Đề cao bảo vệ người tiêu dùng, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

08:57, 11/05/2025

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 10/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: BÙI GIANG)

Chấm dứt việc buông lỏng quản lý quảng cáo

Sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu đã cho ý kiến, bày tỏ thống nhất với việc giao Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của từng bộ, ngành liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia cũng như cơ chế phản hồi, xử lý sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo xuyên biên giới.

Dẫn các vụ việc sai phạm trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội thời gian gần đây, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) và một số đại biểu khác cho rằng, cần có những chế tài nghiêm khắc hơn về tình trạng trên gắn với các quy định trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đồng thời cần ban hành thêm các quy định xử lý vi phạm hành chính đủ sức răn đe. Nhắc tới nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng trong cộng đồng tham gia hoạt động quảng cáo sai sự thật, các đại biểu nhấn mạnh đến công tác rà soát, đánh giá hạn chế, bất cập về pháp lý mà hệ quả là những lỗ hổng khiến quảng cáo sai sự thật có cơ hội tồn tại.

Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn), môi trường mạng, nhất là mạng xã hội hiện nay đang bị các đối tượng lợi dụng một cách dễ dàng để truyền bá thông tin sai sự thật nói chung, quảng cáo “thổi phồng” nói riêng, tạo điều kiện để những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái lưu hành thiếu kiểm soát. Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị xem xét, bổ sung các quy định về kiểm soát, quản lý hoạt động quảng cáo đối với mọi nền tảng truyền hình trực tuyến và các trang tin tức, trang thông tin điện tử. Từ đây, đề ra chế tài nghiêm minh đối với các bên đăng tải và người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật như một biện pháp căn cơ để phòng, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về quản lý nội dung quảng cáo là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và làm rõ những tiêu chí xác định dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới dựa trên căn cứ về dữ liệu, phạm vi tiếp cận người tiêu dùng.

Giảm gánh nặng mang tên "Công bố hợp quy"

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu dành nhiều thời lượng làm việc để thảo luận chung quanh các quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa. Phần lớn đại biểu cho rằng, công bố hợp quy đã và đang gây khó cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tạo gánh nặng không đáng có cho người tiêu dùng trong nước.

Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) và một số đại biểu chỉ rõ: Công bố hợp quy lâu nay chỉ mang tính thủ tục, hình thức, thậm chí bộc lộ không ít biểu hiện chồng chéo không cần thiết. Không những vậy, quy trình công bố hợp quy hiện nay lại chỉ tập trung kiểm soát các hoạt động đơn lẻ thông qua mẫu sản phẩm, hàng hóa được doanh nghiệp mang đi kiểm nghiệm. Vì thế, đã có những doanh nghiệp “đối phó” bằng cách làm mẫu thật tốt để kiểm nghiệm, còn sản phẩm được sản xuất đại trà, cung cấp đến tay người tiêu dùng thì thờ ơ.

“Nhiều hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên tham gia quảng cáo sản phẩm nhưng không hề có hiểu biết, chuyên môn mà chỉ dựa vào hình ảnh cá nhân để gây chú ý. Có thể xem xét, bổ sung quy định chỉ người có trình độ mới được phép quảng cáo theo đúng lĩnh vực chuyên môn của mình. Ngoài ra, cần có những điều khoản cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ của “người có ảnh hưởng” trong hoạt động quảng cáo”- Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Về vấn đề này, có ý kiến khác cho rằng, thủ tục hợp quy thực tế cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu không muốn nói Việt Nam đang là quốc gia cuối cùng còn duy trì việc công bố hợp quy. Các đại biểu đề nghị nhanh chóng áp dụng phương thức thường thấy của thế giới hiện nay là để doanh nghiệp tự áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa, sản phẩm. Song hành với đó, Nhà nước sẽ có những công cụ giám sát ở tầm vĩ mô, tiến hành hậu kiểm nếu phát hiện dấu hiệu hàng hóa, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền trong quy hoạch

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về 3 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cho ý kiến về Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi bởi hiện nay, nước ta đang có một hệ thống quy hoạch rất phức tạp, với ba loại quy hoạch do Quốc hội phê duyệt, 39 loại quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các loại quy hoạch này có mục đích, tiêu chí và thời hạn khác nhau, gây khó khăn trong việc bảo đảm tính thống nhất và liên kết.

Thảo luận tại tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí với ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc pháp luật về quy hoạch hiện nay rất phức tạp dù Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Quy hoạch, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề ách tắc.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp, đồng bộ, bảo đảm liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Trước mắt, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn; việc gì Quốc hội quyết, việc gì Chính phủ, bộ, địa phương quyết để thực hiện cho đồng bộ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch phải bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ; phải quy định công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, nhất là lấy ý kiến đối với nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát, bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ.

Cho ý kiến vào Luật Doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là bước hoàn thiện pháp luật quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

“Việc không tăng giá điện sẽ giúp một bộ phận người dân được hưởng lợi, nhưng lại khiến cả nền kinh tế bị thiệt hại khi các doanh nghiệp FDI vào nước ta để tận dụng điện giá rẻ, không chịu cải tiến mà chỉ sử dụng công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, việc tăng giá điện cũng cần có lộ trình, phải thông báo để người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh không bị động; phải có chính sách hỗ trợ phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc không ai bị bỏ lại phía sau”- Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương)

Về quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”, đại biểu Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) và nhiều đại biểu đánh giá đây là một điểm mới quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn là nghĩa vụ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, nhất là trong thực hiện các khuyến nghị của Nhóm hành động tài chính (FATF) thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền và minh bạch hóa sở hữu doanh nghiệp; đồng thời giúp minh bạch hóa cấu trúc sở hữu, ngăn chặn rửa tiền, trốn thuế và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn, đồng bộ với thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính thống nhất với Luật Phòng, chống rửa tiền, và không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Cho ý kiến vào Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cụ thể về quy định tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, và xử lý vi phạm đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý, nhiều đại biểu cho rằng, quy định trên mới chỉ áp dụng đối với cấp tỉnh, mà không áp dụng với các bộ, ngành Trung ương. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung thêm vào dự thảo Luật theo hướng các bộ, ngành Trung ương cũng phải tổ chức kiểm tra định kỳ, xử lý vi phạm.

Bổ sung thêm về vấn đề này, đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên) cho rằng: Theo quy định trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hằng năm phải xây dựng kế hoạch thanh tra trong hoạt động sử dụng năng lượng và hiệu quả theo quy định của pháp luật là bất hợp lý, không cần thiết hoặc nếu có nên quy định 2 năm một lần.

Theo NDO

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh