Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi phần việc, tuy không ai giống ai, nhưng họ đã cùng gặp nhau ở một điểm chung, đó là cùng học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm hết sức cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Và chính họ đã điểm tô cho vườn hoa học tập và làm theo gương Bác thêm ngạt ngào hương sắc…
Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi phần việc, tuy không ai giống ai, nhưng họ đã cùng gặp nhau ở một điểm chung, đó là cùng học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm hết sức cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực. Và chính họ đã điểm tô cho vườn hoa học tập và làm theo gương Bác thêm ngạt ngào hương sắc…
Kỳ 1: Ấp An Hội 3 khéo dân vận
Với con kinh hoàn thành, từ vụ Hè Thu này bà con không còn sợ cảnh khi không cần thì nước thừa, khi cần nước thì lại thiếu.
Từ bờ ranh nhỏ xíu, được ví von là bờ “cơm nếp”, bà con ấp An Hội 3 (xã Tân An Hội- Mang Thít) đồng lòng hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp hàng chục triệu đồng nâng cấp thành con kinh nội đồng dài gần 1,5 cây số để từ vụ Hè Thu này hoàn toàn chủ động nước tưới tiêu.
Câu chuyện nhỏ nhưng lại là bài học lớn đối với Chi bộ ấp An Hội trong việc khéo dân vận để khơi được sức dân.
Từ chuyện kinh nội đồng
Trưa tháng 5, trời nắng như đổ lửa thế mà đồng chí Bí thư Chi bộ ấp- Nguyễn Văn Út và đồng chí Trưởng ấp- Lê Văn Mười vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi ra tận nơi để “khoe” con kinh vừa hoàn thành hơn tháng nay. Con kinh dài 1.450m nằm giữa cánh đồng lúa xanh rờn, nhìn thích mắt.
Đồng chí Bí thư Chi bộ ấp phấn khởi: Chi bộ chủ công làm con kinh này nhưng nó hoàn thành cũng chính từ sự đóng góp của nhân dân. Bà con chẳng những hiến đất mà còn góp tiền, với mỗi đầu công là 35.000đ. Được sự đồng thuận cao vậy là “ngon rồi!”- chúng tôi nói vui.
Đồng chí không giấu giếm: “Nói thiệt với nhà báo chứ khi làm cũng khó lắm. Chín người thì mười ý rồi. Người thì “đồng ý nhưng đề nghị… xin tiền của trên”.
Người thì lại bảo: “Mấy năm nay có vét gì đâu mà cũng sạ, thu hoạch ba chục, ba mươi mấy giạ một công. Giờ bày chuyện nạo, vét chi tốn tiền, mất đất, tui không đồng ý”. Người thì trăm bề dễ “ai sao tui vậy!”
Thế là hết ông nông dân, trưởng ấp, rồi đến bí thư mỗi người cùng góp tiếng nói để cốt sao bà con hiểu chủ trương của chi bộ:
Việc đề ra kế hoạch nạo vét và khai thông kinh đắp đê giữa các tổ sản xuất để từng tổ chủ động mực nước tưới tiêu, tạo thuận lợi cho bà con trong xử lý nước cũng như việc bón phân, diệt cỏ, chăm sóc lúa, làm cho chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận cao.
Mong bà con thống nhất! Những lời nói có tình, có lý, nhất là các đồng chí đảng viên dù mất khá nhiều đất nhưng vẫn vui vẻ, tiên phong, thế là bà con… chịu liền. Tiền đóng góp làm kinh được thu ngay trụ sở ấp và chỉ non non có một ngày là xong ráo!
Bài học về công tác dân vận
Bước từng bước chân trên con kinh dài, thẳng tắp, đồng chí Bí thư chi bộ ấp không giấu niềm vui: “Vùng đất này chỗ gò, chỗ trũng.
Làm được con kinh vầy bà con ở từng tổ đoàn kết sản xuất hoàn toàn chủ động nước tưới tiêu, thiệt mừng hết sức. Mấy năm trước mưa một đám là 2- 3 ngày nước mới ra được, lúa thụt đọt, chết nhiều. Còn bây giờ thì yên tâm. Mùng 8 rồi mưa hết hồn luôn mà nước ra được tuốt!”
Trưởng ấp Lê Văn Mười tâm đắc: “Có con kinh lợi đủ thứ. Phải xong vụ Hè Thu này mới có thể tính được bằng những con số cụ thể. Nhưng mấy đám mưa vừa qua, mình chủ động tháo nước nhanh, không để chết giống. Vậy cũng thành công bước đầu rồi!”
Bí thư Chi bộ ấp- Nguyễn Văn Út (thứ hai từ phải sang): “Trong tất cả công việc, dù ở cương vị nào cũng phải sâu sát dân, gần dân, hiểu dân thì mới phát huy sức mạnh từ nhân dân”.
Thế đó! Mọi việc dù lớn hay nhỏ cũng đều không thể thiếu sức dân. Đồng chí bí thư lấy ngay chuyện con kinh để minh chứng điều mình nói:
“Mấy năm qua, bà con làm ruộng khó khăn quá, khi cần nước thì thiếu, khi không cần thì lại thừa không biết làm sao nên chi bộ họp bàn, thống nhất làm con kinh, sau đó triển khai ra dân để xin ý kiến bà con. Khó là khó lúc đầu thôi, bà con chưa hiểu, chưa thông chủ trương của mình, nhất là các cô, các chú “dính” nhiều đất nên cũng “xót”, chứ khi hiểu rồi ủng hộ mình cả hai tay”.
Tiến độ công trình vì thế cũng rất nhanh: Tháng 1 họp chi bộ, bàn chuyện làm kinh. Ngay trong tháng 2, đưa ra xin ý kiến dân. Tháng 3 bắt tay vào thi công và đến tháng 4 là hoàn thành!
“Nói thì nói vậy chứ khi bắt tay vào làm “bài bản” lắm à nghen. Khi được bà con thống nhất làm, Ban vận động ấp bầu ra ban giám sát để theo suốt công trình. Công trình hoàn thành cũng phải họp dân, nghiệm thu, công khai tài chính. Phải uy tín thì bà con mới tin mình!”- Bí thư chi bộ nói.
Bài học sâu sắc nhất, thấm thía nhất mà lãnh đạo địa phương học từ Bác chính là phải dân vận khéo. Muốn làm tốt việc này, từng đảng viên trong chi bộ ấp luôn quán triệt tinh thần “trong tất cả công việc, dù cương vị nào cũng phải gần dân, hiểu dân. Không được nóng vội, phải từ từ nói dân thông, dân đồng lòng thì sẽ phát huy sức mạnh từ nhân dân”.
Đồng chí Bí thư Chi bộ ấp An Hội 3 Nguyễn Văn Út:
“Câu chuyện nhỏ nhưng thấm thía vô cùng. Thế mới thấy sức dân là quan trọng. Và khi lòng dân đã thuận thì sức dân sẽ được khơi nguồn”.
|
(Còn tiếp)
NHÓM PHÓNG VIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin