Tại Kỳ họp thứ IX, Quốc hội khóa XV, với 461/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025. Như vậy cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Nghị quyết được người dân kỳ vọng, tin tưởng sẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, với tầm nhìn 100 năm.
![]() |
Nguồn: NLDO |
Ý Đảng hợp lòng dân
Chưa bao giờ trong gần nửa thế kỷ qua, bản đồ hành chính Việt Nam có sự thay đổi lớn đến vậy. Không chỉ là thay đổi về địa giới, đây là dấu mốc mở ra một giai đoạn phát triển mới với bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Ngày 12/4/2025, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, trong đó thống nhất về phương án sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, xây dựng mô hình tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những kết luận quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy và ĐVHC.
Ngày 12/6/2025, Quốc hội đã đi đến một quyết định lịch sử: Bấm nút thông qua việc sắp xếp lại các ĐVHC cấp tỉnh. Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa chính trị rất thiêng liêng mà lịch sử trao cho đại biểu Quốc hội khóa XV.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 202/2025 về việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực ngay để các cơ quan tiến hành các thủ tục chuẩn bị về nhân sự, con dấu, trụ sở, các vấn đề, điều kiện bảo đảm để chính thức ngày 1/7 tổ chức mới đi vào hoạt động.
Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh năm 2025 mở ra nhiều không gian và cơ hội phát triển cho đất nước, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri cả nước. Đây cũng là lần điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại, phản ánh quyết tâm cải cách tổ chức bộ máy nhà nước một cách căn bản, mạnh mẽ và chiến lược.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua 34 nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025. Với các nghị quyết này, từ tổng số 10.035 ĐVHC cấp xã của cả nước giảm còn 3.321 đơn vị, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu.
Không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới, lần sắp xếp này thể hiện tư duy mới về quản trị quốc gia, được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là “cuộc cách mạng toàn diện, triệt để”.
Việc hợp nhất các ĐVHC không chỉ gắn với yếu tố địa lý hay dân số mà còn được cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh: Lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, triết lý phát triển, tâm lý xã hội… Hơn thế nữa, cuộc cải tổ này gắn với việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thay cho mô hình 3 cấp như hiện hành. Đây là mô hình tổ chức chính quyền mới, được cho là phù hợp với xu thế quốc tế, mang tính hiện đại và hướng đến hiệu quả quản trị cao hơn.
Ông Lê Như Tiến- Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, cho rằng: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần có “sức đề kháng” trước những luận điệu xuyên tạc. Mục tiêu của việc sáp nhập là mở rộng không gian phát triển, gần dân hơn, sát dân hơn, và giúp người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ công. Đó là mục tiêu rất tốt đẹp. Việc sáp nhập giúp đất nước phát triển hơn, giúp chính quê hương mình phát triển hơn thì không có lý do gì không ủng hộ. Với những thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, bịa đặt, thì chúng ta cần bình tĩnh, dùng chính công luận và truyền thông để phản bác”.
Tổng Bí thư Tô Lâm Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là “hai cộng hai bằng bốn” mà phải là “hai cộng hai lớn hơn bốn”. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với phân cấp, phân quyền, đặc biệt là cấp xã mới sau khi sáp nhập, làm thế nào để thực sự gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Tất cả các công việc này đều phải triển khai cùng lúc, không thể chậm việc nào. Không để việc sắp xếp tổ chức bộ máy làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan, hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động thường ngày của người dân, doanh nghiệp. |
Sẵn sàng vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Nhằm bảo đảm cho bước chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, Quốc hội đã thông qua hàng loạt luật và nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 9.
Đây là kỳ họp có khối lượng lập pháp nhiều nhất trong nhiều năm qua với 34 luật, 14 nghị quyết được thông qua. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cùng với nhiều luật, nghị quyết đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Cùng với đó, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao và kịp thời, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ việc triển khai mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025.
Ngay trước thời khắc chuyển đổi, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng với tựa đề “Sức mạnh của đoàn kết”. Trong bài viết, Tổng Bí thư dẫn lại câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, đại thành công”.
Theo Tổng Bí thư, câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giữa thế kỷ XX đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết không chỉ là bài học được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống ngàn đời của nhân loại, mà còn là cội nguồn làm nên những thành tựu vĩ đại của xã hội loài người. Điều này đặc biệt đúng trong lịch sử cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các ĐVHC, “sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là “mạch nguồn”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
![]() |
Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được người dân kỳ vọng, tin tưởng sẽ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: KHÁNH DUY |
Việc sáp nhập tỉnh thành không chỉ là một thay đổi hành chính mà còn là cơ hội để Việt Nam định hình lại mô hình phát triển, hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn. Nói cách khác, việc sáp nhập không chỉ là sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ; mà còn là sự phân cấp về thẩm quyền; bố trí lại ĐVHC; phân bổ về nguồn lực; tạo không gian phát triển. Mục tiêu là xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn; đồng thời mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn lâu dài, ít nhất là cho 100 năm tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Đất nước là quê hương. 63 tỉnh thành cũng là đất nước, là quê hương, mà 34 tỉnh thành cũng là đất nước của chúng ta, là quê hương của chúng ta. Do đó, phải đấu tranh, xóa bỏ mọi định kiến và vì sự phát triển chung. Khi chúng ta làm cách mạng mà đã là cách mạng thì sẽ có thuận lợi nhưng cũng có vô vàn khó khăn. Nhưng khó khăn đó chúng ta lường được, đó là về tư duy, phải thay đổi tư duy. Mỗi vùng miền khác nhau nhưng lòng yêu nước và giá trị văn hóa thì không có gì thay đổi. Mỗi địa phương đều có những khác biệt, nhưng giá trị chung cốt lõi của dân tộc chúng ta là lòng yêu nước, là nền văn hóa Việt Nam, là tình dân tộc, nghĩa đồng bào, là yêu hòa bình, ghét chiến tranh… Cuộc cách mạng này cũng là một giải pháp, cùng với các giải pháp khác như triển khai “bộ tứ trụ cột” để góp phần thúc đẩy tăng trưởng từ 8% trong năm nay và 2 con số trong những năm tới, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra. Trong cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lần này, điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái của bộ máy chính trị (cả cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội) từ thụ động tiếp nhận, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp sang kiến tạo, chủ động phục vụ, giải quyết các công việc, vấn đề của người dân và doanh nghiệp. |
LÝ AN (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin