Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người tâm huyết với văn hóa, văn học nghệ thuật

06:07, 27/07/2024

Cách đây hơn 2 năm, vào ngày 24/11/2021 đã diễn ra sự kiện chính trị vô cùng quan trọng: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được ví như là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng.

(VLO) Cách đây hơn 2 năm, vào ngày 24/11/2021 đã diễn ra sự kiện chính trị vô cùng quan trọng: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây được ví như là Hội nghị Diên Hồng về văn hóa của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Những chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng của Tổng Bí thư tại hội nghị thể hiện sự quan tâm của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đối với sự nghiệp văn hóa, khi ông nhắc đến vai trò, nhiệm vụ lớn lao của văn hóa mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa dân tộc

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc trong tình hình hiện nay, Tổng Bí thư nêu rõ: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tổng Bí thư cũng đã nhắc lại các nghị quyết về văn hóa của Đảng như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33 của Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đây là những chủ trương, đường lối nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Sau khi phân tích, đánh giá những thành quả của nền văn hóa Việt Nam thời gian qua, cũng như những mặt hạn chế cần khắc phục, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Kết thúc bài phát biểu Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “… Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Và chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể nói rằng hội nghị của chúng ta hôm nay có ý nghĩa thiết thực và thành công tốt đẹp về thực chất…”

Quan tâm xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh

Là người luôn quan tâm đến sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà và mong muốn xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trao đổi, chỉ đạo với các đồng chí lãnh đạo phụ trách văn học nghệ thuật và gặp mặt động viên văn nghệ sĩ.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948-25/7/2023) được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư khẳng định về những đóng góp quan trọng và sự lớn mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ trong các giai đoạn lịch sử của đất nước: “…Trải qua những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong tiến trình đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt.

Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cho đến nay, đội ngũ văn nghệ sĩ của nước nhà đã có tới hơn 4 vạn người, bao gồm 5 thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước; hoạt động trong các chuyên ngành: văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số; sinh hoạt trong 10 hội chuyên ngành Trung ương và 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các đại biểu và văn nghệ sĩ tiêu biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: TL
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các đại biểu và văn nghệ sĩ tiêu biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: TL

Đó là một đội ngũ hùng hậu, gắn bó máu thịt với Tổ quốc, với Nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc, khao khát vươn lên để cống hiến có hiệu quả. Đó cũng là đội quân nòng cốt để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới…”

Về mặt hạn chế, yếu kém Tổng Bí thư đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đặc biệt là tình trạng vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan.

Cá biệt có hiện tượng “bôi đen” giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái “tôi” để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật…

Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.

Tổng Bí thư yêu cầu: “… Các bác, các anh, các chị, các đồng chí cùng nhau “tự soi, tự sửa” nhằm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật cũng như trong việc tổ chức và hoạt động của các hội và liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trong cả nước… Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng và đòi hỏi đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao hơn nữa về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”.

“Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai!”

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Tổng Bí thư cũng đặt ra trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật hiện nay:

“… Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, trên thương trường và mặt trận an ninh, quốc phòng, đối ngoại; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, văn minh, thanh lịch, chan chứa tình người”.

Trong những ngày đất nước đau thương, chúng ta vừa mất đi một nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người đã dành cả cuộc đời vì nước, vì dân, luôn quan tâm đến sự nghiệp đổi mới, chấn hưng nền văn hóa dân tộc và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh.

Đội ngũ văn nghệ sĩ xin kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư, xin hứa sẽ tiếp tục thực hiện trọn vẹn những chỉ đạo, mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Chúng ta tin tưởng rằng những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long sẽ được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa với những tác phẩm xứng tầm với vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng vẻ vang. Đội ngũ văn nghệ sĩ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm công dân trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, góp phần vào nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh