Học tập và làm theo lời Bác, cô Nguyễn Ngọc Thùy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hựu Thành B (Trà Ôn) đã có nhiều cách làm hay nhằm giúp đỡ cho học sinh (HS) vùng dân tộc, HS nghèo được cắp sách đến trường. Qua đó, còn tạo cho các em có được môi trường học tập, vui chơi, gắn với lao động, sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo.
Tình yêu thương của cô Thùy (bìa trái) đã giúp cho nhiều HS nghèo được tiếp bước đến trường.
Học tập và làm theo lời Bác, cô Nguyễn Ngọc Thùy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hựu Thành B (Trà Ôn) đã có nhiều cách làm hay nhằm giúp đỡ cho học sinh (HS) vùng dân tộc, HS nghèo được cắp sách đến trường.
Qua đó, còn tạo cho các em có được môi trường học tập, vui chơi, gắn với lao động, sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo.
Tạo động lực cho học trò tiếp bước đến trường
Năm 2008, cô Thùy được phân công làm Hiệu trưởng Trường TH Hựu Thành B. Toàn trường có 216 HS, nhưng trong đó, có đến 100 em thuộc diện nghèo. Mỗi năm đều có HS bỏ học. Để các em không phải chịu nhiều thiệt thòi, cô đã xây dựng phong trào “tiếp sức đến trường” thông qua việc vận động các cán bộ, giáo viên (CB-GV) về hưu, các Mạnh thường quân tổ chức các chương trình văn nghệ gây quỹ, trao quà cho HS nghèo vượt khó.
Năm đầu tiên, cô vận động được 14 triệu đồng, dù với cả trăm HS nghèo thì số tiền này chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó đã tạo thêm động lực cho các em tiếp bước đến trường. Từ sự uy tín, trao tiền, quà đúng địa chỉ, nên người này giới thiệu người kia tới ủng hộ. Những năm sau, số tiền “tiếp sức đến trường” không dưới 50 triệu đồng/năm. Riêng năm 2012 đã vận động được 97 triệu đồng.
Ngày tết gần kề, để các em có được những ngày xuân no ấm và không phải đến lớp với “cái bụng đói”, cô lại phát động toàn thể GV, ai có ruộng thì góp gạo nhiều, ai không có thì góp ít. Cảm động trước tấm chân tình của thầy cô, nhiều phụ huynh và các Mạnh thường quân cũng tham gia góp gạo. Từ 3kg gạo tặng mỗi em ở năm đầu tiên phát động đã “nhân hai” lên 6 kg vào những năm tiếp theo.
Để giáo dục học trò biết quan tâm đến bạn, biết giữ gìn quần áo, đồng phục và để HS nghèo có “áo mới” mỗi dịp xuân về, cô lại phát động phong trào “Áo xuân tặng bạn”. Lúc đầu, nhiều em nghĩ rằng “đồ bỏ mới đem cho”.
Về sau, khi hiểu được tấm lòng nhường cơm xẻ áo đó, cứ vào đầu năm học hay mỗi dịp xuân về, các em tự biết mình phải làm gì để giúp đỡ các bạn khó khăn hơn. Về phía HS nghèo, các em có thể an tâm đến trường là sẽ có đồng phục. Hiện, mỗi năm trường vận động được hơn 100 bộ đồng phục (cũ và mới).
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Năm 2009, thấy quanh trường còn nhiều đất trống, cỏ mọc um tùm, cô lại phát động công trình măng non “trồng rau gây quỹ đội” nhằm giáo dục các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.
Mô hình này đã giúp các em hiểu được giá trị của sức lao động; biết lấy tiền để giúp đỡ các bạn nghèo và mua xà bông rửa tay để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh, mô hình này còn có thể vận dụng vào môn khoa học và tự nhiên- xã hội. Các em có thể “đi thực tế” tại vườn trường, biết được cây gì có thể ăn lá, củ…
Với 300m2 đất trường, cô chia ra làm 30 luống để các GV, HS trồng các loại cây khác nhau như: khoai lang, cà, đậu phộng, rau muống,... Trước mỗi vụ, cô tổ chức buổi họp để thống nhất nên trồng cây gì thích hợp.
Từ khi phát động phong trào, cứ mỗi cuối tuần thầy Võ Hồng Dũng- một GV lớn tuổi nhất trường (56 tuổi), lại chở học trò đến trường cùng làm cỏ và chăm sóc mấy luống rau, thầy khẳng khái nói:
“Nếu tuần này làm chưa xong, tuần khác chúng tôi lại đến. Đợt đầu thu hoạch sẽ đem bán để gây quỹ, đợt sau chúng tôi sẽ chia cho các em đem về nhà “thưởng thức” để biết được thành quả của mình làm ra”.
Như đã trở thành thói quen, cứ mỗi lần thu hoạch xong, thầy trò của trường lại tất bật sửa lại từng luống rau và chuẩn bị cho mùa vụ sau. Qua 1 năm phát động, cô được tuyên dương điển hình học tập và làm theo lời Bác, học trò cô cũng được báo cáo điển hình.
Nhận thấy mô hình chăn nuôi khá gần gũi với vùng nông thôn, cô tiếp tục phát động phong trào “nuôi gà chi đội”. Với mô hình này, cô vận động HS “mót lúa nuôi gà”. Hằng tháng, tổ chức đến 1 điểm kiểm tra, thấy các bạn nào nuôi tốt, các em có thể “bắt chước” để về nuôi tốt hơn.
Lúc đầu, nhiều phụ huynh nghĩ “chỉ là làm chơi”, không ngờ khi bán gà các em có thể trích 1 phần để giúp đỡ các bạn khó khăn, mua bảo hiểm hoặc sách vở. Từ 20 con gà lúc đầu, đến nay các em đã nuôi trên 70 con.
Cô Thùy chia sẻ: Mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng phong trào là phải làm sao có lợi cho HS, giúp phụ huynh thông hiểu để cùng tham gia với nhà trường. Điều quan trọng, chính là tấm lòng của GV ở vùng sâu, sẵn sàng “nhường cơm, xẻ áo”, không chỉ đóng góp vật chất, thầy cô còn dành ngày nghỉ để cùng nhà trường làm nhiều việc, giúp các em khó khăn được đi học.
Năm đầu tiên, các GV chỉ vận động tặng mỗi em 2- 3 quyển tập để đi học, thì nay, các em đã có trên 10 quyển tập/năm. Hoặc như trung thu, mỗi em chỉ nhận được 1/4 cái bánh, thì đến nay đã nhận được 1- 2 cái bánh và được xem múa lân, rước đèn đi chơi.
Bên cạnh, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: “nuôi heo đất”, ngày hội sân trường, hội thi GV và phụ huynh cùng làm đồ dùng dạy học… Từ những việc làm thiết thực trên đã giúp cho các em thật sự cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với chuyên đề “Suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”, cô Nguyễn Ngọc Thùy là 1 trong số 40 cá nhân được bình chọn biểu dương điển hình toàn tỉnh. Cô được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Bộ Giáo dục- Đào tạo tặng bằng khen “Cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học toàn quốc”. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin