Người dân làm theo gương Bác

09:09, 14/09/2015

Phong trào đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

[links()]

Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Vũng Liêm là đơn vị điển hình trong phong trào vận động người dân đăng ký học tập và làm theo gương Bác. Phong trào đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tân An Luông có 100% hộ dân đăng ký học tập làm theo Bác.
Tân An Luông có 100% hộ dân đăng ký học tập làm theo Bác.

Điểm sáng Tân An Luông

Là một trong những địa phương điển hình trong tiếp tục triển khai Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong những năm qua, xã Tân An Luông đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác gắn với việc thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền
vững mạnh.

Anh Trần Văn Dũng- cán bộ tuyên giáo xã Tân An Luông- cho biết, ngoài việc tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, xã đẩy mạnh tuyên truyền ra dân đăng ký làm theo gương Bác. Theo đó, xã chỉ đạo các đoàn thể vận động trong hội viên của mình đăng ký qua tổ nhân dân tự quản. Việc đăng ký tùy theo khả năng của từng người và thường gắn liền với việc phát triển kinh tế gia đình.

Anh Bùi Phú Cường- người dân Ấp 5 (xã Tân An Luông)- cho biết, khi được vận động thì gia đình đăng ký liền vì thấy rất thiết thực: “Tôi tham gia đăng ký phát triển kinh tế hộ và tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới”. Để thực hiện, anh không cho đất mình “ở không”, với 6 công ruộng trồng lúa chất lượng cao. Riêng 3 công vườn, ngoài trồng cây đặc sản là măng cụt, anh còn trồng cây màu để tăng thêm thu nhập. Chỉ riêng cây màu, hàng ngày anh có từ 80.000- 100.000đ cho chi phí sinh hoạt gia đình hàng ngày.

Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Hùng cho biết: Qua phát động, đến nay có 100% hộ dân của 12 ấp đăng ký học tập làm theo gương Bác. Điều này tác động rất lớn đến phát triển kinh tế- xã hội, giúp địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Theo Bí thư Nguyễn Văn Hùng, tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm; xã cơ bản xóa nhà tạm, tỷ lệ nhà kiên cố- bán kiên cố đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%; 12/12 ấp đạt văn hóa 5 năm liền, xã được công nhận xã văn hóa nông thôn mới và dù không phải là xã điểm nhưng đến nay xã đạt 17/19 tiêu chí.

Học theo Bác từ điều giản dị

Mô hình
Mô hình "ruộng lúa bờ hoa" xã Hiếu Nhơn.

Cũng như Tân An Luông, xã Hiếu Nhơn là địa phương thực hiện tốt phong trào vận động người dân làm theo Bác. Ông Nguyễn Văn Dũng- cán bộ tuyên giáo xã cho biết, ngoài việc quán triệt trong cán bộ, đảng viên, xã quan tâm phát động ra dân. Cũng thông qua các hội đoàn thể, tổ nhân dân tự quản phong trào người dân học theo Bác ngày càng được nhân rộng trong quần chúng nhân dân. Mô hình đăng ký ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, các hộ dân còn hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động.

Mô hình “Công nghệ sinh thái” hay còn gọi là “ruộng lúa bờ hoa” là một trong những phong trào được người dân hưởng ứng tích cực thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Trạng- Tổ trưởng mô hình ở ấp Hiếu Minh A cho biết, mô hình này ngoài việc vận động người dân sản xuất lúa chất lượng vào trong cánh đồng mẫu, người dân còn trồng hoa dọc các bờ ranh, bờ đê để nhử thiên địch nhằm tiêu diệt dịch hại. Tính hiệu quả của mô hình là tiết kiệm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha do hạn chế được việc phun thuốc diệt rầy nâu, sâu cuốn lá, kéo theo đó là không làm ảnh hưởng môi trường. Ông Trạng cho biết thêm, do mô hình hạn chế xịt thuốc nên ban đầu cũng có nhiều người ngán ngại, nhưng sau khi vận động và thấy được hiệu quả nên số hộ dân tham gia đăng ký thực hiện ngày càng đông. Được phát động từ năm 2011 với 10ha đất lúa, nay đã nâng lên 130ha với 145 hộ tham gia- ông Trạng cho biết.

Phong trào làm theo gương Bác ở Hiếu Nhơn không chỉ dừng lại ở đó. Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Ngoan cho biết thêm, người dân đăng ký những mô hình gắn liền với cuộc sống của mình, chẳng hạn như trồng lúa chất lượng cao, trồng màu xen vườn, ruộng, hay đăng ký chăn nuôi giỏi… Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân cũng nhiệt tình hưởng ứng góp tiền, góp công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn.

Sự ủng hộ của người dân đã giúp bộ mặt nông thôn xã Hiếu Nhơn ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Văn Ngoan cho biết thêm, hộ nghèo chỉ còn 2,4% (59 hộ), trong khi thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Hiện xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang đề nghị tỉnh công nhận trong năm 2015 này. Những thành quả đó có sự đóng góp rất lớn từ hiệu quả của việc người dân học theo gương Bác.

Vũng Liêm là đơn vị thực hiện tốt việc vận động người dân đăng ký học tập và làm theo gương Bác và đã góp một phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Ông Trần Văn Phần- Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết, hiện toàn huyện có 168/168 ấp- khóm triển khai mô hình học tập theo Bác ra dân, trong đó có nhiều ấp có 100% hộ dân đăng ký. Từ phong trào này đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội chung của huyện góp phần hoàn thành kế hoạch đề ra. Kinh nghiệm thực tiễn từ những năm qua của huyện là không hành chính hóa cách đăng ký, nghĩa là không cần biểu mẫu mà để người dân tự đăng ký theo khả năng của mình. Chính quyền ấp, tổ tự quản cũng biểu dương kịp thời những điển hình tiên tiến.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh