Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón, sẽ khiến người nông dân phải gồng mình chịu.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nếu đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với phân bón, sẽ khiến người nông dân phải gồng mình chịu.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) - Ảnh: QUOCHOI.VN |
Chiều 24/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận việc dự luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), với thuế suất 5%, thay vì không phải chịu thuế như quy định hiện hành.
Đa số đại biểu không đồng tình với việc đánh thuế VAT đối với mặt hàng phân bón. Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) chia sẻ bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép.
Nếu đánh thuế VAT 5% đối với phân bón sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.
Cũng theo đại biểu, qua các kỳ tiếp xúc, cử tri là nông dân bày tỏ tâm tư chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần.
Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam. Do đó đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét quy định theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%.
"Nếu luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón, nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỉ đồng. Còn nếu áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỉ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào", bà Vang phân tích.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) - Ảnh: QUOCHOI.VN |
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nhận định hiện nay bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và hiện tại Quốc hội, Chính phủ đang vẫn còn phải tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế VAT.
Nếu đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5%, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân và tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Ông Tuấn đề nghị cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế.
Trong đó đánh giá tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp và cả tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào.
Duy nhất một ý kiến người ủng hộ việc đánh thuế này là đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau). Bấm nút tranh luận, ông Thanh cho rằng việc đưa mặt hàng phân bón trở thành đối tượng chịu thuế là hoàn toàn phù hợp.
Việc này nhằm giúp cho doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, qua đó giúp cho doanh nghiệp giảm giá bán cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước.
Ông Thanh cũng cho hay hầu hết các nước trên thế giới đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc, Thái Lan...
Đưa phân bón và một số mặt hàng chịu thuế 5% gây áp lực lạm phát
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng hiện nay chúng ta đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tức thực hiện chính sách tài khóa mở rộng theo hướng tiếp tục giảm thuế (giảm thuế 2% cho đến cuối năm 2024).
Cùng với đó tiếp tục sẽ có những biện pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất đến cuối năm 2025, tốc độ tăng trưởng mới đảm bảo duy trì tốt.
Theo ông Tuấn, nếu sửa đổi luật đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này sẽ giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
"Thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý, có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, nhưng sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra không bị áp lực tăng giá mà vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn", ông Tuấn đề nghị.
Theo TIẾN LONG/Báo điện tử Tuổi trẻ