Sáp nhập xã, huyện: Tránh yếu tố dòng họ, bè phái trong lựa chọn cán bộ

02:05, 03/05/2024

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong sáp nhập xã, huyện, việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.

Thời điểm này, 56 tỉnh thành phố trên cả nước đang khẩn trương quyết liệt triển khai Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa XII và Kết luận 48 của Bộ Chính trị khóa XIII về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Đây là cuộc sáp nhập quy mô lớn nhất từ sau đổi mới, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV về nội dung này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội

PV: Trong năm nay, Trung ương đặt mục tiêu 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1243 đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc sẽ được sắp xếp. Sau khi sắp xếp cả nước sẽ giảm 14 huyện và 619 xã. Ông có kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới tại các địa phương sau sáp nhập?

Ông Hoàng Văn Cường: Khi nói đến việc sáp nhập hay sắp xếp lại bộ máy tổ chức thì thường chúng ta hay nói đến là nhằm tinh giản biên chế, làm cho bộ máy gọn lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, đối với điều kiện phát triển hiện nay, không phải đơn thuần chỉ dừng lại ở mục tiêu đó, mà mục tiêu quan trọng hơn đó chính là tạo ra những không gian phát triển mới, đó là không gian phát triển về mặt địa lý rộng hơn, khi đó sẽ tổ chức được các hoạt động kinh tế ở quy mô lớn; đồng thời sẽ tạo ra sự tập trung về nguồn lực đủ lớn để có thể đầu tư, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tạo ra không gian nguồn lực về con người. Có cộng đồng người đủ lớn thì sẽ tập trung được khối óc, trí tuệ của cộng đồng đó.

PV: Bất cứ sự đổi mới, đột phá nào cũng gặp vướng mắc và tâm tư của cán bộ là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất, đó là: ai đi, ai ở; ai nghỉ, ai làm và chế độ chính sách thế nào cho thỏa đáng. Giải bài toán này cũng chính là giải quyết từ gốc rễ của chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Nếu chia tách thành đơn vị mới, có nhiều vị trí mới thì việc thực hiện rất dễ dàng; còn sáp nhập thì sẽ rất khó khăn. Sáp nhập sẽ dẫn tới chuyện giảm các đầu mối, giảm vị trí và sẽ dư thừa cán bộ. Để giải quyết được bài toán về tâm lý này, tôi cho rằng, phương án sáp nhập quan trọng nhất đó là phương án sắp xếp cán bộ. 

Có lẽ cần phải tính đến 4 nhóm. Nhóm đầu tiên, khi sáp nhập đơn vị hành chính thì khối lượng công việc tăng lên, trách nhiệm của mỗi vị trí nặng nề hơn thì cần phải lựa chọn được những cán bộ có trình độ cao hơn, có năng lực tốt hơn để đảm bảo trọng trách.

Nhóm thứ 2, những người còn trẻ, còn nhiều triển vọng bây giờ sắp xếp lại có thể không có điều kiện để bố trí tại chỗ thì những người đó cũng cần có cơ hội để phát triển ở cấp cao hơn. 

Nhóm thứ 3, có những người không còn ở vị trí cũ nhưng họ có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để sang các lĩnh vực công tác khác thì trong phương án sắp xếp cũng cần có đề án hoặc chương trình hỗ trợ để những cán bộ đó được chuyển đổi nghề nghiệp, lĩnh vực công tác.

Nhóm thứ 4 là nhóm không ở lại vị trí cũ được, cũng không phát triển đi lên hay có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp được thì có thể họ sẽ phải rời đi. Trường hợp đó chúng ta có chế độ, chính sách để họ cảm thấy rằng dù phải rời bỏ bộ máy nhưng họ vẫn được quan tâm, không bị thua kém khi bị sắp xếp lại.

PV: Trong câu chuyện này, vấn đề đặt ra là vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương phải chuẩn bị như thế nào để chủ động thực hiện và tận dụng hiệu quả các cơ hội phát triển?

Ông Hoàng Văn Cường: Điều quan trọng nhất là phải làm thật tốt công tác tư tưởng, về nhận thức phải thông thì khi đó mới thống nhất được hành động của đội ngũ cán bộ. Đây chính là trách nhiệm của các cấp ủy đảng vì cấp ủy đảng là những người làm công tác tư tưởng, công tác tổ chức, tuyên truyền vận động.

Do vậy, vai trò của cấp ủy đảng phải được phân định ra, cấp ủy đảng cấp trên của nơi tổ chức lại phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và chỉ ra xu hướng phát triển mới khi tổ chức lại đơn vị. Thậm chí phải có chế độ, chính sách, cơ chế đầu tư cũng như cơ sở sử dụng cán bộ đưa vào vị trí cấp trên.

Cấp ủy thứ 2 là cấp ủy sở lại, tức là nơi sẽ tiến hành việc sáp nhập các đơn vị, đây chính là người trong cuộc thì phải thể hiện vai trò, tạo ra được không khí thực sự dân chủ, thảo luận kỹ để cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ công cuộc này.

Từ đó sẽ thống nhất được hành động trong cấp ủy đảng và những những cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước, từ đó lan tỏa đến người dân đồng tâm, đồng lòng đi theo. Đây chính là nòng cốt để tạo ra sự đồng tâm, đồng lòng và cùng hành động.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền là người đứng ra xây dựng chương trình, đề án để làm sao thực sự dân chủ, khách quan và thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Khi người dân được tham gia và thấy được sự đóng góp ở trong đó thì người dân sẽ dễ dàng đồng thuận hơn.

PV: Chỉ đạo của Thủ tướng là việc sáp nhập không xáo trộn, bảo đảm hoạt động của hệ thống chính trị được vận hành bình thường, cuộc sống của người dân không quá đảo lộn. Việc sắp xếp đơn vị hành chính với mục tiêu không chỉ giảm đầu mối, giảm biên chế mà còn phải thực hiện mục tiêu an dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Hoàng Văn Cường: Bộ máy Nhà nước phải đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bởi vì mọi mục tiêu hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước đều hướng tới mục tiêu Nhà nước là do dân, vì vân.

Vì vậy, khi tổ chức lại bộ máy hành chính thì không chỉ đơn thuần chạy theo mục tiêu để tinh gọn bộ máy, nếu tinh gọn mà gây khó khăn, phiền hà, người dân phải đi lại xa hơn, mất thời gian chờ đợi, không được phục vụ chu đáo thì mục tiêu tổ chức lại bộ máy và sắp xếp lại đơn vị hành chính không đạt được mục tiêu.

Muốn đạt được mục tiêu vừa gọn nhẹ, tinh giản bộ máy, vừa đáp ứng được yêu cầu của người dân tốt hơn thì việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đi liền với việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và cán bộ.

Như vậy, người cán bộ phải có năng lực tốt hơn, có khả năng đáp ứng được nhu cầu của người dân cao hơn. Đi kèm với đó, khi sắp xếp lại đơn vị hành chính thì nguồn lực phải tập trung hơn thì những điều kiện, dịch vụ giúp người dân tiếp cận phải cải thiện hơn.

Nếu chúng ta làm tốt việc tổ chức quy mô lớn này, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại thì có khi người dân không cần đến tận nơi mà họ có thể thực hiện tất cả yêu cầu, dịch vụ tại chỗ, tại nhà.

PV: Sau sắp xếp, cả nước sẽ giảm 14 huyện, 619 xã, nếu không sắp xếp khoa học chúng ta sẽ khó sàng lọc được đội ngũ cán bộ có chất lượng cho bộ máy mới. Việc này cần được nhìn nhận ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Trong quá trình sáp nhập, con người là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Chúng ta phải lựa chọn được cán bộ thực sự tâm huyết, có đủ năng lực, dám chịu trách nhiệm và sẽ thực hiện tốt trách nhiệm khi tham gia vào công cuộc sáp nhập.

Để làm được điều này cần phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của mỗi vị trí trong bộ máy mới, từ đó đề ra tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ. Căn cứ vào công việc để chọn cán bộ cho phù hợp, đồng thời căn cứ vào các yếu tố thành tích, năng lực của họ đã được thực hiện trước đây để lựa chọn.

Việc hết sức phải tránh là yếu tố về làng xã, dòng họ, kết cấu bè phái. Nếu để những yếu tố này chi phối trong quá trình tổ chức thì rất dễ gây ra chuyện mất đoàn kết, dẫn tới cục bộ.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo PV/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh