Đơn vị không có vốn nhà nước không phải là đơn vị được kiểm toán

09:06, 06/06/2024

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình, tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn 2 vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán và công thương.

 

 

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình, tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn 2 vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán và công thương.

* Đối với lĩnh vực công thương, đại biểu Trịnh Minh Bình chất vấn: Vừa qua tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó rồi cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Tổng Kiểm toán lý giải vấn đề này như thế nào và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Về việc sai sót trong lựa chọn thầu, mặc dù kiểm toán đã kiểm toán nhưng khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì vẫn xảy ra sai sót. Như tôi đã báo cáo, Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận kết luận, kiến nghị tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Như vậy, đối tượng kiểm toán ở đây là việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công theo quy định.

Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan. Tổng Kiểm toán cho rằng, đối với những đơn vị có sai sót trong thời gian qua là doanh nghiệp không có vốn nhà nước thành ra không phải là đơn vị được kiểm toán. Còn xét về giác độ đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công với tư cách là nhà thầu hoạt động của kiểm toán nhà nước chúng tôi kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, trong quá trình kiểm toán ở đây thì chúng tôi thực hiện cả 3 nội dung kiểm toán nhà nước.

Thứ nhất là đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính.

Thứ hai là đánh giá, xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong thực hiện, trong đấu thầu, trong đầu tư xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công. Vì trong việc kiểm toán chấp hành pháp lệnh về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là ban quản lý dự án và chủ đầu tư cung cấp thì Kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho việc kết luận của mình về tính trung thực, tính đúng đắn của báo cáo tài chính. Chính vì thế trong quá trình chúng tôi thực hiện kiểm toán độc lập thì sẽ xét toàn bộ quá trình.

Riêng về lựa chọn nhà thầu thì xem thứ nhất là việc chấp hành gói thầu có đúng không, thứ hai là hồ sơ thầu, thứ ba là chấm thầu, thứ tư là ký kết hợp đồng với nhà thầu. Vì trong quá trình kiểm toán thì chúng tôi đã chỉ ra được những sai sót và có kiến nghị xử lý, từ xử lý tài chính đến hoàn thiện văn bản và đặc biệt xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

* Đối với lĩnh vực công thương, đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình chất vấn: Xin Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có giải pháp gì nếu người đứng đầu, lãnh đạo quản lý công chức trực tiếp quản lý trên địa bàn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại gây bức xúc trong nhân dân?   

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là trong môi trường thương mại điện tử hay trong nền kinh tế thị trường chủ yếu người ta làm vì lợi nhuận.

Bây giờ trách nhiệm thì phải được quy trách nhiệm cho từng cơ quan chức năng và từng tổ chức có chức năng. Nếu quy định trách nhiệm người đứng đầu, chúng ta hiểu người đứng đầu ở đây là đứng đầu địa phương hay đứng đầu ngành, hay đứng đầu cơ quan. Nếu như chúng ta quy trách nhiệm người đứng đầu của những ngành, những địa phương, đơn vị có liên quan đến việc này thì tôi nghĩ là một yêu cầu cần thiết, nhưng nếu dồn trách nhiệm cho một người là một câu chuyện chúng ta phải tính. Bởi lẽ còn tùy thuộc vào sự vào cuộc của rất nhiều các cơ quan, các tổ chức thì mới có thể áp dụng những biện pháp hoặc những chế tài theo quy định của pháp luật mà xử lý. Bây giờ nếu dồn trách nhiệm như thế thì tôi nghĩ chưa thật đầy đủ.  

Trong tương lai, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu để có những quy định như thế, còn trong thực tế thì có rất nhiều vấn nếu chúng ta quy trách nhiệm cho người đứng đầu thì phải là những vấn đề người đứng đầu có thể kiểm soát được.   

Còn tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng này mà quy cho một người đứng đầu, một khái niệm đứng đầu rất chung chung thì rất khó. Còn nếu quy trách nhiệm người đứng đầu ở một đơn vị chức năng cụ thể, ở một công việc cụ thể thì tôi nghĩ có thể được nhưng rất cần có thời gian để nghiên cứu. Bởi vì chúng ta ngồi đây có rất nhiều người đang là người đứng đầu, nếu chúng ta quy định như thế thì chắc chắn không dễ gì thực hiện, đã quy định là phải thực hiện mà thực hiện không được thì quy định đấy không có hiệu quả.  

B.THANH-ĐTHI (ghi) 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh