Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ

14:58, 06/02/2025
Chi bộ Ấp 6A, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình sinh hoạt định kỳ.
Chi bộ Ấp 6A, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình sinh hoạt định kỳ.

Theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư, các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít nhất mỗi quý một lần và theo Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương, nội dung chuyên đề cần bám sát nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng và tình hình thực tế của chi bộ, địa phương, đơn vị. Qua đó cho thấy, sinh hoạt chuyên đề không chỉ là hoạt động định kỳ mà còn là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng công tác Đảng và phát triển tổ chức bền vững. 


Thời gian qua, nhiều chi bộ đã có những buổi sinh hoạt chuyên đề hiệu quả, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn góp phần tăng cường đoàn kết nội bộ, tạo môi trường trao đổi cởi mở, thẳng thắn giữa đảng viên. Mặt khác, qua chuyên đề giúp nâng cao chất lượng lãnh đạo, chi ủy, chi bộ nhận diện và giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn, phát triển tư tưởng chính trị đảng viên, củng cố nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng đảng viên tham gia ý kiến đóng góp, thảo luận, xây dựng hoàn thiện chuyên đề.

Tuy nhiên, không ít chi bộ còn gặp khó khăn, như nội dung thiếu hấp dẫn, cách tổ chức thiếu sáng tạo hoặc sự tham gia của đảng viên chưa tích cực. Điều này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ khâu chuẩn bị đến thực hiện. Để các buổi sinh hoạt thực sự phát huy hiệu quả, chi bộ cần tập trung đổi mới cách thức tổ chức, lựa chọn nội dung phù hợp nhằm phát huy vai trò của từng đảng viên.


Một số thuận lợi và hạn chế


Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, yêu cầu các buổi sinh hoạt phải có nội dung thiết thực, tập trung vào giải quyết các nhiệm vụ chính trị cụ thể; Quy định số 08-QĐi/TW năm 2018 của Trung ương Đảng yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên đề để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương quy định về nội dung, cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên đề.

Theo đó, cấp tỉnh cụ thể bằng các hướng dẫn có liên quan và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Từ cơ sở thực tiễn, các chi bộ hoạt động hiệu quả thường có nội dung sinh hoạt chuyên đề phong phú, gắn với tình hình thực tế và nhu cầu giải quyết những vấn đề phát sinh trong quản lý, lãnh đạo, công tác quần chúng đòi hỏi buổi sinh hoạt chuyên đề phải thiết thực, hiệu quả hơn.

Cho thấy, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề không chỉ dựa trên yêu cầu lý luận và pháp lý mà còn phải xuất phát từ thực tiễn. Mỗi buổi sinh hoạt cần được xây dựng dựa trên các vấn đề cụ thể mà chi bộ đang đối mặt, đảm bảo nội dung có tính ứng dụng cao, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định của Đảng. Các cấp ủy Đảng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề, vì vậy đã có những chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các chi bộ triển khai thực hiện.

Đặc biệt, các chỉ thị và hướng dẫn của Đảng đã cung cấp những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể cho hoạt động sinh hoạt chuyên đề. Một số chi bộ đã triển khai nội dung sinh hoạt chuyên đề sát với tình hình thực tế và nhu cầu của đảng viên, với các chủ đề thiết thực, gắn liền với các nhiệm vụ chính trị và công tác địa phương. Nhiều chi bộ đã thực hiện tốt việc tạo điều kiện cho đảng viên đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, nhờ đó tạo ra không khí cởi mở, dân chủ trong sinh hoạt. Điều này giúp đảng viên cảm thấy trách nhiệm và gắn bó hơn với tổ chức.


Mặc dù sinh hoạt chuyên đề đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhưng trong thực tế, hoạt động này vẫn tồn tại một số hạn chế như: Nội dung sinh hoạt chưa sâu sắc, chuyên đề đôi khi còn mang tính lý thuyết, xa rời thực tế, chưa giải quyết được những vấn đề cụ thể tại chi bộ, địa phương hoặc đơn vị, nội dung dàn trải, không tập trung vào những vấn đề cấp bách hoặc chủ đề trọng điểm; còn tính hình thức trong tổ chức sinh hoạt chuyên đề để “đối phó” với quy định, chưa thực sự chú trọng đến chất lượng, hoạt động chủ yếu dừng ở việc đọc báo cáo, không có sự thảo luận, phản biện hoặc tương tác giữa các đảng viên; thiếu đổi mới, nhiều buổi sinh hoạt vẫn theo mô hình cũ, chỉ trình bày một chiều, thiếu các phương pháp sáng tạo như thảo luận nhóm, sử dụng công nghệ thông tin hay tổ chức các hoạt động thực tế, phương pháp trình bày đơn điệu dẫn đến đảng viên cảm thấy nhàm chán, thiếu hứng thú khi tham gia; sự tham gia của đảng viên chưa đồng đều, thiếu tinh thần chủ động, còn tâm lý làm theo phân công, nghe báo cáo, tâm lý đối phó, không tích cực đóng góp ý kiến, hoặc có thắc mắc khi phát hiện chuyên đề chưa chính xác cũng không trao đổi thảo luận làm rõ vấn đề của chuyên đề, các ý kiến của đảng viên thường mang tính chung chung, thiếu sự nghiên cứu, chuẩn bị trước mặc dù đa số báo cáo chuyên đề có gửi trước khi họp lệ; một số chi bộ chưa xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung và hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên đề và phân công không rõ ràng vai trò của từng cá nhân trong việc chuẩn bị và triển khai chuyên đề chưa được xác định cụ thể, dẫn đến buổi sinh hoạt thiếu chiều sâu.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở một số chi bộ chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến tình trạng làm qua loa, chưa đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân chủ quan là do một số cấp ủy và đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề, phương pháp tổ chức chưa được đổi mới và đầu tư đúng mức.

Nguyên nhân khách quan là do một số chi bộ gặp khó khăn về nguồn lực, thời gian, áp lực lượng công việc nhiều, đảng viên đa số tập trung làm công tác chuyên môn.


Giải pháp tới


Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên đề, các chi bộ cần tập trung một số giải pháp như: 


Thứ nhất, cấp ủy xây dựng kế hoạch xác định rõ mục tiêu của từng chuyên đề, trong kế hoạch cần nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung chính mà buổi sinh hoạt hướng tới, ưu tiên chọn các chủ đề sát với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của chi bộ, địa phương, hoặc đơn vị. Chi bộ cần xây dựng lịch trình sinh hoạt chuyên đề cho cả năm hoặc từng quý, đảm bảo tính ổn định và tính chủ động.

Trong mỗi kế hoạch, xác định rõ các mốc thời gian như ngày tổ chức, hạn hoàn thành nội dung chuẩn bị. Có thể nghiên cứu lựa chọn hình thức phù hợp với nội dung chuyên đề, như thảo luận nhóm, hội thảo, trình bày ý kiến, hoặc thực tế tại cơ sở. Đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng cụ thể từng cá nhân (chi bộ nhỏ) hoặc nhóm đảng viên phụ trách từng nội dung (chi bộ có đông đảng viên) về việc chuẩn bị tài liệu, dẫn dắt thảo luận, ghi biên bản... các vai trò như người chủ trì, người phản biện...

Có thể lựa chọn những đảng viên có kinh nghiệm hoặc am hiểu sâu về nội dung chuyên đề để đảm nhiệm các vai trò trọng tâm, đồng thời ưu tiên khuyến khích sự tham gia của các đảng viên trẻ nhằm tạo môi trường học hỏi và nâng cao trách nhiệm. Kiểm tra, đôn đốc tiến độ chuẩn bị, đảm bảo mọi nhiệm vụ được hoàn thành đúng hạn. 


Thứ hai, đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên đề, cần chọn những chủ đề sát với thực tế, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tình hình cụ thể của chi bộ, địa phương, có nội dung hướng tới giải quyết những khó khăn cụ thể. Các chuyên đề cần đa dạng, không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà phải liên hệ trực tiếp với các vấn đề thực tiễn mà chi bộ đang đối mặt. 


Thứ ba, tăng cường phương pháp tổ chức sinh hoạt, áp dụng các phương pháp sinh hoạt hiện đại, sáng tạo như thảo luận nhóm, phản biện, sử dụng công nghệ thông tin, hay tổ chức các hoạt động thực tế liên quan đến chủ đề thảo luận. Người chủ trì cần có kỹ năng lãnh đạo, điều hành, đánh giá và gợi ý cho đảng viên đóng góp, tạo không khí cởi mở, thân thiện. Việc đổi mới này giúp tăng tính hấp dẫn và tạo cơ hội cho đảng viên bày tỏ ý kiến một cách tự do, trực tiếp. 


Thứ tư, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, mỗi đảng viên cần nhận thức rõ vai trò của mình trong các buổi sinh hoạt, cần chủ động nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến một cách xây dựng để làm được điều này, cần có sự động viên, khuyến khích từ cấp ủy và các đồng chí trong chi bộ.


Sinh hoạt chuyên đề là một nội dung quan trọng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ và nhận thức chính trị của đảng viên.

Dù còn tồn tại những hạn chế, nhưng với sự đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên, chất lượng sinh hoạt chuyên đề hoàn toàn có thể được cải thiện. Việc thực hiện tốt sinh hoạt chuyên đề không chỉ giúp giải quyết những vấn đề cụ thể mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của chi bộ, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đây là trách nhiệm của toàn chi bộ, đòi hỏi sự quyết tâm và đồng lòng của từng đảng viên.


Bài, ảnh: THÚY VY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh