưng không tầm thường. Mỗi việc làm, mỗi hành động của Người, dù nhỏ nhất, cũng đều chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất cao.

Đánh giá về phong cách Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh là người năng động và linh hoạt trong ứng biến, minh triết và thanh thản trong tâm hồn và phong độ…

Bản lĩnh ứng biến năng động và linh hoạt đi đôi với sự minh triết và thanh thản trong tâm hồn, sự ung dung, thoải mái trong phong độ, Hồ Chí Minh hoàn toàn không theo kiểu hiền triết thời xưa, coi mọi thứ trên đời đều là phù du, không đáng kể.

Hồ Chí Minh luôn luôn sống giữa cuộc đời, và đúng như câu phương ngôn mà Mác ưa thích, không có cái gì thuộc về con người đối với Hồ Chí Minh lại là xa lạ. Phong độ ung dung của Hồ Chí Minh là phong độ của người nhận thức được quy luật của lịch sử, tin ở nhân dân và có nhân dân, con người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch, con người tĩnh như núi, động như biển, nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể”.

Chính phong cách đặc sắc ấy đã làm nên một Hồ Chí Minh như đánh giá của Tiến sĩ M. Atmet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, tại hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn”, được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một hy vọng và viễn cảnh mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Theo VŨ TRUNG KIÊN- Học viện Chính trị khu vực 2 (SGGPO)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh