(VLO) Trong phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐND Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Tôi kỳ vọng, việc sửa đổi, bổ sung luật lần này sẽ kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành đối với các quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng và một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan. Tôi xin tham gia một số ý kiến sau:
Tôi cơ bản thống nhất việc đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc điều chỉnh tăng từ 11 nhóm lên 17 nhóm chức vụ của sĩ quan; bổ sung cấp phó: Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Phó tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị và các chức vụ là cấp phó của cấp trưởng đến Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, đề xuất này đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Bởi lẽ, về thực tế cơ cấu tổ chức, biên chế trong quân đội có tính đặc thù riêng, chức danh, chức vụ gắn với quân hàm, có nhiều thành phần, lực lượng, có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ; có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên; có lực lượng binh chủng hợp thành, các quân, binh chủng, được tổ chức theo hệ thống từ cấp chiến lược đến cấp chiến dịch, cấp chiến thuật, có đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; có đơn vị phục vụ bảo đảm.
Nhưng hiện nay, luật hiện hành chưa có những quy định cụ thể nên đã phát sinh nhiều bất cập như: một số chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cấp dưới bằng cấp trên; chưa phân định rõ cấp trên, cấp dưới; phụ cấp chức vụ của một số chức vụ cấp trên bằng cấp dưới - không thể hiện được trách nhiệm cao hơn của cấp trên; cùng chức vụ tương đương nhưng trần quân hàm khác nhau; một số tổ chức có cùng quy mô, cùng cấp độ, tính chất nhiệm vụ nhưng chức danh, chức vụ tương đương và trần quân hàm không thống nhất, việc quy định phụ cấp chức vụ cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật (như: Nghị định số 107/2015/NĐ-CP ngày 24/10/2015 của Chính phủ quy định chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan QĐND Việt Nam; Thông tư số 160/2017/TT- BQP ngày 04/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan QĐND Việt Nam...) để có thể khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập nêu trên, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với hệ thống pháp luật và tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Đối với quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan: Dự thảo Luật sửa đổi về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm, cụ thể: Cấp uý từ 46 lên 50 tuổi, thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, trung tá từ 51 lên 54 tuổi, thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi (tuổi của nữ sĩ quan bằng nam sĩ quan).
Thống nhất với đề xuất với tờ trình của chính phủ, việc dự thảo luật dự kiến nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan từ 1 đến 5 tuổi sẽ cơ bản đảm bảo cho hầu hết sĩ quan khi nghỉ hưu được hưởng mức lương tối đa theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật; việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ như dự thảo vừa tiệm cận với quy định chung của pháp luật lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện chính sách cán bộ, phát huy năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, góp phần giảm áp lực đào tạo cán bộ và phù hợp tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của quân đội.
Ngoài ta, tôi cho rằng việc đề xuất không phân biệt tuổi phục vụ tại ngũ giữa nam và nữ, không quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ sĩ quan có quân hàm đại tá là cần thiết và phù hợp thực tiễn. Quy định này trước hết đảm bảo yếu tố bình đẳng giới trong công tác cán bộ của quân đội và cũng là yêu cầu thực tiễn công tác cán bộ nữ của quân đội hiện nay; khi số lượng nữ sĩ quan quân đội chiếm tỷ lệ thấp (theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo là khoảng 3% so với tổng số sĩ quan), trong đó hiện tại toàn quân chỉ có 1 nữ thiếu tướng và 2% nữ sĩ quan cấp đại tá.
Song, từ thực tế đó, tôi cũng đề nghị ngành chủ quản tiếp tục quan tâm có những cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác tạo nguồn, bổ sung đầu vào sĩ quan nữ từ tuyển sinh quân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp, phân công nhiệm vụ nữ sĩ quan phù hợp sức khoẻ, đặc thù giới tính, năng lực, sở trường để nữ sĩ quan không phải quá áp lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc thù và làm tròn thiên chức của người phụ nữ đối với gia đình.
Về quyền lợi của sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ: Dự thảo luật đề xuất bổ sung quy định quyền lợi được hưởng của sĩ quan nghỉ hưu, như sau: “Được hưởng chế độ an điều dưỡng, chăm sóc khi mắc bệnh hiểm nghèo, chế độ thông tin, hỗ trợ tang lễ khi từ trần theo quy định của Chính phủ”.
Có thể nói đây là chính sách an sinh có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là một bộ phận quan trọng trong chính sách hậu phương quân đội và là chế độ, chính sách mang tỉnh đặc thù, dành riêng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã nghỉ hưu.
Quy định như dự thảo luật là cần thiết để thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng và thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, nhất là đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu.
Tôi được biết, quá trình thực hiện nội dung này thời gian qua đã phát huy tốt hiệu quả, có tác dụng tích cực, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với bản thân và gia đình cán bộ quân đội nghỉ hưu; tạo nên tình cảm tốt đẹp, sự gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ toàn quân với các thế hệ đi trước và sự tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; được các thế hệ cán bộ quân đội, dư luận xã hội đồng tỉnh, ủng hộ, đánh giá cao.
Tuy nhiên, do chế độ chính sách này chưa được cụ thể hóa trong Luật Sĩ quan, bên cạnh đó theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, từ năm 2023 đến nay, Bộ Quốc phòng không được giao dự toán ngân sách Nhà nước để bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách nêu trên nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tỉnh cảm, đời sống cán bộ quân đội nghỉ hưu.
Việc luật hoá nội dung này, giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp nhưng rất cần việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách này theo hướng công bằng, đúng đối tượng, minh bạch và phù hợp điều kiện ngân sách từng thời kỳ, dự báo sẽ tác động ngày càng tích cực hơn đối với cán bộ đang công tác trong quân đội, góp phần làm cho quân nhân yên tâm công tác, xác định tốt trách nhiệm, quyết tâm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời cũng sẽ tạo thêm động lực cho cán bộ quân đội nghỉ hưu tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các tổ chức ở địa phương; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong lãnh đạo, tập hợp và vận động quyền chúng thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về quy trình góp ý thông qua và hiệu lực thi hành của luật: Thống nhất với đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật đã được xây dựng theo quy trình, thủ tục rút gọn, thông qua tại kỳ họp 8 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin