Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa (ảnh).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc cho ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa (ảnh).
Theo Văn phòng Chính phủ, dự thảo nghị định gồm 4 chương, 18 điều quy định quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, các địa phương được xác định là vùng trọng điểm về lúa, gạo còn khó khăn về phát triển kinh tế- xã hội. Kinh tế nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thị trường và chưa thực sự đem lại hiệu quả, lợi ích nhanh như những ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Luật Đất đai và nghị định về đất lúa phải có cơ chế, chính sách để các địa phương là vùng trọng điểm về lúa, gạo có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế- xã hội. Người nông dân được hỗ trợ tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, hướng đến sản xuất lớn, bảo đảm thu nhập, đời sống ổn định.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “bám sát luật và thực tiễn để thể chế hóa đưa các chính sách về đất lúa trong Luật Đất đai đi vào cuộc sống, triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước”. Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nông nghiệp-PTNT chỉnh sửa, bổ sung tiêu chí khoa học mang tính định lượng làm căn cứ cho địa phương xác định vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao trong tổng chỉ tiêu đất trồng lúa, đất chuyên canh lúa đã được Bộ TN-MT phân bổ.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Bộ TN-MT để xác định những vùng trồng lúa lớn như ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung, sau đó khoanh vùng những khu vực đất lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Từ đó đưa ra các quy định, chính sách quản lý phù hợp với thực tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT làm rõ trình tự, thủ tục, cơ sở khoa học để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa đối với cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thống kê khung chính sách hỗ trợ phát triển cho vùng đất trồng lúa nói chung, vùng chuyên canh lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, với các lớp chính sách, cơ chế: Đầu tư công, chi thường xuyên, xã hội hóa.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những chính sách đã có và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Nghị định cần đưa vào các quy định, cơ chế mới, giúp tổ chức, doanh nghiệp, người trồng lúa ứng phó với rủi ro về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, thiết bị nông nghiệp; tiếp cận thị trường… Mục tiêu là bảo đảm thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người trồng lúa trong mọi tình huống. Các chính sách hỗ trợ hạ tầng, khoa học công nghệ, thương mại, dịch vụ, xây dựng công trình phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu… cần ưu tiên cho các vùng sản xuất quy mô lớn đối với doanh nghiệp, HTX, mô hình liên kết giữa các hộ dân. “Nghị định thể chế hóa chính sách hỗ trợ, ban hành tiêu chí và phân cấp cho địa phương thực hiện, bảo đảm khả thi, thống nhất, có quy định giám sát, thanh tra, kiểm tra”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.
PV (theo Báo Lao Động)