Những văn kiện đặc biệt cách đây 55 năm không chỉ thể hiện nỗi buồn vô hạn, lòng tưởng nhớ, biết ơn mà còn khẳng định quyết tâm biến đau thương thành hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thời điểm diễn ra Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách đây tròn 55 năm, một trái tim vĩ đại đã ngừng đập, Bác Hồ kính yêu đã đi xa mãi mãi. Sau đó, Hội nghị liên tịch đặc biệt giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã quyết định để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 ngày (từ ngày 4/9/1969 đến 10/9/1969) và tổ chức Quốc tang với nghi thức trọng thể nhất.
Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu ngày 6/9/1969 và kéo dài đến hết ngày 8/9/1969. Sáng ngày 9/9/1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc Điếu văn, sau đó, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố.
Nỗi đau buồn kìm nén ở Quảng trường Ba Đình vỡ òa khi 21 loạt đại bác vang lên và đội hình 12 chiếc máy bay thuộc Trung đoàn Sao đỏ bay qua, nghiêng cánh chào vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là những hình ảnh còn lưu giữ lại được đến ngày nay qua những thước phim tư liệu về Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình. (Ảnh: Tư liệu) |
Nỗi đau vô hạn ở cả hai miền
Trong bối cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt và điều kiện kỹ thuật thời điểm cách đây 55 năm, nhiều cuốn sách về tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản để cùng với làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các trang báo in phản ánh nỗi lòng tiếc thương Người trên cả nước, cũng như quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Cuốn “Những văn kiện đặc biệt về lễ tang Hồ Chủ tịch” do các ty, sở thông tin tỉnh, thành phố miền Bắc phát hành đã chuyển tới đồng bào cả nước:
-Khẩu hiệu về lễ tang Hồ Chủ tịch
-Hội nghị liên tịch đặc biệt giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
-Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.
-Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các cán bộ Đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài.
-Tiểu sử tóm tắt Chủ tịch Hồ Chí Minh
-Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch
-Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong đó, Thông cáo và Điếu văn là những văn kiện có tính chất vô cùng đặc biệt trong dòng chảy lịch sử, phải đáp ứng những yêu cầu của thời cuộc về sự nghiêm trang, xúc động, nhưng không thể sa vào lối bi ai thông thường, thành quá đau thương, thành uỷ mị, bi quan.
"Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau.
Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!" - Trích Điếu văn do Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ Truy điệu Bác Hồ
Đại biểu các đoàn miền Nam túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày diễn ra lễ tang. (Ảnh: TTXVN) |
Tình cảm của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam được ghi lại trong cuốn “Hồ Chủ tịch kính mến sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam Việt Nam” gồm các văn kiện của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh:
-Điện của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh
-Hiệu triệu của Uỷ ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toan miền Nam Việt Nam.
-Thông cáo về việc tổ chức lễ tang Hồ Chủ tịch
-Mệnh lệnh ngừng tiến công quân sự của bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam
-Hồ Chủ tịch kính mến sống mãi trong lòng nhân dân miền Nam Việt Nam (xã luận thông tấn xã Giải phóng)
-Danh sách Đoàn Đại biểu miền Nam Việt Nam dự lễ trang Hồ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội
Hội nghị liên tịch giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ quyết định để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn miền Nam từ ngày 5/9/1969 đến 11/9/1969.
Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam ra lệnh ngừng tiến công quân sự từ ngày 8/9/1969 đến 11/9/1969 để bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, an ninh vũ trang cùng toàn dân tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mệnh lệnh này cũng cho phép binh sĩ, cảnh sát, nhân viên ngụy quyền, binh sĩ Mỹ và đồng minh có thể ra vùng giải phóng tham dự lễ tang Hồ Chủ tịch trong những ngày nói trên với điều kiện đi lẻ tẻ, không thành đội ngũ, không mang theo vũ khí và những phương tiện do thám.
"Binh sĩ, cảnh sát, nhân viên ngụy quyền có thể ra vùng giải phóng tham dự lễ tang Hồ Chủ tịch trong những ngày nói trên với điều kiện đi lẻ tẻ, không thành đội ngũ, không mang theo vũ khí và những phương tiện do thám, sẽ được các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam giúp đỡ và tạo mọi điều kiện dễ dàng. Binh sĩ Mỹ và chư hầu cũng được tự do đi lại theo các điều kiện đã quy định trên đây" - Trích Mệnh lệnh ngừng tiến công quân sự của bộ chỉ huy các lực lượng võ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Những cuốn sách tư liệu về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện Quốc gia Việt Nam |
Biến đau thương thành hành động
Diễn văn của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (sau này là Tổng Bí thư) Trường Chinh đọc trong buổi họp của Quốc hội truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 55 năm khẳng định: “Kẻ thù của chúng ta tưởng rằng sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, chúng ta sẽ hoang mang, chia rẽ hoặc đi chệch đường lối cách mạng của Người. Nhưng chúng lầm to! Tuân theo Lời di chúc của Người, trung thành với những lời dạy bảo của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta càng tăng cường đoàn kết, phát huy tinh thần tập thể và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, hăng hái vươn lên hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Chúng ta quyết thực hiện Lời di chúc của Hồ Chủ tịch và những lời thề mà đồng chí Lê Duẩn, thay mặt toàn Đảng, toàn dân, đã trịnh trọng nói lên ở Quảng trường Ba Đình trong buổi lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969”.
Sau khi Bác Hồ đi xa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tiến hành nhiều đợt thi đua thiết thực để tiếp tục công cuộc thống nhất và xây dựng đất nước. Việc xuất bản các tác phẩm viết về Lễ tang và bày tỏ tình cảm với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được gắn với công tác thi đua.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc Điếu văn tại Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Bìa sau cuốn “Bác Hồ sống mãi: Tập văn thơ nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!” ghi rõ: “Ty văn hóa Tuyên Quang xuất bản in 5000 cuốn tại Nhà máy in Sao vàng, xong tháng 10-1969 trong đợt thi đua Hành động nhớ ơn Hồ Chủ tịch”.
Tập thơ văn này cũng ghi lại những ngày tháng đau buồn ở quê hương cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang):
“Cả xã Tân Trào chịu tang Hồ Chủ tịch. Sáng 4/9, các gia đình đều sắp xếp lại nhà cửa, quét sàn, dọn bàn thờ, viền vải đen lên ảnh Bác và thắp hương đốt đèn lên bàn thờ tổ tiên, tỏ lòng tưởng nhớ và thương tiếc Hồ Chủ tịch”.
“Trong thời gian lễ tang Bác, anh em chiếu bóng đã chiếu cuốn 1 của bộ phim Lễ viếng Bác từ Hà Nội gửi lên. Anh công nhân lắp phim vào máy mà tay bỗng run run. Đời anh chưa bao giờ chiếu một cuốn phim mà cả người chiếu lẫn người xem đều sụt sùi nức nở”.
55 năm trôi qua, công chúng có thể trực tiếp chạm tay vào trang sách, đọc và cảm nhận niềm tiếc thương Bác Hồ của nhân dân Tân Trào. Đó quả là ý nghĩa thiết thực và vượt thời gian của đợt thi đua “Hành động nhớ ơn Hồ Chủ tịch”.
Nhìn lại 55 năm đã qua, dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 và quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo Hoàng Long/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin