Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một học sinh (HS) theo 5 điều Bác Hồ dạy, Lương Tuấn Kiệt- HS lớp 9 Trường TH Cấp II- III Phú Quới (Long Hồ) còn là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, lòng hiếu thảo và lối sống tiết kiệm.
Lương Tuấn Kiệt (HS đang nhận quà) biết sống hạnh phúc và vươn lên từ những gì mình đang có.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một học sinh (HS) theo 5 điều Bác Hồ dạy, Lương Tuấn Kiệt- HS lớp 9 Trường TH Cấp II- III Phú Quới (Long Hồ) còn là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, lòng hiếu thảo và lối sống tiết kiệm.
“Nhắc đến em Lương Tuấn Kiệt thì trong trường thậm chí các trường xung quanh, thầy cô nào cũng biết”- cô Biện Thị Tuyết Anh, giáo viên Trường TH Cấp II- III Phú Quới mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Toán là môn học trội nhất của em HS 9 năm liền học giỏi này. Kiệt từng đạt các giải toán khu vực trên máy tính Casio, HS giỏi tỉnh,…
Với Tuấn Kiệt, phương pháp chủ yếu là tự học ở nhà vì “mẹ em cũng không có tiền cho em đi học thêm”. Mùa hè, với Kiệt là những ngày có thể giúp mẹ nhiều hơn như bán bánh mì, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm hay đi làm thêm… Trong khi các em đi học thêm hè, Kiệt ở nhà “có sách gì đọc sách nấy và mượn thêm của các bạn để đọc” bởi “em nghĩ sách nào cũng có cái lợi ích riêng của nó”.
Ở cái tuổi ăn, tuổi lớn nhưng trông Kiệt nhỏ người và “còm” hơn các bạn cùng trang lứa. Cô Tuyết Anh nói thêm: “Điều lạ tôi mới biết là Kiệt không quen ăn thịt cá, em chỉ ăn rau cải chấm nước kho”. Ban đầu, các bạn của Kiệt cứ ngỡ Kiệt ăn chay nhưng thật ra vì “em không có thịt cá để ăn, riết quen rồi giờ ăn lại thấy tanh nên không ăn được”.
Những ngày tháng vất vả, khó khăn của em có từ khi mới lọt lòng. Cha Tuấn Kiệt bị gai cột sống và hở van tim, mẹ em thì mắc chứng viêm xoang và cườm mắt. Cha không thể làm được những việc nặng nhọc, gánh mưu sinh trút hết lên bờ vai mẹ. Ngoài 2 công ruộng để có hột gạo ăn, mẹ Kiệt còn bán bánh mì để có thêm tiền.
Điều không ngờ của gia đình khó khăn này là có thể nuôi con đi học đại học, chị của Kiệt hiện đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH Cửu Long. Nói về chi phí học tập của 2 chị em, em cho biết: Chị Hai em đạp xe đi về nên chỉ tốn tiền học phí và gửi xe. Riêng em, mỗi tuần đi học được mẹ cho 10.000đ.
Với 10.000đ ấy, Kiệt làm gì? “Em gửi xe 1 tuần 2.500đ, đóng quỹ 5.000đ còn 2.500đ để dành mua viết hoặc photo tài liệu nếu cần”- Kiệt cười vô tư. Dường như, số tiền trong tuần ít ỏi đó đã làm Tuấn Kiệt hài lòng lắm rồi, không đòi hỏi gì thêm nữa, bởi “buổi sáng em có hấp cơm ăn trước khi đi học mà”- Kiệt giải thích thêm.
Ước mơ cháy bỏng của Lương Tuấn Kiệt bây giờ là mong cha có tiền chữa bệnh, việc điều trị bệnh tim sẽ tốn rất nhiều tiền mà gia đình bé nhỏ của em không kham nổi. “Nhìn cha mệt mỏi từng ngày, mẹ lam lũ thức khuya dậy sớm, em chỉ biết ráng học tốt hơn”- Kiệt nhìn xa xôi. Còn tương lai, Lương Tuấn Kiệt cố gắng hết sức để trở thành một giáo viên dạy Toán để “mang những gì mình học được truyền lại cho các em”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin