Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về Chương trình này.
(VLO) Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về Chương trình này.
Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì phải giáo dục từ bậc học mầm non |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 rất cần thiết.
Thứ nhất là, Việt Nam có nền tảng về văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, được hình thành, tiếp nối gìn giữ trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước; kết tinh nhiều giá trị và những phẩm chất đáng quý của cả dân tộc; có hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng, có tiềm năng để nâng vị thế của văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vốn có là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.
Thứ hai là, trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh, khó lường; tiến trình hội nhập quốc tế tác động nhiều đến nền văn hóa Việt Nam; các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp, bản sắc văn hóa dân tộc có nguy cơ bị phai nhạt.
Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, các ngành công nghiệp giải trí, vừa tạo ra cơ hội giao lưu văn hóa đồng thời cũng là nguy cơ dễ bị chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Vì vậy phát triển văn hóa là rất cấp bách, cần thiết; phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
Thứ ba là, Chính phủ rất quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa với nhiều chương trình, dự án. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng tốt mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Đầu tư cho việc bảo tồn các di tích chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển.
Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp; chưa thực sự phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân.
Chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa chưa cao; chưa tạo được sức lan tỏa mang tầm quốc gia và khu vực. Vì vậy, khi chương trình được triển khai hiệu quả sẽ tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ và và toàn diện trong phát triển văn hóa.
Chương trình có tổng mức đầu tư lớn, diễn ra trong 11 năm với phạm vi tác động lớn; nhiều nội dung thành phần, rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và hoạt động chi tiết; đối tượng thụ hưởng rộng.
Vì vậy, để Chương trình đi vào thực tiễn, tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng các mục tiêu đề ra là thách thức lớn. Ở góc độ địa phương, tôi xin trân trọng đề nghị:
Thứ nhất là, thực tế cho thấy, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án thì việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn thường mất nhiều thời gian, nên khi triển khai đến địa phương, cơ sở thường chậm so với kế hoạch; đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chưa có đủ thời gian cho việc trang bị kiến thức, kỹ năng; một số dự án, chương trình khi đến được đối tượng thụ hưởng thì gần hết thời gian thực hiện; làm giảm đi hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện cũng thường phát sinh các vấn đề chồng chéo nhất là ở địa phương, cơ sở nhưng chậm được xử lý.
Do đó, theo tôi thì trước tiên cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu… để khi chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở thể triển khai thực hiện sớm nhất.
Thứ hai là, việc triển khai Chương trình này phụ thuộc nhiều vào năng lực cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương, cơ sở. Hiện tại, năng lực đổi mới sáng tạo, trong lĩnh vực văn hóa của một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường; khả năng thích ứng với những thay đổi của công nghệ thông tin và sự giao thoa, du nhập văn hóa còn khó khăn.
Trong khi đó, chương trình này có rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đòi hỏi đội ngũ thực hiện phải có kiến thức, kỹ năng và sự chuyên nghiệp. Vì vậy, việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, bố trí nhân lực đáp ứng được những nhiệm vụ này là rất quan trọng, cấp bách; quyết định sự thành công của chương trình. Do đó, tôi đề nghị cần ưu tiên xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần triển khai sớm.
Thứ ba là, văn hóa là lĩnh vực rất rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, biến thành sức mạnh nội sinh thì nhận thức và sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng.
Do đó, tôi đề nghị xác định và giao nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, phù hợp với văn hóa vùng miền và từng địa phương; tránh dàn trải. Cần có sự thống nhất cao và phối hợp tham gia đồng bộ từ các cấp, các ngành trong đó giao rõ trách nhiệm cho từng địa phương.
Thứ tư là, tôi thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục tại lục lục, trang 5. Trong các nội dung thành phần, một số chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực giáo dục chưa tương xứng.
Tại nội dung thành phần thứ nhất “Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp” có 2 chỉ tiêu gồm: “85% các cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đủ năng lực tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên”; và “100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc”. Khi triển khai thực hiện sẽ rất khó để đánh giá 2 chỉ tiêu này vì còn khá chung chung, chưa sát nội hàm của nội dung thành phần.
Theo tôi, đây là nội dung thành phần quan trọng, cụ thể hóa mục tiêu tổng quát của chương trình là hoàn thiện chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.
Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì ngành Giáo dục cùng với gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, sự thích ứng và văn hóa ứng xử cho người học từ gốc- tức là bậc học mầm non.
Do đó, nên xác định chỉ tiêu đánh giá từ phía người học, lấy kết quả việc giáo dục nhân cách, lối sống đẹp của người học để làm thước đo thay vì đánh giá năng lực tổ chức và công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức. Theo đó, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ gắn với nhiệm vụ liên tục và lâu dài của ngành Giáo dục.
B.THANH (ghi)