Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, cán bộ, bộ đội, nhân dân thường chuyền tay nhau đọc cuốn sách “Đời sống mới” của Bác Hồ viết với bút danh “Tân Sinh”, do Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới xuất bản, in bằng giấy dó- một loại sản phẩm của các xưởng giấy ở Phú Thọ sản xuất để phục vụ kháng chiến và kiến quốc.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, cán bộ, bộ đội, nhân dân thường chuyền tay nhau đọc cuốn sách “Đời sống mới” của Bác Hồ viết với bút danh “Tân Sinh”, do Ủy ban Trung ương vận động đời sống mới xuất bản, in bằng giấy dó- một loại sản phẩm của các xưởng giấy ở Phú Thọ sản xuất để phục vụ kháng chiến và kiến quốc.
Cuốn sách được Người viết xong ngày 20/3/1947, trên đường từ Thủ đô lên Việt Bắc khi qua Phú Thọ- quê hương đất Tổ Hùng Vương.
Cuốn sách viết thành 19 chương dưới dạng “hỏi đáp” khá cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ:
Chương 1: Trong lúc này, người thì lo đánh giặc, người thì lo phá hoại (tiêu thổ kháng chiến) người thì lo tản cư, toàn dân ai cũng khó nhọc, vất vả. Kêu gọi thực hành đời sống mới chẳng không hợp thời sao?
Chương 2: Sao gọi là đời sống mới?
Chương 3: Đời sống mới việc đầu hết là gì?
Chương 4: Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới, nhưng người nghèo không tiền không của thì làm đời sống mới như thế nào?
Chương 5: Khẩu hiệu đời sống mới qua một năm đã có kết quả chưa?
Chương 6: Đời sống mới có mấy thứ?
Chương 7: Trẻ em như thế, còn người lớn thì sao?
Chương 8: Đời sống mới với việc tăng gia sản xuất, quan hệ với nhau như thế nào?
Chương 9: Riêng một người mà nói, thì đời sống mới là thế nào?
Chương 10: Đời sống mới trong một nhà nên như thế nào?
Chương 11: Đời sống mới trong một làng nên thế nào?
Chương 12: Thế nào là đời sống mới trong một trường học?
Chương 13: Đời sống mới trong bộ đội nên thế nào?
Chương 14: Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?
Chương 15: Trong một xưởng máy có thể làm đời sống mới không?
Chương 16: Thực hành đời sống mới dễ hay khó?
Chương 17: Thế thì nên làm thế nào?
Chương 18: Có nên bắt buộc người ta làm đời sống mới không?
Chương 19: Đời sống mới có thể thực hành khắp nước không?
Riêng Chương 14: “Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?” Hồ Chủ tịch đã nói rõ rằng:
“Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy (giao thông liên lạc), người quét dọn trong cơ quan nhỏ đều là những người “ăn lương” của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy những người làm việc trong các công sở phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước”.
Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hạn, nếu không giữ được “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” thì dễ trở nên hủ hại, biến thành sâu mọt của dân.
1. CẦN: Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.
2. KIỆM: Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân, ta cần phải tiết kiệm. Nếu một tờ giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng một tờ to, một cái phong bì có thể dùng 2- 3 lần. Mỗi ngày công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì, nơi nào cũng biết tiết kiệm một chút thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc, các vật liệu khác cũng vậy, nhờ các công sở tiết kiệm mà lợi cho dân rất nhiều.
3. LIÊM: Những người ở các công sở từ làng (xã) cho đến Chính phủ Trung ương đều dễ tìm việc phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục của dân, đến khi lộ ra bị phát hiện, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy những người trong công sở phải lấy chữ LIÊM làm đầu.
4. CHÍNH: Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức, chớ đem của công dùng vào việc tư, chớ đem người công dùng vào việc tư, chớ đem người tư làm việc công, việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán.
Mình có quyền dùng người thì phải dùng người có tài năng làm được việc, chớ vì bà con, bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào, chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
Lời Bác dạy năm xưa về đời sống mới bây giờ vẫn mới, còn nguyên giá trị với mọi người. Hy vọng Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia sẽ tái bản cuốn sách quý này để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới trong giai đoạn đổi mới hôm nay như lời Bác viết ở trang đầu cuốn sách được phát hành từ 67 năm trước đây.
Đây là việc làm thiết thực để thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị nói về cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “làm theo” tấm gương, lời dạy của Bác Hồ (giai đoạn 2) một cách thiết thực và hiệu quả.
THẢO VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin