(VLO) Ngày 1/11, trong phiên thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, khi chương trình được triển khai hiệu quả sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ và và toàn diện trong phát triển văn hóa.
Chương trình có tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong 11 năm với phạm vi tác động lớn; nhiều nội dung thành phần, rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và hoạt động chi tiết; đối tượng thụ hưởng rộng.
Vì vậy, để chương trình đi vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng các mục tiêu đề ra là thách thức lớn. Ở góc độ địa phương, tôi xin trân trọng đề nghị.
Thứ nhất là, thực tế cho thấy, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án thì việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn thường mất nhiều thời gian, nên khi triển khai đến địa phương, đến cơ sở thường chậm so với kế hoạch; đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chưa có đủ thời gian cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng; một số dự án, chương trình khi đến được đối tượng thụ hưởng thì gần hết thời gian thực hiện; làm giảm đi hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện cũng thường phát sinh các vấn đề chồng chéo nhất là ở địa phương, cơ sở nhưng chậm được xử lý. Do đó, theo tôi trước tiên cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu… để khi chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở thể triển khai thực hiện sớm nhất.
Thứ hai là, việc triển khai chương trình này phụ thuộc nhiều vào năng lực cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ sở. Hiện tại, năng lực đổi mới sáng tạo, trong lĩnh vực văn hóa của một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường; khả năng thích ứng với những thay đổi của công nghệ thông tin và sự giao thoa, du nhập văn hóa còn khó khăn.
Trong khi đó, chương trình này có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có kiến thức, kỹ năng và sự chuyên nghiệp.
Vì vậy, việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được những nhiệm vụ này là rất quan trọng, cấp bách; quyết định sự thành công của chương trình. Do đó, tôi đề nghị cần ưu tiên xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai sớm.
Thứ ba là, trong các nội dung thành phần, có 8 chỉ tiêu liên quan đến giáo dục. Tôi thống nhất cao vì phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đề nghị quan tâm những nội dung sau:
Tại nội dung thành phần thứ 1, chỉ tiêu “100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc”. Khi triển khai thực hiện sẽ rất khó để đánh giá chỉ tiêu này vì còn khá chung chung.
Đây là nội dung thành phần quan trọng, cụ thể hóa mục tiêu tổng quát của chương trình là hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì ngành giáo dục cùng với gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, sự thích ứng và văn hóa ứng xử cho người học từ gốc tức là bậc học mầm non.
Do đó, nên xác định chỉ tiêu đánh giá từ phía người học, lấy kết quả việc giáo dục nhân cách, lối sống đẹp của người học để làm thước đo thay vì đánh giá kết quả tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức. Theo đó, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ gắn với nhiệm vụ liên tục và lâu dài của ngành giáo dục.
Tại nội dung thành phần thứ 2, chỉ tiêu “70% cơ sở giáo dục có thư viện (với các đầu sách đa dạng, thiết bị phù hợp), sân chơi, bãi tập, nhà đa năng”.
Tại nội dung thành phần thứ 3, chỉ tiêu “80% cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ hệ thống phòng học cho các môn học âm nhạc, mỹ thuật, nghệ thuật, phòng tổ chức hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương nói riêng, bảo đảm các hoạt động dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông”.
Tại nội dung thành phần thứ 8, chỉ tiêu “90% giáo viên nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc được đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông.
Những chỉ tiêu này đòi hỏi cần có nguồn lực lớn để đầu tư, và phải có sự chuẩn bị lâu dài.
Thực tế khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cho thấy việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác chưa được như mong muốn, nhiều địa phương chưa đủ nguồn lực để thực hiện.
Do đó, ngoài sự chủ động, quyết tâm của địa phương, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương nhất là những địa phương còn khó khăn để việc triển khai chương trình này có thể đạt mục tiêu đã đề ra.
Song song đó, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét việc lồng ghép hoạt động khi triển khai các nhiệm vụ theo đề án, tránh quá tải cho nhà trường và học sinh.
Để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, biến thành sức mạnh nội sinh thì nhận thức và sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng.
Do đó, đề nghị quy định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể phù hợp với văn hóa vùng miền và từng địa phương; sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, các ngành và để việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin