Những điểm sáng và mấy vấn đề cần quan tâm

01:05, 02/05/2013

Cùng với cả nước, toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Năm 2012- một năm phấn đấu, một năm nỗ lực và kết quả là rất đáng ghi nhận trên nhiều mặt.

Cùng với cả nước, toàn Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị”. Năm 2012- một năm phấn đấu, một năm nỗ lực và kết quả là rất đáng ghi nhận trên nhiều mặt.

Những điểm sáng trong năm 2012

Ghi nhận đầu tiên, nổi bật nhất là công tác triển khai học tập và tuyên truyền không chỉ trong nội bộ Đảng, các tổ chức công lập mà rộng rãi ra toàn dân. Nếu lấy con số để minh họa thì dẫu có lớn cũng chưa thể nói được nhiều điều.

Vấn đề là sự thẩm thấu, sự lan tỏa của quá trình học tập và làm theo. Có thể nói, đến nay, hầu như mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CCVC), chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, nhiều người là công nhân trong các doanh nghiệp và không ít nông dân đã kể được những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phần lớn trong số họ có thể nói được ý nghĩa của việc học tập và làm theo. Đó chính là sự thẩm thấu, lan tỏa và là kết quả đáng trân trọng.

Một ghi nhận nữa, cũng rất quan trọng. Đó là, đa số các tổ chức cơ sở đảng, các tập thể và cá nhân cán bộ, đảng viên, CCVC đều thấy rằng, đây không còn đơn thuần là cuộc vận động nữa, mà là việc làm thường xuyên, gắn với công việc và đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi tổ chức.

Nhận thức này khẳng định, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, lối làm việc, mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với nhân dân, nhất là những tổ chức, cá nhân có mối liên hệ thường xuyên với nhân dân.

Từ nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng và ngày càng đi vào chiều sâu của việc “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC- điều mà chúng ta đang rất cần, nhân dân đang rất cần, đất nước đang rất cần.

Ghi nhận thứ ba, từ nhận thức đúng, hành động đúng, không ít tập thể, cá nhân đã biết xây dựng cho mình những chuẩn mực sát thực hơn với nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ được giao.

Như ở Bệnh viện Đa khoa huyện Trà Ôn, một trong những chuẩn mực quan trọng nhất là thay đổi cách ứng xử với bệnh nhân khi khám và điều trị, đã được tập thể cán bộ, bác sĩ và nhân viên y tế thống nhất xây dựng và thực hiện. Quá trình thực hiện đã tác động khá lớn đến tình cảm, sự tin cậy của bệnh nhân, người dân. Sự phiền hà giảm đi, niềm tin được nâng lên.

Hoặc như tại xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), nhiều hộ đã tự xây dựng chuẩn mực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho gia đình mình và đăng ký làm theo một cách tự giác.

Những điển hình về xây dựng chuẩn mực và hiệu quả của nó thì huyện nào cũng có, đảng bộ nào cũng có. Và đó là hiệu quả lớn nhất của những chuẩn mực sát hợp với điều kiện thực tế, với nhiệm vụ chính trị của tổ chức và nhiệm vụ được giao của cá nhân, đời sống của hộ gia đình. Đó cũng chính là hiệu quả của việc học tập, làm theo thường xuyên.

Ghi nhận thứ tư, từ những yếu tố nêu trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo ngày càng chặt chẽ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các cấp, các tổ chức (các đảng bộ cấp huyện và tương đương đã biểu dương 463 tập thể và 4.037 cá nhân điển hình). Những điển hình đó đang dần lan tỏa trong tập thể, trong cộng đồng.

Dẫu rằng sức lan tỏa chưa thực sự cao, song chúng ta đã hình thành được ngày càng nhiều những hạt nhân cơ bản nhất. Vấn đề còn lại là “chăm bồi” để sức lan tỏa lớn hơn, rộng hơn.

Những vấn đề cần tiếp tục quan tâm

Cái cần quan tâm lớn nhất, trước hết, vẫn là vấn đề nhận thức theo chiều sâu. Vẫn còn tập thể, cá nhân, thậm chí một số cán bộ lãnh đạo các cấp, vẫn nhìn nhận việc học tập và theo như là của một cuộc vận động. Nhận thức này đã làm hạn chế không ít đến việc làm theo.

Những tập thể, cá nhân đó chưa thấy được rằng, nếu chỉ là cuộc vận động thì ai tham gia cũng được, chỉ là càng nhiều càng tốt, chất lượng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Còn có người còn cho rằng, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là chỉ dành cho lãnh đạo, những người có chức, có quyền, còn những CCVC, nhân viên bình thường thì đâu cần phải như thế.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, người dân bình thường thì cần gì phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là quan niệm sai lầm rất lớn, cần phải sửa.

Khi đã là việc làm thường xuyên thì ai cũng nên làm, phải tự giác làm và làm với một tình cảm trân trọng, sâu lắng, làm với một trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả cao nhất vì những mục tiêu, mục đích thật cụ thể.

Cái cần quan tâm thứ hai, nhiều nơi chưa biết cách, chưa chú trọng đến việc xây dựng cho tập thể, cá nhân mình những chuẩn mực cụ thể, sát hợp. Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc làm theo.

Chúng ta phải thấy được rằng, không phải cứ ghi vài chữ vào bản đăng ký là đã học tập và làm theo. Đó là sự nhận thức khiên cưỡng, thiếu tự giác.

Các cấp ủy Đảng cần thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng các chuẩn mực chung của cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức mình để trên cơ sở đó, hướng dẫn cho từng cá nhân tự giác nhận thức và xây dựng những chuẩn mực riêng, sát thực với nhiệm vụ được giao, sát với điều kiện thực tế của đời sống, nếp sinh hoạt hàng ngày, để dựa vào đó mà thực hành.

Cái cần quan tâm thứ ba, như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu tại hội nghị tổng kết ngày 19/3 vừa qua, trong tỉnh chưa xuất hiện những điển hình có sức lan tỏa thực sự mạnh mẽ. Số lượng thì có nhưng mức lan tỏa là chưa rộng.

Điều đó nói lên một yêu cầu rất lớn, là phải đổi mới cách làm, phải tiến hành “chăm bồi” nhiều hơn nữa. Đổi mới cách làm là cần phải bắt đầu từ cá nhân rồi mới đến tập thể và ngược lại, tập thể hỗ trợ cá nhân; cần bắt đầu từ việc nhỏ nhất đến việc lớn hơn, phải tỉ mỉ, chắt chiu từng chút một và trong cả một quá trình, đúng như tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 “Chăm bồi” nghĩa là theo dõi để động viên, hỗ trợ về phương pháp, cách thức, để tiếp tục tuyên truyền, để nêu gương, để nhân rộng… làm cho những tấm gương đó, những điển hình đó thực sự là hạt nhân có sức cuốn hút nhiều người, nhiều tập thể cùng tham gia, cùng đăng ký, cùng thực hiện và cùng thành công, cùng lan tỏa...

Cái cần quan tâm thứ tư, năm 2013 chúng ta đi vào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề cụ thể hơn, đó là học tập và làm theo về phong cách quần chúng, phong cách dân chủ, phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ những vấn đề đặt ra nêu trên, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải quan tâm, sâu sát hơn nữa đối với những đòi hỏi của thực tiễn. Phải làm sao để từng cá nhân, tập thể hiểu một cách sâu sắc nhất về các phong cách đó để tự giác xây dựng cho mình những chuẩn mực thực sự của chính mình, của tổ chức và có bước đi cụ thể trong việc làm theo.

Phải đặt vai trò của quần chúng, của vấn đề dân chủ vào đúng vị trí của nó. Có như thế thì mới biết mình cần làm những gì, kết quả đạt được như thế nào, đã trở thành tấm gương chưa, nêu gương những gì, cho ai và vì mục tiêu gì.

Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh một vấn đề: học tập và làm theo, nêu gương không phải chỉ vì mình, mà là vì cộng đồng, vì sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vì sự phồn vinh của đất nước, đúng như tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một quá trình, đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi tập thể, nhất là cán bộ, đảng viên, CCVC, mà tập trung nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, phải tự giác, phải gắng sức, phải tỉ mỉ, phải bền bỉ và phải vì mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

ĐẮC PHƯƠNG (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh