Phấn đấu tất cả trẻ em được thụ hưởng một nền giáo dục công bằng

05:24, 28/05/2025

Đóng góp trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, phổ cập tức là tất cả những ai ở trong độ tuổi sẽ được hưởng thụ chương trình giáo dục tương ứng với độ tuổi đó. Đây là điều nước ta đang phấn đấu để tất cả trẻ em được thụ hưởng một nền giáo dục công bằng, bình đẳng.

 

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về PCGDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi tạo hành lang pháp lý để kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển chung, vì sự tiến bộ của đất nước trong thời kỳ “vươn mình”.

Đây là bước tiến có ý nghĩa chiến lược trong việc thể chế hóa mục tiêu phát triển GDMN, hướng đến đảm bảo quyền học tập, phát triển toàn diện cho trẻ em trong độ tuổi vàng. Nghị quyết này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết số 42-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ. Mục tiêu chính là tạo điều kiện để mọi trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3-5 tuổi đều được tiếp cận với các chương trình chăm sóc, giáo dục chất lượng, góp phần phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào lớp 1.

Về mục tiêu: Thống nhất hoàn thành PCGDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Tuy nhiên đề nghị cần xác định chỉ tiêu theo từng giai đoạn; xây dựng lộ trình tổng thể, có tính khả thi, gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo các yếu tố về nguồn lực, cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, và đội ngũ giáo viên.

Xác định nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn từ rà soát, củng cố nền tảng (điều tra số liệu; rà soát các điều kiện đảm bảo về mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ); mở rộng quy mô và hỗ trợ chính sách (xây dựng, cải tạo trường lớp; xác định ưu tiên đầu tư; ban hành chính sách hỗ trợ); nâng cao chất lượng giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; thực hiện hiệu quả chương trình GDMN; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng GDMN); đồng bộ hóa và nhân rộng; đánh giá và hoàn thiện phổ cập (tổng kết, đánh giá; công nhận phổ cập; thiết lập hệ thống duy trì và phát triển bền vững).

Về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện:

Trong thực tiễn, việc triển khai phổ cập mầm non (PCMN) cho trẻ 5 tuổi gặp rất nhiều khó khăn: Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi nhiều địa phương còn thấp. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp một số tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Chế độ chính sách giáo viên mầm non thấp; kinh phí đầu tư phòng học, trang thiết bị địa phương rất khó khăn.

Tôi thống nhất với 5 nhóm chính sách: Bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở GDMN khi thực hiện phổ cập; ưu tiên phát triển GDMN ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Song song đó, đề nghị cần tập trung nghiên cứu để sớm ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý triển khai đảm bảo điều kiện cho việc thi hành nghị quyết.

Đặc biệt quan tâm đến chính sách đột phá về đầu tư phát triển GDMN, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách đối với trẻ em yếu thế; chính sách đãi ngộ hợp lý đội ngũ (chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà công vụ…) để giữ chân và thu hút người giỏi vào ngành…

Về điều kiện đảm bảo thi hành nghị quyết, những chỉ tiêu này đòi hỏi cần có nguồn lực lớn để đầu tư, và phải có sự chuẩn bị lâu dài.

Thực tế khi triển khai thực hiện PCMN cho trẻ 5 tuổi cho thấy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác chưa được như mong muốn, nhiều địa phương chưa đủ nguồn lực để thực hiện. Mặc dù, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy PCGD nhưng Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu đạt PCMN cho trẻ 5 tuổi năm 2025 thì hầu hết kinh phí thực hiện chủ yếu từ địa phương, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ về địa phương trong thực hiện phổ cập là rất ít. Chính vì thế đến hết tháng 3/2017, đã có 80,17% số trẻ mẫu giáo, 85,5% trẻ 5 tuổi được hỗ trợ ăn trưa tại lớp; 41,04% số trường mầm non được đánh giá ngoài đạt chuẩn kiểm định cấp độ 1 trở lên… 99,1% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện, 100% đơn vị cấp tỉnh đã hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, trễ 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Do đó, ngoài sự chủ động, quyết tâm của địa phương, đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương nhất là những địa phương còn khó khăn để việc triển khai chương trình này có thể đạt mục tiêu đã đề ra.

Từ thực tế này, đề nghị Chính phủ quan tâm:

Cần xác định chỉ tiêu theo từng giai đoạn; xây dựng lộ trình tổng thể, có tính khả thi, gắn với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo các yếu tố về nguồn lực, cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, và đội ngũ giáo viên.

Xác định nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn từ rà soát, củng cố nền tảng (điều tra số liệu; rà soát các điều kiện đảm bảo về mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ); mở rộng quy mô và hỗ trợ chính sách (xây dựng, cải tạo trường lớp; xác định ưu tiên đầu tư; ban hành chính sách hỗ trợ); nâng cao chất lượng giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; thực hiện hiệu quả chương trình GDMN; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng GDMN); đồng bộ hóa và nhân rộng; đánh giá và hoàn thiện phổ cập (tổng kết, đánh giá; công nhận phổ cập; thiết lập hệ thống duy trì và phát triển bền vững).

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình GDMN thống nhất trong toàn quốc hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Đầu tư và hệ thống giám sát và đánh giá, thường xuyên theo dõi và đánh giá chất lượng GDMN để đảm bảo hiệu quả và có những điều chỉnh kịp thời. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách PCGDMN cho trẻ em từ 3-5 tuổi. Đây là yêu cầu cần thiết để chính sách PCMN thực sự đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho trẻ em và xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực Nhà nước, xã hội. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của trẻ em, nhất là các nhóm yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Góp phần xây dựng môi trường GDMN an toàn, thân thiện, phát triển toàn diện.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp (xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non chuyên nghiệp, chú ý đến kiến thức, kỹ năng sư phạm và lòng yêu nghề, yêu trẻ).

Chuẩn hóa cơ sở vật chất và chương trình GDMN đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, hiện đại, phù hợp lứa tuổi; tăng cường hợp tác nhà nước và tư nhân giúp mở rộng nhanh chóng quy mô trường lớp.

Triển khai chiến dịch truyền thông sâu rộng về tầm quan trọng của GDMN; ý nghĩa PCGDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi; trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong đưa trẻ đến trường; tăng cường sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng và đoàn thể địa phương trong xây dựng, phát triển và giám sát hoạt động GDMN.

Với sự quan tâm, quyết tâm và đồng hành của cả hệ thống chính trị, việc PCGDMN cho trẻ em từ 3-5 tuổi sẽ trở thành hiện thực, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai đất nước.

B.THANH- Đ.THI (ghi)

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh