Ngày 15/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.
Các đại biểu tại Hội thảo khoa học “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”. |
Dự Hội thảo, có 200 đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong lĩnh vực luật quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng đến từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Ngày 16/11/1994, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 chính thức có hiệu lực. UNCLOS 1982 quy định toàn diện các vấn đề pháp lý quốc tế về biển và đại dương, là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để các quốc gia xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; quyền, nghĩa vụ và các tự do khác trong quá trình quản trị, khai thác, sử dụng biển và đại dương vì mục đích hòa bình.
Toàn cảnh Hội thảo "30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”. |
Đến nay, đã tròn 30 năm, Việt Nam, một trong 168 thành viên của UNCLOS phê chuẩn và thực thi UNCLOS. Không chỉ đóng góp vào quá trình đàm phán, ký kết UNCLOS, trên tinh thần “thượng tôn pháp luật", Việt Nam còn thực tiễn hóa các cam kết của mình bằng việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đóng góp các sáng kiến quốc tế, thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia với các vùng biển tại Biển Đông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế-Luật cho biết, UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng nhất để các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đặc biệt là Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức Nông lương thực thế giới (FAO) ban hành các văn kiện chính trị, điều ước quốc tế về hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, an ninh biển, quản lý, bảo tồn, khai thác thủy sản và bảo vệ môi trường biển.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh phát biểu tại Hội thảo. |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh nhận định, UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý để các quốc gia và vùng lãnh thổ có biển ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển.
Vì lẽ đó, UNCLOS 1982 được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương” của cộng đồng quốc tế, điều ước quốc tế toàn cầu có tầm quan trọng thứ hai sau Hiến chương Liên Hợp Quốc".
Theo ý kiến các chuyên gia, sau ba thập niên thực thi UNCLOS, Biển Đông và một số vùng biển khác trên thế giới vẫn chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp, từ hợp tác đến cạnh tranh chiến lược, từ địa kinh tế, chính trị đến các vấn đề về an ninh truyền thống, phi truyền thống, từ sự hiện diện của các quốc gia đang phát triển đến sự can dự của các cường quốc; từ sinh kế của những ngư dân đến tính cấp bách trong bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và đại dương, khai thác và quản trị nguồn lợi thủy hải sản...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, trong bối cảnh hiện nay, UNCLOS 1982 cần phải thay đổi để tiếp tục hoàn thiện, nhằm phát huy giá trị pháp lý quốc tế phổ quát của UNCLOS trong hiện tại và tương lai. Bởi có sự thay đổi không ngừng của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ hàng hải, hàng không; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương; biến đổi khí hậu; sự phát triển của thương mại quốc tế; sự thay đổi nhanh chóng của địa chính trị quốc tế…
Phát biểu tại Hội thảo, Nhà báo Mai Ngọc Phước, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: “Công ước Luật Biển là một trong những chọn lựa đúng đắn nhất, mang tính chiến lược của Việt Nam kể từ khi chúng ta đặt bút ký tham gia, đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn cách đây đúng 30 năm cho đến hiện nay.
Trong thời điểm thế giới xảy ra nhiều biến động thì giá trị của Công ước Luật biển 1982 càng phát huy giá trị”.
Nhà báo Mai Ngọc Phước, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. |
Tổng Biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh mong các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học… chia sẻ những góc nhìn mang tính thực tiễn nhất về vai trò, đóng góp của Công ước Luật Biển 1982 đối với tất cả các khía cạnh.
Qua đó, làm nổi bật những cam kết và hành động, sáng kiến của Việt Nam trong xây dựng và thực thi Công ước Luật Biển 1982.
“Những kỳ vọng, góp ý, hiến kế này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục theo đuổi một cách hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 trong những thập niên tiếp theo, nhất là trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông còn phức tạp, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền sẽ là chặng đường còn dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực, sự quyết liệt, linh hoạt và khéo léo từ phía Việt Nam cũng như sự thiện chí, tinh thần hợp tác từ các quốc gia khác”, ông Mai Ngọc Phước nhấn mạnh.
Sau Hội thảo, Ban tổ chức sẽ tổng hợp và kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc truyền bá, phổ biến, thực hiện có hiệu quả UNCLOS 1982 và pháp luật về biển của Việt Nam
Theo ANH TUẤN/Báo điện tử Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin