Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đến ngày 14/4/1975 đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với khí thế thác đổ triều dâng, một ngày bằng 20 năm, chúng ta đã đập tan chiến lũy cuối cùng của quân xâm lược, hát vang khúc ca khải hoàn, toàn thắng đã về ta.
![]() |
Tại Cà Mau, đêm 30/4/1975, quân ta tập trung lực lượng tiến công thị xã, kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm các vị trí quan trọng. 5 giờ sáng 1/5, các mũi tiến công của ta đã vào nội ô thị xã kết hợp phong trào quần chúng nỗi dậy giải phóng thị xã Cà Mau lúc 10 giờ ngày 1/5/1975. Ảnh: TTXVN |
Hiệp đồng hiệu quả trên 5 hướng tiến công
Sau hơn 20 năm trường kỳ gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam đã đi qua bao gian nguy, khó khăn, thử thách. Từ lúc bị kẻ thù truy lùng, khủng bố, tra tấn, đến những ngày củng cố, phát triển lực lượng, phản công đánh lớn, tạo thế, tạo lực làm xoay chuyển cục diện chiến trường, chúng ta đã bước vào thời khắc mang tính quyết định cho lịch sử vận mệnh dân tộc.
17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Các cánh quân của ta đồng loạt nổ súng, đánh chiếm các tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Cánh quân phía Đông - Quân đoàn 4 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Long Bình; Cánh quân phía Tây và Tây Nam - Quân đoàn 3, tiến công Hóc Môn - Bà Điểm, siết chặt vòng vây phía Tây thành phố; Cánh quân phía Bắc - Quân đoàn 1 đánh chiếm Đồng Dù, củng cố bàn đạp tiến vào trung tâm; Cánh quân phía Đông Nam - Quân đoàn 2 từ Xuân Lộc thọc sâu về Biên Hòa - Thủ Đức, phá vỡ tuyến phòng thủ then chốt; Lực lượng biệt động, đặc công và nội thành cùng phối hợp đánh phá các mục tiêu bên trong, làm rối loạn hậu phương địch.
Những ngày sau đó, ta liên tiếp tấn công và làm chủ các mục tiêu quan trọng như: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch, Tổng thống Dương Văn Minh vội vàng lên Đài phát thanh Sài Gòn đề nghị ngừng bắn, thảo luận và bàn giao chính quyền. Bộ Chính trị đã chỉ thị cho toàn mặt trận: Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn, tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn thành phố, tước vũ khí quân địch, giải tán chính quyền địch, đập tan mọi sức kháng cự của chúng.
Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh đã có sự phối hợp hiệp đồng rất cao giữa các lực lượng. Do vậy, chúng ta đã tiến công nhanh, đồng loạt tạo ra sức mạnh áp đảo đối phương.
“Trong một trận đánh rất lớn có nghĩa chiến được rất cao, việc phối hợp giữa các cánh quân phải dựa trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình địch, nhất là thế phòng ngự chiến lược của địch. Khi chúng ta tiến công vào Sài Gòn - Gia Định, chúng bố trí thành 3 tuyến: ngoại vi, ven đô và nội đô, kể cả 3 sư đoàn địch phòng ngự ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 1 sư đoàn không quân. Chúng ta đã vận dụng cách đánh đồng loạt: Tiến công trên 5 hướng. Chúng ta đã hiệp đồng rất có hiệu quả trên 5 hướng tiến công của lực lượng đánh trên bộ, kể cả lực lượng Biên đội A37 cùng với lực lượng của quần chúng và không thể không nhắc tới 60 đội biệt động thành đã giúp chúng ta hoàn thành thắng được nhiệm vụ 5 mục tiêu của 5 cánh quân”- Đại tá Nguyễn Đức Hạnh nhận xét.
![]() |
Đường phố Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 (ảnh tư liệu) |
Kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng
Trên các hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù, xe tăng, thiết giáp dẫn đầu các binh đoàn thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Lực lượng pháo binh phát huy sức mạnh công phá và khả năng chế áp địch, phong tỏa các sân bay, bến cảng và cơ động cùng bộ binh đánh địch trong hành tiến. Bộ đội phòng không triển khai trận địa hình thành lưới lửa bao quanh Sài Gòn, đánh địch trên không, đánh địch mặt đất, mặt nước và bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành. Lực lượng đặc công luồn sâu, đánh hiểm, chiếm giữ các cây cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thọc sâu vào thành phố.
Theo Thiếu tướng Đinh Xuân Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng, Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Đây cũng là điểm khác biệt của Chiến dịch Hồ Chí Minh so với các chiến dịch trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
|Tiến công quân sự trong quá trình tác chiến diễn ra rất nhanh, rất mạnh, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy. Điều khá đặc biệt là có nơi chủ lực ta chưa tiến đến nơi hoặc ở xa các trục đường tiến quân, nhờ có kế hoạch từ trước mà quần chúng nhân dân đã tranh thủ thời cơ địch tan rã để nhanh chóng nổi dậy làm chủ. Tại nhiều nơi khác, bộ đội tiến đến đâu, nhân dân nổi dậy đến đó, cùng với lực lượng vũ trang đã giải tán ngụy quân, đánh sập hệ thống của ngụy quyền, giành quyền làm chủ và thành lập ủy ban nhân dân cách mạng các cấp” - Thiếu tướng Đinh Xuân Thanh nhận xét
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Toàn bộ nội các của ngụy quyền Sài Gòn bị bắt và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngay sau đó, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo còn lại như: Thổ Chu, Côn Đảo, Phú Quốc được giải phóng. Cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau.
![]() |
Đại tá Võ Văn Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự. |
Đại tá Võ Văn Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự cho rằng: “Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước là thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, khẳng định ý chí thống nhất không gì lay chuyển của nhân dân Việt Nam. Tinh thần và ý chí này đã được hun đúc bởi truyền thống chống ngoại xâm qua hàng nghìn năm lịch sử. Đã 50 năm trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa và giá trị của chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn âm vang mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đó là ngày đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong chiều dài lịch sử dân tộc. Đúng như Đảng ta khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là bản hùng ca chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn là cột mốc có ý nghĩa sâu sắc đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, một dân tộc nhỏ bé ở Đông Nam Á đã đánh bại một cường quốc hùng mạnh, góp phần củng cố niềm tin cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành tự do, độc lập. Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ vang dội ở châu Á, mà còn lan xa đến châu Phi, châu Mỹ Latinh, trở thành biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường, của lẽ phải và công lý. Cũng từ đây đã thôi thúc mạnh mẽ các phong trào phản chiến, chống chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, cổ vũ các dân tộc trên thế giới kiên cường đấu tranh vì một thế giới hòa bình và công bằng.
![]() |
Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu nguy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN |
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự đều cho rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam thắng lợi chẳng những được nhân dân thế giới ngợi ca mà ngay cả những người trong cuộc, những người điều hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam cũng phải thừa nhận.
“Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, là thắng lợi huy hoàng, thắng lợi vĩ đại, ghi vào trang sử của dân tộc như một mốc son chói lọi nhất trong suốt chiều dài hơn 4 nghìn năm lịch sử của đất nước. Thắng lợi đó được cả thế giới thừa nhận. Rất nhiều nhà chính trị, kể cả những nhà chính trị tiến bộ và những nhà chính trị của tư bản, những người trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mcnamara cũng thừa nhận, họ đã thất bại thảm hại ở Việt Nam. Ông ta cho rằng, Hoa Kỳ thua Việt Nam bởi không hiểu gì về nền văn hóa của dân tộc Việt Nam”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhận định.
![]() |
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. |
Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam cũng đồng tình: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ngày 30/4/1975 là cột mốc bằng vàng. Bằng cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm, mặc dù chúng ta cũng phải chịu rất nhiều hy sinh, tổn thất, nhưng chúng ta đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là minh chứng sáng ngời về lòng yêu nước, thương nòi, truyền thống đánh giặc giữ nước dưới sự lãnh đạo sáng suốt và bản lĩnh của Đảng ta. Chiến thắng vĩ đại này chẳng những được nhân dân thế giới ca ngợi mà ngay cả nhiều chính khách, tướng lĩnh của Mỹ, những người đã hoạch định chính sách chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng đã thừa nhận đó là một sai lầm của Mỹ. Đại tướng Westmoreland, Tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam từ năm 1964 - 1968 thú nhận rằng: Lịch sử rất có thể đánh giá việc nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ”.
Biến nguy thành cơ
Mùa Xuân năm 1975, cả dân tộc Việt Nam đã nhất tề vào trận với khí thế hào hùng và quyết tâm “phải thắng mới được về” như lời căn dặn tha thiết, hào sảng của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khi tiễn đồng chí Lê Đức Thọ vào Bộ Tư lệnh Tiền phương.
Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, cũng giống như 50 năm trước, đất nước Việt Nam, cách mạng Việt Nam không có lựa chọn nào khác, không có chỗ tạm dừng hay lùi bước, mà chỉ có lựa chọn duy nhất là cả quyết xông lên, vượt qua những thách thức của lịch sử, “biến nguy thành cơ”, phát huy cao độ ý chí và khát vọng của dân tộc để chiếm lấy những lợi thế, vượt qua trở ngại để tiến bước. Hôm nay, khi toàn dân tộc đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sẵn sàng chấp nhận những thách thức sống còn của thời đại, hào khí dân tộc từ Chiến thắng 30/4/1975 đang rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Theo Trường Giang/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin