Cần hoàn thiện các quy định phòng ngừa hành vi trục lợi bảo hiểm y tế

08:53, 26/10/2024

Trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long cho rằng, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.


Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, hạn chế cần được điều chỉnh, vì vậy việc phải tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật là hết sức cần thiết.


Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang: cần tăng chế tài xử lý triệt để các hành vi trục lợi bảo hiểm y tế

 

Nghiên cứu dự án luật, tôi cơ bản thống nhất với hầu hết các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung của cơ quan chủ trì soạn thảo. Song, cũng nhận thấy các nội dung được đề xuất sửa đổi khá rộng, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng, để vừa bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, vừa đảm bảo tính khả thi của dự thảo luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ BHYT. 


Tôi đề xuất thêm một số nội dung cụ thể: về giám định BHYT, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định; phối hợp liên ngành nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định về nguyên tắc, cách thức, điều kiện thực hiện, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và BHYT, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám định, đảm bảo tính đặc trưng của công tác này trong lĩnh vực BHYT, đảm bảo tối đa quyền lợi người bệnh, cơ sở KCB, người hành nghề y tế cũng như chất lượng dịch vụ y tế và quỹ BHYT. 


Ngoài ra, cần luật hóa và bổ sung, hoàn thiện các quy định tăng tính phòng ngừa hành vi trục lợi BHYT như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu chung về thông tin bệnh nhân, lịch sử KCB của những người tham gia BHYT; tăng chế tài xử lý triệt để các hành vi trục lợi BHYT, lấp đầy “kẽ hở”, không để các đối tượng lợi dụng trục lợi, bởi thực tế thời gian qua đã có tình trạng người bệnh không đi khám nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; bác sĩ không đi làm tại phòng khám nhưng vẫn ký cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH; không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc, hay tần suất đi khám quá nhiều, đến khám bệnh ở nhiều bệnh viện cùng thời gian hoặc là có thời gian điều trị dài hơn so với tình trạng bệnh... để trục lợi quỹ BHXH, BHYT... những hành vi này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách quốc gia; trực tiếp nhất là việc cân đối quỹ BHYT, tính công bằng trong KCB, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; công tác KCB tại các cơ sở y tế và nhiều vấn đề xã hội khác.


Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh: thống nhất cao việc mở rộng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

 

Tôi đánh giá rất cao ban soạn thảo đã bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ BHYT toàn dân như: lao động có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật...


Tôi thống nhất rất cao một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo luật đó là mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT khi “thông cấp KCB”. Theo đó, người tham gia BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả giống như khi đi KCB đúng quy định trong 3 trường hợp. Một là, người bệnh được tự đến cơ sở KCB thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong một số trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo. Hai là, khi KCB tại các cơ sở thuộc cấp KCB ban đầu và các cơ sở thuộc cấp KCB cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1/1/2025 trên toàn quốc. Ba là, đi KCB tại cơ sở KCB chuyên sâu với lộ trình nâng mức hưởng cụ thể.


Có thể thấy, quy định này nhằm tăng quyền lợi và giảm phiền hà cho người dân, cũng như thu hút nhiều người tham gia BHYT tăng cường KCB tại y tế cơ sở. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống KCB, trong đó có y tế cơ sở. Cùng với đó, cần nghiên cứu, quy định các giải pháp để tiết kiệm, tránh lãng phí khi thông tuyến.


Đóng góp thêm cho dự án luật, tôi đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 12 Luật BHYT vào khoản 3, Điều 12 Luật BHYT.


Bổ sung nhóm đối tượng là nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh quy định tại Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và thời gian hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 


Đại biểu Nguyễn Thanh Phong: đề nghị tăng mức hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế lên 50% 

 

Chính sách BHYT có vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội. Tôi nhất trí cao với sự cần thiết việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi có một số ý kiến như sau: 
Tại Điều 12 đối với quy định về đối tượng tham gia BHYT, đề nghị cần xem xét đánh giá kỹ, bảo đảm các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này. 


Tại Điều 13, đề nghị tăng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT từ 30% lên 50%. Hiện nay tỷ lệ HSSV tham gia vẫn chưa đạt 100%, bên cạnh đó từ ngày 1/7/2024, mức đóng BHYT của đối tượng này đã tăng theo việc tăng mức lương cơ sở. Các yếu tố này sẽ tiếp tục tác động gây khó khăn cho việc đạt tỷ lệ bao phủ trong HSSV. Cần tăng mức hỗ trợ để tạo điều kiện cho HSSV tham gia BHYT, hướng đến mục tiêu chung là bao phủ BHYT toàn dân. 


Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở KCB trong Điều 43 về trách nhiệm của cơ sở KCB; bổ sung các hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở đối với các doanh nghiệp chậm đóng BHYT cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính vào khoản 3, Điều 49.


Đại biểu Trịnh Minh Bình: đề nghị bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế 

 

Qua nghiên cứu dự án luật, tôi đề nghị bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng BHYT. 


Theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được Nhà nước quan tâm đến các chính sách xã hội. Theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo.


Tuy nhiên, đối với nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 mà không hưởng trợ cấp hàng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm trong diện an sinh. Vì vậy, tôi đề xuất đối tượng trên được ngân sách nhà nước đóng BHYT để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật.


Về thu BHYT HSSV, tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm cho cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thu tiền đóng của HSSV cùng với việc quản lý và lập danh sách tham gia BHYT theo nhà trường.


B.THANH- Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh