Thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

06:05, 27/05/2024

Trong phiên thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đơn vị tỉnh Vĩnh Long thống nhất chủ trương điều chỉnh này để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đề ra.

(VLO) Trong phiên thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2030, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, đơn vị tỉnh Vĩnh Long thống nhất chủ trương điều chỉnh này để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đề ra.

Theo đại biểu, cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc thực hiện chương trình, có ý nghĩa rất lớn với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS-MN; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước…

Qua nhiều năm triển khai thực hiện, mặc dù đã có nhiều khởi sắc, song nhìn chung tình hình KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm.  

Điều này thể hiện rõ trong báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về các CTMTQG đã có tác động tích cực, thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, giải ngân các chương trình.

Theo báo cáo của Chính phủ, chương trình có 7 nhóm mục tiêu có thể rà soát được kết quả bước đầu thông qua 24 chỉ tiêu, có 4 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành (gồm 3 nhóm mục tiêu hoàn thành; 1 nhóm mục tiêu có 4/5 chỉ tiêu đã hoàn thành); 3 nhóm mục tiêu chưa hoàn thành (trong đó có có 9 chỉ tiêu dự báo sẽ sớm hoàn thành), giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của chương trình này đạt 77%, vốn sự nghiệp đạt 28% so với kế hoạch.

Theo đó, thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình liên quan đến điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối tượng tham gia thực hiện chương trình tại các dự án dự án 4, dự án 5, dự án 6, dự án 7 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đề ra.

Về nguồn vốn là “Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.

Điều này bảo đảm tính rõ ràng, đầy đủ về nguồn vốn thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên thực tiễn.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành:  

Một là, tổ chức điều tra, khảo sát nắm tình hình về KT-XH và an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào DTTS-MN, nhất là địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng cao, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, chính sách cho giai đoạn 2026-2030.

Cần đặc biệt quan tâm việc rà soát, xác định rõ ràng, chính xác các đối tượng chính sách, nhu cầu thực tế và khả năng hấp thụ chính sách của đồng bào các DTTS theo điều kiện sinh sống, tập quán truyền thống từng dân tộc, từng vùng, miền.

Trong đó lưu ý, rà soát CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030 đang có sự chồng chéo về nội dung, đối tượng với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...

Hai là, tiếp tục quan tâm đầu tư các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn (bản) vùng đồng bào DTTS-MN theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn vùng khó khăn.

Thống nhất với quan điểm Hội đồng dân tộc, Tờ trình của Chính phủ không có danh mục cụ thể, nhưng quan điểm của Hội đồng Dân tộc cho rằng, không chỉ đầu tư các công trình, di tích quốc gia tiêu biểu mà còn cả việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể (nhà cửa, lễ hội, ẩm thực...) gắn với phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối với các địa phương đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, không nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nhưng các công trình văn hóa, tâm linh gắn với đời sống của đồng bào, Chính phủ vẫn cần bố trí nguồn lực để tiếp tục đầu tư.

Đặc biệt là các ngành nghề truyền thống, bởi đây là nơi thể hiện rõ nét bản sắc địa phương, cộng đồng; không chỉ phản ánh sự đa dạng văn hoá và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng tồn tại lâu dài và đây là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất và cốt cách, nguồn động lực về tinh thần của Nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử từ thời khai hoang mỡ cõi đến quá trình đấu tranh, hình thành và phát triển.  

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS-MN; vị trí, vai trò chiến lược, tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, vùng dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Bởi hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, tuyên truyền đạo trái pháp luật; sử dụng mạng xã hội lan truyền thông tin tạo ra dư luận bất đồng trong người dân nhằm tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép các chất ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại khu vực biên giới… vẫn còn nhiều tiềm ẩn và phức tạp nên không thể chủ quan, lơ là.   

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh