Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế.
(VLO) Trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tham dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 22/4/2022. Ảnh: TTXVN |
Tại các hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những định hướng, và giao nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cho Chính phủ, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư đối với công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Điển hình như tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW “Về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Bộ Chính trị tổ chức ngày 22/4/2022, cùng với chỉ đạo đầy tâm huyết và trách nhiệm, Tổng Bí thư tin tưởng, đặt kỳ vọng ĐBSCL- vùng đất chín rồng: Vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.
Để ĐBSCL vươn lên mạnh mẽ
Trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, trên cơ sở phân tích những đặc điểm, lợi thế của vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Đây là vùng cực Nam- Thành đồng của Tổ quốc, là cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Nghị quyết số 13/NQ-TW có nhiều ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Để thực hiện có kết quả Nghị quyết số 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý một số vấn đề cần chú trọng triển khai thực hiện.
Đó là, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, toàn vùng, từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.
Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng, tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức bộ máy về nguồn lực và cơ chế triển khai, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác của các nước tiểu vùng sông Mekong, nhất là trong khai thác sử dụng nguồn nước Mekong.
Cùng với đó, phải khơi dậy, phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tính chủ động, sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong vùng quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa.
Trên cơ sở đổi mới tư duy và nhận thức cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, tăng cường nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng có hiệu lực, hiệu quả quản lý các cấp chính quyền.
Cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết này gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ cấp tỉnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào Đồng Khởi, khí phách anh hùng thành đồng Tổ quốc, phẩm chất cao quý tốt đẹp của người dân miền Tây để cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước nhất là TP Hồ Chí Minh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đổi mới nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13, tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh theo tinh thần “Cả nước vì vùng ĐBSCL và ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã xác định rất rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch…
Đến năm 2045, vùng ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước…
Những năm gần đây, kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đạt nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. |
Quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” trước mọi khó khăn, thách thức, các địa phương vùng ĐBSCL đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư là kim chỉ nam quan trọng định hướng, soi đường cho các cấp Đảng, chính quyền và Nhân dân ĐBSCL tiến bước, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội.
Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL lần thứ tư diễn ra đầu tháng 7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL khẳng định: Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng, tình hình kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL có nhiều kết quả khả quan. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội chuyển biến rõ nét, tích cực.
Theo Bộ KH-ĐT, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ĐBSCL đạt 6,37%, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế. Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện. Toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất. 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GRDP toàn vùng ước đạt 6,12%.
Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng như tuyến cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2... Nhiều công trình, dự án giao thông, thủy lợi, năng lượng, du lịch đang được thực hiện hoặc nghiên cứu, hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đầu tư.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về phát triển vùng, nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố, quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, các tỉnh, thành phố đang tăng tốc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Từ các định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, UBND tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng quy hoạch tỉnh theo đúng quy định. Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh long trọng tổ chức công bố vào ngày 23/3/2024. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Vĩnh Long thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội, hướng đến mục tiêu Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được một trục động lực, hai hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng- an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.. |
Bài, ảnh: LÝ AN