Luật Đất đai sớm có hiệu lực: Không để tình trạng "chờ" nghị định, thông tư

06:07, 02/07/2024

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội quyết nghị có hiệu lực sớm, từ 1/8/2024. Vấn đề cần sát sao hiện nay là không để vướng mắc do thiếu hay chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

 

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật tại Kỳ họp thứ 7, cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua luật tại Kỳ họp thứ 7, cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội quyết nghị có hiệu lực sớm, từ 1/8/2024. Vấn đề cần sát sao hiện nay là không để vướng mắc do thiếu hay chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Nhiều quy định tiến bộ sớm vào cuộc sống

Như Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, các luật trên đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây. Đồng thời, các luật này có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Chính vì vậy, việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Ngay trên nghị trường, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh đã nhấn mạnh, rất nhiều chính sách của 3 luật sẽ khơi thông nguồn lực của đất nước và thu hút nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai, trong đó giải quyết được nhiều tồn đọng, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Chứng minh cho nhận định trên, ông Đặng Quốc Khánh nêu ví dụ về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn thực hiện phải làm sớm việc đo vẽ, rà soát đất đai nông, lâm trường, rà soát đất đai của các địa phương, từ quỹ đất đó mới có được chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, luật có hiệu lực sớm có nghĩa công việc tiến hành sớm và giải quyết được sớm hơn.

Hay Luật Đất đai năm 2024 đã có quy định những hộ gia đình có đất ở ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Những việc đó là thiết thực và làm được ngay”- ông Đặng Quốc Khánh khẳng định.

Đại biểu Dương Khắc Mai- Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cũng dẫn chứng, Luật Đất đai quy định cụ thể về các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, các trường hợp giao đất cho thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp giao đất cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất,...

Quy định như vậy sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao cho thuê đất. Do đó, các quy định trên có hiệu lực thì địa phương sẽ có căn cứ để triển khai thực hiện mà không nhất thiết chờ đến ngày ngày 1/1/2025, đặc biệt là đối với các dự án mới có sử dụng đất.

Hay Luật Đất đai phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh… Các quy định này có hiệu lực sớm hơn thì rút ngắn thời gian chuẩn bị các dự án.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá, thị trường bất động sản cũng đang kỳ vọng sự “phá băng” khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực.

Không để xảy ra tình trạng “chờ” văn bản hướng dẫn

Điều mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn là việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật, nhất là thời gian để các cơ quan tập trung xây dựng các nghị định, thông tư, để từ đó các địa phương xây dựng các văn bản hướng dẫn của địa phương.

Giải trình vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, từ khi các luật được thông qua cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, nỗ lực triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong Báo cáo số 346/BC-CP ngày 28/6/2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án hoàn thiện dự thảo luật, Chính phủ cho rằng phương án đề xuất là để bảo đảm không có vướng mắc trong áp dụng pháp luật, đồng thời không gây ra cách hiểu khác nhau.

Chính phủ cũng khẳng định tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc, không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm. Đồng thời, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi triển khai thi hành luật. Nội dung cam kết của Chính phủ cũng đã được thể hiện trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật.

Một điểm quan trọng nữa là khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của bộ, ngành. Chính vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung các luật.

Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật. Chính phủ khẳng định vẫn còn thời gian để các địa phương hoàn thiện, ban hành theo thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư “chờ” nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các luật từ ngày 1/8/2024.

PV (theo VOV.VN)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh