Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (TT-DN và GTVL) Tam Bình không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm. Con số phấn khởi: Hơn 80% học viên (HV) sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã tìm được việc làm ổn định.
Với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm (TT-DN và GTVL) Tam Bình không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm. Con số phấn khởi: Hơn 80% học viên (HV) sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã tìm được việc làm ổn định.
Giáo viên TT-DN và GTVL huyện Tam Bình dạy “bảo trì và sửa chữa máy liên hợp” cho HV.
Yên tâm “chọn mặt gửi vàng”
Buổi khai giảng lớp dạy nghề “bảo trì và sửa chữa máy liên hợp” ở ấp Phú Thuận (xã Phú Thịnh- Tam Bình) rất đông vui, bởi “đang vào mùa… chạy đồng”. Sau phần nghi thức, lớp học dần nóng lên với việc lựa chọn thời khóa biểu và sôi nổi với hàng loạt vấn đề “tui vướng mắc”: nào là chuyện làm thế nào để máy chạy “im re”, nào là chuyện máy “dở chứng” nằm đồng phải làm sao?...
Sau một hồi tích cực giải thích, nhiều vấn đề giáo viên “xin hẹn lại bà con” sẽ truyền đạt cụ thể hơn trong phần lý thuyết, giúp HV nắm rõ nguyên lý vận hành. Với sự nhiệt tình của các giáo viên đứng lớp “truyền đạt không giấu nghề”, nhiều HV tỏ ra an tâm vì “chọn mặt gửi vàng” ở trung tâm này.
Anh Mai Văn Nguyên- một HV phấn khởi: “Tui đã từng cầm lái 3 cái máy gặt đập liên hợp rồi, nhưng trước giờ chỉ lái theo thói quen. Nay, tui học để nắm vững hơn về các kỹ năng vận hành, sửa chữa máy. Đang vào mùa vụ, rất bận rộn, nhưng tui cũng tranh thủ học. Đam mê lắm nhưng mãi tới giờ mới có dịp!”
Ông Trần Hoàng Sơn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thịnh cũng chân tình: “Được trung tâm mở lớp, bà con ở đây rất mừng. Toàn xã có trên 50 người có nhu cầu học nghề này, nhưng do đang vào mùa vụ nên số người tham gia chỉ có một nửa. Tôi thấy lớp học này rất thiết thực. Có nghề trong tay, mọi người sẽ chí thú làm ăn hơn. Chỉ cần tham gia lớp học đầy đủ, thực hành tốt, có giấy chứng nhận đào tạo nghề, khi cầm lái bà con cũng an tâm hơn.”
“Trước “tấm chân tình” của địa phương và bà con nông dân dành cho trung tâm nên chúng tôi hết mình ủng hộ từ việc mời giáo viên xuống tận ấp giảng dạy, đến việc vận chuyển máy móc xuống cho HV thực hành chúng tôi cũng không ngại khó. Miễn sao tạo điều kiện thuận lợi nhất để HV được tham gia lớp học”- ông Trần Văn Tám cho biết.
Học theo Bác tinh thần “tiết kiệm”, đối với lớp dạy nghề xây dựng, thay vì mua cát, đá, xi măng, sắt… để HV thực tập xong rồi bỏ, chi bộ đã linh động phối hợp UBND xã và trung tâm học tập cộng đồng các xã chọn hộ khó khăn để xây nhà tình thương, nhằm tạo điều kiện HV thực tập có hiệu quả vừa không lãng phí.
Tính đến nay, đã xây được 4 căn nhà tình thương, trị giá 74 triệu đồng được trích từ nguồn kinh phí HV thực tập ở các lớp xây dựng.
Không để học viên phải gian nan
Sau 3 tháng theo học lớp may công nghiệp tại TT-DN và GTVL huyện, chị Võ Thị Bé Tư (xã Mỹ Lộc) yên tâm vì có trong tay “chứng nhận đào tạo nghề” và chị càng vui hơn khi được giới thiệu sang làm việc cho Công ty TNHH Ngân Định (Tam Bình).
Chị Tư không giấu niềm vui: “Có giấy chứng nhận đào tạo nghề, tôi tìm việc cũng dễ dàng hơn. Nhờ chăm chỉ làm công ăn theo sản phẩm cũng kiếm được gần 3 triệu đồng/tháng”.
Như chị Bé Tư, anh Lưu Quang Vinh (xã Tường Lộc) cũng “mừng hết sức” khi tìm được việc làm tại Công ty TNHH Tỷ Xuân (Khu công nghiệp Hòa Phú- Long Hồ) và “thu nhập giờ cũng ổn lắm”.
Nhờ “chữ tín” mà HV tìm đến trung tâm ngày càng đông. Hàng năm, công tác huy động HV đều vượt ngưỡng 100% (năm 2010: 185,5%; năm 2011: 195,52%; năm 2012: 158,32%). Chỉ riêng năm 2012, trung tâm đã mở 80 lớp dạy nghề cho 1.979 HV; ngoài ra còn giới thiệu việc làm cho xấp xỉ 9.000 người lao động.
Để có được kết quả này, “bí quyết” của trung tâm là phối hợp chặt chẽ với trung tâm học tập cộng đồng các xã để nắm bắt nhu cầu học nghề. Trong đào tạo, đảm bảo cung cấp nguồn lao động cho doanh nghiệp, vừa theo nhu cầu thực tế tại địa phương để sau học nghề có việc làm và thu nhập bền vững.
Để đạt mục tiêu đề ra, trung tâm đã giao khoán nhiệm vụ, chỉ tiêu địa bàn quản lý cho từng cán bộ, đảng viên. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên tích cực trực tiếp xuống địa bàn ấp khảo sát, vận động mở lớp dạy nghề cho người nghèo, cận nghèo và những người có nhu cầu học nghề, tìm việc làm.
Đây cũng là tiêu chí để mỗi đảng viên phấn đấu thi đua. Từ việc nắm chắc số lượng đầu vào và theo dõi đầu ra sau đào tạo mà trung tâm có thể biết được HV của mình sau khi đào tạo đã có công việc phù hợp hay chưa.
Ông Trần Văn Tám thừa nhận: Sự “chuyển biến” nhận thức ấy bắt nguồn từ việc học và làm theo lời Bác. Bởi, sau khi nghe những câu chuyện về Bác, cán bộ, đảng viên nhận thấy, học theo Người là làm tốt những công việc hàng ngày.
Đây cũng chính là việc làm lâu dài và thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng kế hoạch “làm theo” luôn gắn với chức trách, nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ, đảng viên.
Với cách làm linh động, sáng tạo, TT-DN và GTVL huyện Tam Bình đã “không để HV phải… gian nan tìm việc”, góp phần cùng với các địa phương xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp thông qua công tác tạo việc làm, nâng cao thu nhập và xóa nghèo cho lao động nông thôn.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin