Từ “cuộc vận động” đơn thuần ban đầu, việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nâng lên một bước mới: “tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động và làm theo”.
Từ “cuộc vận động” đơn thuần ban đầu, việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nâng lên một bước mới: “tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động và làm theo”.
Song ở bất cứ giai đoạn nào, việc làm này cũng đều có sức lan tỏa lớn. Đồng chí Nguyễn Tuấn Kiệt ( ảnh)- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Bộ phận giúp việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định:
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp, các ngành quan tâm, xem là công việc thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác tuyên truyền phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh.
Qua đó, củng cố và nâng lên rõ nét ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Phát hiện, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Những mô hình tốt từng bước được nhân rộng, làm phong phú thêm các hình thức học tập và làm theo gương Bác.
Vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng rõ nét, góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiệm vụ của cá nhân.
* Xin đồng chí nói rõ hơn về những bước “chuyển biển” trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp khi học tập và làm theo Bác?
- Có 3 bước chuyển lớn. Thứ nhất là: Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, chuyển từ cuộc vận động sang làm theo thường xuyên gắn với nhiệm vụ chính trị, công việc và sinh hoạt hàng ngày của các tổ chức, cá nhân. Đây là một chuyển biến rất quan trọng.
Thứ hai là về cách làm. Nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng được chuẩn mực cụ thể của tập thể và cá nhân gắn với nhiệm vụ được giao và sinh hoạt hàng ngày.
Cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, đăng ký làm theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư. Trên cơ sở các chuẩn mực đã đăng ký, nhiều tập thể, cá nhân đã xây dựng được lộ trình để thực hiện và tự giác đăng ký thực hiện, quyết tâm thực hiện.
Và bước chuyển thứ ba chính là sức lan tỏa. Điều rất phấn khởi là sức lan tỏa của quá trình học tập và làm theo thường xuyên đã tác động đến nhận thức và việc làm của người dân.
Mặc dù chưa nhiều nhưng đã xuất hiện các hộ dân tự học tập, tự xây dựng chuẩn mực và tự giác đăng ký làm theo. Vì vậy, năm 2012 đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Toàn tỉnh đã tiến hành biểu dương, khen thưởng 463 tập thể và 4.037 cá nhân điển hình ở các cấp.
* Bên cạnh kết quả đạt được, theo đồng chí, trong quá trình thực hiện còn những mặt hạn chế nào?
- Tiến độ triển khai thực hiện chậm so với kế hoạch. Có nơi, công tác triển khai học tập chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao. Không ít nơi chưa quan tâm hướng dẫn cụ thể cách học, cách làm, nội dung đăng ký làm theo… nên việc thực hiện hiệu quả còn thấp. Nhiều nơi còn lúng túng trong nhận thức, cách làm.
Còn nhận thức rằng Quy định 101-QĐ/TW là một nội dung, việc làm khác với Chỉ thị 03-CT/TW. Thậm chí có nơi còn nhận thức là “cuộc vận động” mà chưa phải là “việc làm theo thường xuyên”. Nhiều nơi, việc xây dựng chuẩn mực chưa được đầu tư đúng mức nên chưa thể hiện rõ tính đặc thù của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Vì vậy, các tổ chức, cá nhân thiếu cơ sở vận dụng, nên việc đăng ký thực hiện cũng chung chung. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa được quan tâm đúng mức. Chưa chú trọng xây dựng kế hoạch giám sát, kiểm tra chuyên đề, mà chủ yếu là kiểm tra lồng ghép.
* Từ kết quả đạt được cũng như những hạn chế yếu kém, xin đồng chí cho biết chúng ta rút ra những kinh nghiệm gì để thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo?
- Về bài học, kinh nghiệm, xin để bàn vào dịp khác. Ở đây tôi chỉ nêu để thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo. Theo tôi, có một số vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, trong triển khai, học tập, phải làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ thế nào là phong cách quần chúng, phong cách dân chủ và phong cách nêu gương Hồ Chí Minh. Bởi vì, nếu không làm rõ những khái niệm này, dễ nhầm lẫn giữa tư tưởng và phong cách.
Mặc dù, giữa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có mối quan hệ biện chứng với nhau. Khi hiểu chưa đúng, người ta dễ nhầm lẫn và sa vào lý luận, mà không chú ý đến phần thực tiễn, rất gần gũi với mọi người của phong cách Hồ Chí Minh.
Từ việc hiểu rõ, mới nắm vững được tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với công việc, đời sống hàng ngày của cá nhân, tập thể mình. Nơi nào làm được đều đó thì nơi đó học tập và làm theo tốt.
Thứ hai, cán bộ, đảng viên- nhất là cán bộ chủ chốt các cấp- phải xây dựng chuẩn mực và lộ trình làm theo. Những chuẩn mực và lộ trình đó phải thật cụ thể, phải gắn với từng công việc, từng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao, kể cả trong sinh hoạt đời thường. Có chuẩn mực, có lộ trình, nhưng phải phấn đấu bền bỉ.
Bởi vì, phong cách không phải là cái bẩm sinh, mà phải có quá trình phấn đấu, rèn luyện bền bỉ. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên- nhất là cán bộ chủ chốt các cấp- phải thực sự bền bỉ, phải chắt chiu từng chút một, thì mới hình thành và định hình được những phong cách như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ ba, dù nêu ở vị trí thứ ba, nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của cấp ủy các cấp. Nơi nào cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo thường xuyên, liên tục thì nơi đó học tập và làm theo rất nghiêm túc và thành công cũng lớn, sức lan tỏa cũng cao.
Thứ tư, không phải là kinh nghiệm nhưng yêu cầu đặt ra là phải kiện toàn bộ phận giúp việc cho cấp ủy các cấp. Đây là việc cần phải được làm ngay từ lúc này. Bộ phận giúp việc nhanh, nhạy, nắm vững nội dung, quy trình, nắm vững thực tiễn, biết cách vận dụng… thì tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy sẽ sát thực hơn, hiệu quả sẽ cao hơn.
* Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
DUY UYÊN (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin