Đồng tình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng

19:10, 31/10/2024

(VLO) Ngày 31/10, trong phiên thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.  

 

TP Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, trọng điểm phát triển kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) của khu vực Bắc Bộ và cả nước; trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tôi tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời, việc ban hành quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm đã bảo đảm đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.  

Về số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Thuỷ Nguyên, quận, phường (mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng có điểm giống như TP Hồ Chí Minh ở mô hình thành phố trong thành phố, TP Thủy Nguyên cũng như TP Thủ Đức).

Về quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Thuỷ Nguyên (không quá 4 người); số lượng Phó Chủ tịch UBND quận (không quá 3 người) và số lượng Phó Chủ tịch UBND phường (không quá 2 người), tôi thống nhất phương án Chính phủ trình.

Đối với UBND quận và phường: TP Hải Phòng là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ tháng 4/2009 đến tháng 5/2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội. Khi triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, thành phố đã được bố trí 3 Phó Chủ tịch UBND quận, huyện (theo quy định tại Nghị định số 27/2009/NĐ-CP ngày 19/3/2009 của Chính phủ); đối với UBND phường, thành phố đã được bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND phường (theo quy định tại Nghị định số 107/2004/NĐ-CP ngày 01/4/2004 của Chính phủ).

Đối với UBND TP Thuỷ Nguyên: TP Thuỷ Nguyên có 269,10 km2 diện tích tự nhiên; dân số có 397.570 người, chiếm 16,34% dân số của TP Hải Phòng, mật độ dân số toàn đô thị là 1.760 người/km2; thành phố có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường và 4 xã (TP Thuỷ Nguyên có diện tích tự nhiên lớn hơn TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh (211,56 km2) và ít hơn về quy mô dân số).

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 “Hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính TP Hải Phòng sang phía Bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trong những năm tới, công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của TP Thủy Nguyên, dự kiến thu hút 250.000 lao động; thương mại - dịch vụ phát triển dựa trên nền tảng phát triển ngành thương nghiệp với mạng lưới các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ logistics, du lịch, y tế, giáo dục…

Đồng thời, triển khai các cơ chế chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa đáp ứng nhu cầu dân số tăng lên ngày càng nhiều, đặc biệt là công nhân; trên địa bàn TP Thuỷ Nguyên đang xây dựng nhiều khu dân cư mới như Bắc Sông Cấm, đảo Vũ Yên, Vsip, Hoàng Huy... nên dân số của TP Thuỷ Nguyên sẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 408/QĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đến năm 2045 thì quy mô dân số, đến năm 2045 khoảng 725.000 người (bằng gần 1/3 dân số của TP Hải Phòng hiện nay), trong đó dân số đô thị chiếm 86%.

Việc bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND thành phố để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của chính quyền trong lĩnh vực quản lý đô thị. Số lượng Phó Chủ tịch UBND quận và phường tăng thêm không đáng kể (dự kiến khoảng 10 người) so với số biên chế giảm do không bố trí các chức danh chuyên trách HĐND quận, phường khi không còn tổ chức của HĐND quận, phường (103 người), số lượng cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giảm do sắp xếp ĐVHC (khoảng 1.000 cán bộ, công chức cấp xã và 600 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã); ngoài ra, khi giảm 50 đơn vị hành chính cấp xã sẽ kéo theo phải sắp xếp giảm: 50 trạm y tế cấp xã, 50 tổ chức công an cấp xã, 50 tổ chức quân sự cấp xã, 20 trường học và giảm 315 đại biểu HĐND quận, 1.050 đại biểu HĐND phường nên sẽ không phát sinh tăng tổ chức, biên chế của thành phố.   

B.THANH-Đ.THI (ghi) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh