Cần quy định mức phạt đủ sức răn đe

08:57, 17/05/2025

Chiều 16/5, trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), đại biểu Quốc hội (tỉnh Vĩnh Long) thống nhất cần sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý VPHC; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, trong quá trình triển khai thi hành luật thời gian qua.

1. Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Cần có chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công số

 

Đóng góp thêm để hoàn thiện dự thảo luật tôi xin có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, về việc điều chỉnh thời hiệu xử lý VPHC: Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung: “Trong các trường hợp vi phạm bị che giấu tinh vi, thời điểm phát hiện vi phạm là căn cứ tính thời hiệu”. Bảo đảm quyền lợi người bị xử lý: Khi kéo dài thời hiệu, cần quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền về thời gian xác minh, tránh tình trạng xử phạt sau quá lâu khiến người dân, tổ chức gặp khó khăn trong việc giải trình. Gắn với quy định chuyển đổi số và dữ liệu vi phạm: Nên có hướng dẫn cụ thể về việc truy xuất dữ liệu vi phạm từ hệ thống số để làm căn cứ xác định thời điểm vi phạm và bắt đầu tính thời hiệu.

Thứ hai, về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Về thời hạn tạm giữ: Đề nghị quy định cụ thể thời hạn tối đa tạm giữ từng loại tang vật/giấy tờ, giấy phép, chứng chỉ hành nghề: phải trả ngay khi không đủ căn cứ xử phạt hoặc quyết định xử phạt đã thi hành xong. Về cơ chế hoàn trả: Cần quy định trách nhiệm hoàn trả rõ ràng và trách nhiệm bồi thường nếu cơ quan có thẩm quyền gây thiệt hại. Về định giá, tiêu hủy, thanh lý: Đề nghị có hội đồng định giá độc lập đối với tang vật có giá trị lớn; công khai thông tin tiêu hủy/đấu giá tài sản tịch thu để tránh tiêu cực; có cơ chế phản biện hoặc khiếu nại từ phía người bị xử lý.

Về giấy phép và chứng chỉ hành nghề: Cần làm rõ tiêu chí nào thì được giữ, tiêu chí nào bị thu hồi hoặc tước quyền sử dụng; không giữ giấy phép/chứng chỉ hành nghề nếu không liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm- tránh ảnh hưởng quyền hành nghề hợp pháp của công dân. Ứng dụng CNTT: Cần quy định việc theo dõi và tra cứu tang vật bị tạm giữ qua hệ thống điện tử, tăng minh bạch và giảm thủ tục hành chính.

Thứ ba, để đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức bị xử lý và tăng hiệu quả quản lý tôi có một số đề xuất cụ thể như sau: Cần quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống thông tin (bảo mật, đồng bộ, liên thông); bổ sung chế tài nếu cán bộ không áp dụng công nghệ khi có đủ điều kiện (để tránh né); ưu tiên tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư (CCCD), giúp định danh nhanh và chính xác. Hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa: Cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận dịch vụ công số. Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Phải có cơ chế bảo vệ thông tin công dân khi xử lý vi phạm qua môi trường mạng.

2. Đại biểu Trịnh Minh Bình: Quy định mức phạt đủ sức răn đe hoặc phù hợp thực tế

 

Thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Để góp phần hoàn thiện dự thảo tôi xin có một số ý kiến góp ý như sau:

Liên quan đến ứng dụng CNTT trong xử lý VPHC, để phát huy tính hiệu quả trong thời gian tới, đề nghị cơ quan soạn thảo khi ban hành nghị định hướng dẫn luật cần quan tâm thêm một số nội dung khi áp dụng CNTT vào lĩnh vực này do: Hiện nay hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, ở nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, hệ thống mạng internet, thiết bị phần cứng còn yếu kém, không ổn định gây khó khăn trong triển khai các phần mềm quản lý, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, còn thiếu cơ sở dữ liệu liên thông và tính đồng bộ dữ liệu: Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, ngành, địa phương chưa thống nhất, đồng bộ, do mỗi ngành đều xây dựng phần mềm riêng để áp dụng cho bộ ngành mình. Dữ liệu về vi phạm hành chính chưa được tích hợp, đồng bộ giữa các cơ quan, ngành (công an, tòa án, UBND…), gây khó khăn trong việc tra cứu, kiểm tra và xử lý tái phạm.

Song song đó, quan tâm đến chất lượng nhân lực: Một bộ phận cán bộ, công chức chưa được đào tạo bài bản về CNTT hoặc chưa quen với việc sử dụng phần mềm, hệ thống điện tử trong công tác xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến việc sử dụng phần mềm, hệ thống còn lúng túng, kém hiệu quả.

Đối với xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ trong xử lý VPHC: Thời gian qua một số quy định pháp luật chưa bắt kịp với tốc độ ứng dụng công nghệ, dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng chữ ký số, xử lý vi phạm qua hình ảnh, phương tiện điện tử… Vấn đề khó khăn nữa là chi phí đầu tư ban đầu cho CNTT cao, việc xây dựng hệ thống CNTT bài bản đòi hỏi chi phí rất lớn cho đầu tư các thiết bị, phần mềm, đào tạo, bảo trì… Trong khi đó, ngân sách nhà nước ta hiện nay còn khó khăn, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ nội dung này.

Khi ban hành luật xử lý VPHC cũng như các văn bản hướng dẫn luật, đề nghị khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa luật chuyên ngành và Luật Xử lý VPHC, thống nhất giữa các ngành (xây dựng, nông nghiệp- môi trường,…) trong quy định mức xử phạt, hành vi vi phạm, thống nhất, rõ ràng, không gây khó khăn cho người áp dụng.

Ngoài ra, quy định mức phạt đủ sức răn đe hoặc phù hợp thực tế, tránh trường hợp hành vi vi phạm có mức xử phạt quá nhẹ, quá nặng so với hậu quả gây ra, gây bức xúc trong dư luận hoặc tạo gánh nặng không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp.

Việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan, đơn vị cần thống nhất trong thực thi giữa Trung ương, các địa phương, tránh cùng một hành vi vi phạm, nhưng mức xử phạt hoặc cách áp dụng ở các địa phương khác nhau có thể rất khác nhau, gây ra tình trạng “xử phạt tùy tiện”.

Quan tâm đào tạo bồi dưỡng năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật hành chính, từ đó áp dụng pháp luật đúng quy định, đúng thẩm quyền, khắc phục quy trình xử phạt rườm rà hoặc bị lạm dụng, tránh trường hợp thủ tục xử phạt còn phức tạp, gây phiền hà cho người vi phạm. Không để xảy ra tình trạng “phạt cho tồn tại”.

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh