Cần thêm biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào mục tiêu tăng trưởng

21:33, 28/10/2024

(VLO) Đó là ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tại phiên thảo luận ở tổ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

 

 * Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: Cần thêm biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào mục tiêu tăng trưởng

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ và các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội. Tuy nhiên, nghiên cứu báo cáo của Chính phủ tôi xin tham gia đánh giá, đề xuất đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường thêm lãnh đạo một số lĩnh vực cụ thể.

Trước hết, về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể nói, theo đánh giá của Chính phủ đây lĩnh vực còn cũng rất nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua Trung ương và các địa phương cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các cơ hội cho việc phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo báo cáo cũng thấy rõ, tính chung trong 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, có hơn 61.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng trên 86.000, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước và đặc biệt có gần 61.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4 %. Đây là vấn đề cần phải quan tâm trong lãnh đạo điều hành tới đây của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.

Cùng với đó, qua nghiên cứu báo cáo cũng thấy tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn và số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động hiện nay chiếm gần 2%, đặc biệt là tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3% và đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là ở những người trẻ tuổi, độ tuổi từ 15 - 34 tuổi chiếm 48%. Đây là vấn đề rất cần phải có sự quan tâm tập trung và tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần hiện nay cũng vẫn còn xu hướng tăng.  

Chính vì vậy, đề nghị trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành cũng như các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thêm một số biện pháp để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia cũng như đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.

Đặc biệt, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các rào cản về pháp lý, tăng cường chính sách ưu đãi về vốn, về thuế quan, về kỹ thuật, về công nghệ, về các thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án, đặc biệt là các quy trình về thủ tục xuất nhập khẩu; chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời việc kiểm tra, thanh tra chồng chéo đối với các doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực, tăng cường đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển đất nước, khôi phục sản xuất, cũng như đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt kéo theo đó cũng sẽ thúc đẩy để tăng cường, tạo ra nhiều việc làm, ổn định cho người lao động, gắn với đẩy nhanh các chính sách, các giải pháp hỗ trợ cho người lao động như đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho người lao động. Đây là những giải pháp quan trọng đề nghị Chính phủ quan tâm tiếp tục chỉ đạo để các bộ, ngành, các địa phương có cơ chế, chính sách để đảm bảo thúc đẩy phát triển cũng như phục hồi, phát triển kinh tế trong thời gian tới.  

Vấn đề thứ hai, tôi cũng quan tâm là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao sức khỏe nhân dân. Qua đi tiếp xúc cử tri, đây vấn đề mà cử tri dành sự quan tâm đặc biệt, cử tri cũng đánh giá trong năm 2024 có thể nói Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bước đầu cũng đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế, đặc biệt công tác đấu thầu mua sắm thuốc cũng như trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là tại các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, thực tế qua tiếp xúc cử tri cũng như theo dõi tình hình hoạt động của một số địa phương, hiện nay chúng ta thấy tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine vẫn tiếp tục diễn ra tại một số cơ sở y tế, đặc biệt là y tế công và các loại thuốc hiếm. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng thiếu vaccine, đặc biệt các vaccine trong chương trình mục tiêu tiêm chủng quốc gia cho trẻ vẫn còn thiếu.

Tỷ lệ tiêm chủng đến thời điểm này cũng không đạt theo mục tiêu trên 90% như chúng ta đã đề ra. Thậm chí nhiều loại vaccine tỷ lệ đạt từ 30% đến 40% và nhiều cử tri có thẻ bảo hiểm y tế hiện nay cũng phải mua thuốc bên ngoài, trẻ em phải tiêm dịch vụ bên ngoài, cho nên chi phí rất cao, tạo gánh nặng cho người dân, nhất là người dân có thẻ bảo hiểm y tế, nhiều quyền lợi chính đáng không được hưởng.

Chính vì vậy, đề nghị ngành y tế, Chính phủ tiếp tục lãnh đạo để có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia và điều phối các loại thuốc hiếm. Vì hiện nay, các loại thuốc hiếm cũng rất khó trong đấu thầu mua sắm, nếu chúng ta phân cấp về cho địa phương thì cũng rất khó trong việc mua các loại thuốc này để chăm sóc trị bệnh cho người dân.

Ngoài ra, đề nghị cần tiếp tục rà soát, kịp thời nghiên cứu sửa đổi một số quy định mua sắm thuốc tập trung cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Hiện nay, theo đánh giá của Bộ Y tế, tình trạng này cũng không còn khó khăn lắm, bước đầu cũng tháo gỡ một số điểm nghẽn rồi.

Tuy nhiên, ở địa phương thực tế còn rất nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị ngành y tế tiếp tục chỉ đạo để có giải pháp kịp thời, gỡ khó cho khâu tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách của ngành ở cấp cơ sở, đặc biệt là phổ biến, tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân trong ngành y tế tham gia hoạt động đấu thầu.

Hiện nay, theo thực tế chúng tôi được biết, lực lượng này chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa có chuyên môn sâu nên một số người ngại, sợ làm rồi sẽ sai, sẽ né tránh, đùn đẩy.

Vì nếu không có chuyên môn sâu cũng sẽ dễ gặp phải sai sót, vi phạm, thậm chí mất cán bộ, mà mất cán bộ chuyên môn sâu ở ngành y tế là một sự mất mát rất lớn. Còn nếu đưa cho đội ngũ y, bác sĩ lãnh đạo, quản lý để lãnh đạo công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế là một trở ngại lớn cho công tác quản lý về chuyên môn.  

 

* Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: Cần có cơ chế ràng buộc để duy trì mối liên kết “4 nhà” 

Tôi thống nhất và đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả, thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024. Qua nghiên cứu thì tôi xin đóng góp hai ý kiến như sau:

Thứ nhất, về công tác tăng cường năng lực là ứng phó và phòng, chống thiên tai theo Báo cáo của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2024 công tác phòng, chống thiên tai được tập trung chỉ đạo, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của bão số 3.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo theo sát tình hình ứng phó từ sớm, từ xa với nhiều cách làm mới, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời phòng ngừa ở mức cao nhất đã góp phần giảm thiểu là thiệt hại về người và tài sản.

Trong năm 2025 cũng theo dự báo tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, còn diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới cần có giải pháp căn cơ hơn để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, giảm thiểu những ảnh hưởng đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và thành quả phát triển kinh tế - xã hội.

Đề nghị, bên cạnh tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ, hướng đến nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai theo phương châm từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu.

Về lâu dài Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên phòng hộ, tạo lá chắn tốt trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với khu vực ĐBSCL, miền Trung và miền Bắc đều có những loại hình thiên tai đặc trưng. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản chủ động ứng phó từ trước, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, chú trọng giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống thiên tai, đảm bảo hoạt động hiệu lực kịp thời.

Đề nghị cần quan tâm hơn nữa nhân lực cũng như công nghệ cho công tác dự báo thiên tai, kịp thời đưa ra dự báo, cảnh báo giúp cho chính quyền và từng người dân có tiếp cận được thông tin và chủ động ứng phó.

Ngoài ra cần có những chủ trương, giải pháp cơ bản hơn để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng dễ chịu tác động của thiên tai.

Vấn đề thứ hai, là việc duy trì mối liên kết bốn nhà gồm: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học trrong sản xuất nông nghiệp. Đây là một vấn đề cũ nhưng mà từng đã nhiều lần.

Tuy nhiên, thực tế các giải pháp thúc đẩy chưa đạt hiệu quả như mong đợi, liên kết dễ bị đứt gãy trong quá trình thực hiện do xuất hiện nhân tố thứ năm là thương lái.   

Theo thực tế tại các địa phương ĐBSCL, hiện nay nhiều nông dân chưa mạnh dạn tham gia vào chuỗi liên kết nông dân, nông sản tiêu thụ, tiêu thụ qua kênh phân phối chủ yếu là thương lái.

Trong khi đó việc giao kết, mua bán với thương lái lại không có đảm bảo thường xuyên gặp tình trạng bẻ kèo khi giá lúa bị biến động.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp vẫn chưa thể phát huy hết vai trò và tiềm năng kinh tế còn hạn chế. Một phần có tiềm lực kinh tế, là chấp nhận đồng hành cùng với người nông dân, dù có biến động tăng hay giảm phải đảm bảo thu mua như giá đã cam kết với nông dân, tăng thu mua để dự trữ; một bộ phận doanh nghiệp vẫn e ngại rủi ro trong việc mua dự trữ lúa gạo giá cao nên theo dõi tín hiệu của thị trường, chờ giá lúa giảm mới mua.

Những điều này tác động đến quá trình tái sản xuất của nông dân, giảm động lực đầu tư cho mùa vụ sau do tâm lý e ngại đầu tư cao nhưng lợi nhuận thấp, hệ lụy là giảm năng suất và chất lượng lúa, trong đó các vụ tiếp theo, thu nhập ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội chung của địa phương.   

Từ thực tế trên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp-PTNT cần quan tâm, có giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn hơn nữa để cần thiết, có sự chỉ định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của từng nhà trong mối liên kết, có cơ chế ràng buộc nhiệm vụ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong hợp đồng liên kết với 4 nhà này.  

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh