(VLO) Ngày 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (ảnh).
Đại biểu thống nhất với sự cần thiết và các nội dung sửa đổi của các dự thảo luật. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa, đại biểu có ý kiến việc khai thác, phát huy di sản văn hóa chưa được quy định trong luật, do đó cần giao cho cấp tỉnh quy định để đầu tư, khai thác phù hợp; không nên ghi danh di sản phi vật thể cấp tỉnh, tránh tạo sự so bì không cần thiết; cân nhắc, bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.
Với Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu cho rằng từ ngữ thể hiện chưa rõ về quy định độ tuổi giữa trẻ em và người chưa thành niên; áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng khi đi vào thực thi phải đảm bảo có hiệu quả, tránh gây khó cho cơ sở; cần bổ sung thêm điều kiện để được áp dụng biện pháp chuyển hướng và các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; biện pháp giám sát điện tử cần nghiên cứu để có quy định cụ thể về hình thức quản lý cho hiệu quả; không nên quy định cứng việc bắt buộc phải tách riêng vụ án để xét xử đối với người chưa thành niên…
Tin, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin