Sớm khắc phục những hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

09:05, 29/05/2024

Ngày 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, trong phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Trịnh Minh Bình, đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.      

(VLO) Ngày 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, trong phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Trịnh Minh Bình, đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.      

Theo đại biểu Trịnh Minh Bình, trong năm 2023 dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và kinh tế - xã hội  phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong công tác THTK, CLP, vì vậy trong năm 2023 công tác THTK, CLP đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác THTK, CLP nhận thấy còn nhiều hạn chế mà chúng ta phải nhìn nhận một cách thấu đáo, đề ra giải pháp sát thực, cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

Theo đó, công tác xây dựng, ban hành Chương trình THTK, CLP trong năm chưa bảo đảm thời hạn theo quy định.

Vẫn còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dưng pháp luật của Quốc hội theo Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng; một số dự án luật, pháp lệnh chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; còn có một số văn bản có dấu hiệu trái quy định của pháp luật và 7 văn bản chưa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Song song đó, tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm.

Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu thực tế.

Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra; đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra… còn 404/908 dự án, công trình chưa được xử lý.

Chất lượng cải cách thủ tục hành chính, chất lượng xây dựng và thực thi pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế cao, có xu hướng tăng so với năm 2022.

Việc phân bổ ngân sách năm 2023 còn chậm gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt là việc chậm phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm trong nhiều năm qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có nhiều Bộ, ngành Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Còn tình trạng phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công chưa bảo đảm Luật Đầu tư công. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dẫn đến dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch.

Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, văn bản hướng dẫn chậm được sửa đổi, bổ sung; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương của các chương trình thấp, nhất là giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương. Một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất…

Trên cơ sở các hạn chế nêu trên, thống nhất cao với 9 nhóm giải pháp của Ủy ban Tài chính ngân sách kiến nghị đối với Chính phủ cũng như những giải pháp của Chính phủ, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác THTK, CLP được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không là cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.  

B.THANH-Đ.THI (ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh