Kỳ 1: Khơi sức dân

06:05, 21/05/2013

Không chỉ học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ mà mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy chức năng, nhiệm vụ của mình còn “làm theo” bằng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Học và làm theo Bác là thế! Không cao xa mà bằng chính những điều rất giản dị, gần gũi ngay trong cuộc sống đời thường.

Không chỉ học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ mà mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy chức năng, nhiệm vụ của mình còn “làm theo” bằng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Học và làm theo Bác là thế! Không cao xa mà bằng chính những điều rất giản dị, gần gũi ngay trong cuộc sống đời thường.


Trường Tiểu học Tân Long B khang trang, đang chờ công nhận đạt chuẩn có phần công sức của anh Nguyễn Quang Giai đã hiến trên 3.500m2 đất.

Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong

Vận dụng bài học “lấy dân làm gốc” của Bác Hồ, xã Tân Long (Mang Thít) huy động được tối đa sức dân cùng Đảng, chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho vùng quê này ngày càng khởi sắc…

Dân đồng lòng

Dù tranh thủ lắm nhưng khi chúng tôi đến nhà “ông Sáu” (tên thật Lê Văn Thì, ngụ ấp Ngã Ngay) cũng gần đến… giờ ngọ. Trời tháng năm nóng như đổ lửa. Chính sự niềm nở, cởi mở của ông chủ nhà mến khách như xua bớt cái nóng oi nồng và sự mệt nhọc của chúng tôi cũng nhanh chóng tan biến. Tuổi trên 80, “ông Sáu” được xem là một trong những “già làng” của địa phương này.

Bao sự đổi thay nơi đây, ông chính là người chứng kiến đầy đủ nhất. Hớp ngụm trà, ông nhớ lại: “Tui ở đây từ năm mười mấy tuổi đến giờ cũng mấy chục năm nên… biết hết. Nói chi cho xa, nội cái chuyện đường sá thôi cũng thấy khác. Con đường trước nhà mấy năm trước chỉ là đường đất nhỏ xíu, dùng ven nước chứ đâu được đường nhựa nghe đâu tải tới “5 tấn” như bi giờ”.

Ông ví von: “Đi hớt tóc giờ cũng sướng, chỉ việc ngồi nhà “alô” là taxi vô tới cửa. Khoái quá trời!” Chả thế mà ngày trước, khi địa phương vận động làm đường, ông mất gần cả công đất, rồi mấy chục cây dừa “mười mấy năm tuổi, trái oằn oại” mà ông cũng không ngần ngại kêu “thằng con… rạp luôn”.
 
“Tui nghĩ thiệt cho mình thì có thiệt nhưng cái lợi đến hàng ngàn năm. Ký tên hiến đất tui xin ký trước. Lúc đó, bà con ở đây có người cũng bực tui lắm nhưng giờ thì… thương tui rồi”.

Lộ Bờ Ông Cả (QL 53- sông Ngã Ngay) trước là “bờ mẫu, rộng chỉ bằng miếng đan… 8 tấc, chạy xe sợ té muốn chết”, giờ được tráng nhựa phẳng lì, đâm thẳng ra QL53 rất phải thế! Trong số hộ hiến đất làm con lộ này, bà con không quên nhắc đến cô Sáu Nhung (tên thật Nguyễn Thị Hồng Nhung, ngụ ấp Ngã Ngay) đã “gật đầu cái rụp” hiến 2.500m2 “đất 2 lúa” mà không hề đòi hỏi điều chi.

Không chỉ cô mà tất cả thành viên trong gia đình đều cùng chung suy nghĩ: “Đất còn bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu. Phải vì cái chung trước. Từ thời ông nội rồi đến cha từng hiến đất làm đường và bây giờ đến chúng tôi vẫn thế. Chúng tôi muốn nối tiếp truyền thống của cha ông ngày trước”.

Câu chuyện về những người nông dân tay lấm chân bùn, cả đời sống bằng nghề nông nhưng lại “dám” hiến đất vì cái chung là chuyện không phải ai cũng làm được.
 
“Lão nông” Nguyễn Văn Nghiệp cũng thừa nhận mình không giàu có gì nhưng khi thấy “bờ ngoài nước còn vô ra, còn bờ trong mùa nắng khô ran; mùa mưa nước tù xanh ẻo” đã hiến liền “công hai hay công ba đất gì đó tui cũng không nhớ rõ” để địa phương có nơi xây nhà máy nước. Có hỏi ông có buồn khi tặng phần tài sản của mình, ông cười xòa: “Tiếc thì tui đâu có hiến làm gì…”


Lộ Bờ Ông Cả được nâng cấp thuận tiện đi lại.

Biết khơi sức dân

Không chỉ ông Sáu Thì, cô Sáu Nhung, chú Mười Nghiệp, anh Quang Giai… mà ở địa phương còn rất nhiều những tấm lòng như thế. Chủ tịch UBND xã- Lê Thành Phương đưa tôi xem bảng danh sách dài ngoằng tên công trình, địa chỉ, diện tích hiến, trị giá bằng tiền phần mà bà con đã góp sức cùng chính quyền xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi.

Và, chúng tôi không khỏi giật mình trước những “con số biết nói”… Gần 80.000m2 đất cùng thiệt hại về cây ăn trái hoa màu khi công trình đi qua, trị giá hàng tỷ đồng, bà con cũng không hề tính toán như: đường nhựa từ Đường tỉnh 903- QL53, có hộ dân hiến trên 3.000m2 đất; đường nhựa Tân Long- Đồng Bé: 1.580m2; đường nhựa từ UBND xã- đập Tầm Dinh 2.200m2...

Tuy xuôi chèo mát máy nhưng Chủ tịch UBND xã vẫn không khỏi trăn trở: Tuyến đường nhựa từ Trường Tiểu học Tân Long B- Đường tỉnh 903 dài hơn 3km, có 4 hộ phải di dời 22 ngôi mộ. Trong đó, có hộ phải dời đến 11 cái. Thế mà tất cả bà con đều đồng lòng!

Thế đó! Chính nhờ sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân mà Tân Long đổi thay từng ngày. Những con đường xã liền xã, ấp liền ấp đã giúp bà con đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa nắng. Bài học quý giá được rút ra chính là địa phương biết dựa vào dân, khơi nguồn sức dân, cùng làm nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị mà theo Chủ tịch UBND xã “bài học này chúng tôi đã học được từ Bác”.

Cứ công trình nào cần huy động sức dân thì dù lớn hay nhỏ; dài, ngắn thế nào, hiệu quả mang lại ra sao đều phải tổ chức họp dân, thông tin cho dân rõ. Tại các cuộc họp, lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư và tư vấn đều đủ mặt để dân thắc mắc đến đâu thì giải thích cho bà con hiểu đến đó.


Hiến hơn công đất làm nhà máy nước này nhưng ông Nguyễn Văn Nghiệp vẫn không thấy tiếc. Ông cười xòa: “Tiếc thì tui đâu có hiến!”

Thực tế, không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng nhưng khó mấy lãnh đạo địa phương cũng quán triệt phương châm “không được nóng, từ từ nói cho bà con hiểu, mưa dầm rồi sẽ thấm lâu”. Một mặt thì phải tranh thủ sự đồng tình của những hộ khác để “cô Sáu mày sao, tao vậy”.

Tất cả đều trên tinh thần công khai, dân chủ. Dẫu chỉ là cây chuối, bụi trúc cũng đều được ghi nhận, vì tất cả đều là công sức của bà con. Hộ hiến nhiều đất thì được ghi vào quyển Sổ vàng của xã. Chính cách làm này nên có không ít công trình từ lúc triển khai đến hoàn thành chỉ 6 tháng. Ấp xa nhất về đến trung tâm huyện giờ cũng chỉ 7- 8 cây số, rút được gần nửa khoảng cách so với trước đây!

Một bài học “xương máu” được đồng chí chủ tịch “rút ruột” chia sẻ: Công trình dân đồng tình bắt tay vào làm thì phải làm nhanh, không để dự án treo. Nói phải đi đôi với làm, tuyệt đối không để mất lòng tin với dân.

Gần một ngày ở Tân Long, được đi thực tế những công trình “vừa mới xây xong”, chúng tôi gặp gỡ trò chuyện với những “tấm lòng quý hơn vàng”, qua đó cũng hiểu hơn vì sao Tân Long làm nên nhiều điều kỳ diệu. Bài học sâu sắc nhất luôn được đảng bộ, chính quyền quán triệt không gì khác hơn là phải luôn luôn lấy dân làm gốc. “Dân đồng tình thì mọi việc đều thành công”- Chủ tịch UBND xã Lê Thành Phương nói chắc nịch!

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh