Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì câu chuyện về việc Tổng Bí thư Lê Duẩn học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ có giá trị nêu gương và mang lại ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì câu chuyện về việc Tổng Bí thư Lê Duẩn học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ có giá trị nêu gương và mang lại ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Đồng chí Trần Trọng Tân (1926- 2014)- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương từng kể lại, vào tháng 5/1951, tại Vinh (Nghệ An) diễn ra hội nghị Khu ủy 4 mở rộng.
Đồng chí Lê Duẩn về dự hội nghị để bàn các chủ trương, giải pháp học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ nhân kỷ niệm 61 năm ngày sinh
của Người.
Tại hội nghị đã diễn ra một cuộc đối thoại thú vị. Mở đầu, đồng chí Lê Duẩn nêu vấn đề:
- Chúng ta học gương đạo đức Bác Hồ là học những gì?
Một số đồng chí đứng lên trả lời, “đáp án” khá giống nhau. Đó là việc học gương Bác về “Trung với nước, hiếu với dân” và “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
Nghe xong, đồng chí Lê Duẩn cho rằng, dự hội nghị là những đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng cấp khu, cấp tỉnh, mà chỉ trả lời như vậy, chứng tỏ các đồng chí chưa suy nghĩ thấu đáo. Tổng Bí thư Lê Duẩn cho rằng, bản thân đồng chí đã học về gương đạo đức Bác Hồ từ một câu chuyện nhỏ về Bác.
Đó là, sau Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công, Bác từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Người ở tại nhà một người dân (số 48, phố Hàng Ngang) để soạn thảo Tuyên ngôn độc lập.
Hôm đó, đồng chí thư ký đề nghị Bác đi ngủ vì đã quá khuya, thì từ ngoài đường vang lên tiếng rao của một cháu bé: “Ai mua lạc rang không?” Nghe tiếng rao đó, Bác xúc động nói, đại ý: “Dân mình còn khổ quá, trẻ con mà đêm khuya chưa được ngủ, còn phải đi kiếm sống...”.
Đồng chí Lê Duẩn cho rằng, câu chuyện nhỏ đó đã thể hiện một tâm đức lớn của Bác Hồ, bắt nguồn từ sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của con người. Đồng chí cho rằng, học gương đạo đức Bác Hồ là học cho được cái gốc, tức là học cho được cái tâm của Bác trước nỗi khổ của con người.
Hơn thế, sự học đó không thể đánh giá bằng những tiêu chí to lớn, bao trùm, chung chung mà phải hiện thực bằng từng hành động, hành vi cụ thể, thể hiện sự quan tâm, đùm bọc, yêu thương đồng chí đồng đội và nhân dân.
Để có được hành động học tập Bác Hồ thiết thực, hiệu quả, đồng chí Lê Duẩn yêu cầu mỗi người phải luôn tự kiểm điểm, đánh giá bản thân mỗi ngày. Đồng chí nêu câu hỏi:
- Là đảng viên cộng sản, có ai kiểm điểm, mỗi ngày mình đã “ra khỏi Đảng” mấy lần
hay không?
Đây là một câu hỏi lạ và khó. Cả hội trường Khu ủy 4 im lặng. Thấy vậy, đồng chí Lê Duẩn từ tốn giải thích:
- Hàng ngày, trực tiếp chứng kiến cảnh người lao động sống cực nhọc, đói khổ, chịu cảnh bị khinh rẻ, bị áp bức bóc lột, nhân phẩm bị chà đạp… mà dửng dưng không chút động lòng, như vậy là đã “ra khỏi Đảng”.
Học gương đạo đức Bác Hồ là phải học từ cái tâm, từ những xúc động đến rưng rưng nước mắt của Bác trước nỗi khổ của con người, là vận dụng bài học đó để suy nghĩ về lập trường giai cấp công nhân của Đảng, để suy nghĩ về thực chất của hai chữ “vào Đảng”...
Câu chuyện nhỏ trên được ghi chép lại và được nhiều cán bộ Khu 4 lưu giữ, trân quý, có giá trị lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, để thực sự là công bộc của dân, qua đó cũng chỉ dẫn cho mỗi người nên học tập Bác Hồ bằng cách nào, học như thế nào để thiết thực, hiệu quả trong điều kiện hiện nay.
PV (Theo QĐND)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin