Chiều 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2023, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.
Chiều 29/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2023, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát đúng với tình hình thực tế của các đại biểu Quốc hội với 60 ý kiến tại hội trường và trước đó là 163 ý kiến tại tổ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023. |
Xây dựng cơ chế để Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, đã cùng với các đối tác phát triển xác định nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi công bằng và cần có sự tham gia một cách công bằng của các nước phát triển.
Liên quan đến biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, trong đó có đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
“Chiến lược về biến đổi khí hậu và có sự điều chỉnh sau khi Việt Nam tham dự COP26, trong đó xác định rõ quan điểm và mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, giải pháp tăng trưởng xanh để hiện thực hóa mục tiêu này. Chính phủ đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, về vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, hiện nay, riêng Đồng bằng sông Cửu Long có thể nói là một điển hình.
Vì chúng ta đã có những đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt xác định trung tâm của ảnh hưởng là vấn đề tài nguyên nước và đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, đã ban hành Nghị quyết 120 của Chính phủ liên quan đến các kế hoạch hành động để thích ứng của đồng bằng.
Đồng thời chúng ta đã ban hành kế hoạch để thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó gần khoảng 60 dự án phát triển trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. |
“Trong các dự án đó tập trung vào 16 dự án vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết huy động 2,5 tỷ USD để tập trung phát triển thích ứng trong nông nghiệp cũng như xây dựng kết cấu đồng bộ hạ tầng, trong đó chuyển đổi ngay từ hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển đổi nền kinh tế theo 3 hướng, đó là nước ngọt, khu trung tâm là nước ngọt lợ và vùng ven biển là nước mặn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Việc này liên quan đến hạ tầng liên cấp nước tập trung và giải quyết vấn đề lũ lụt ở thượng nguồn cũng như khúc cung cấp nước cho trung tâm đồng bằng và khu vực ven biển. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là những điều kiện hết sức quan trọng để các địa phương trong vùng sẽ liên kết để lựa chọn vấn đề ưu tiên nhất để tập trung các nguồn lực để làm.
“Về biến đổi khí hậu thì tôi xin được báo cáo sơ qua như vậy, còn thực chất thì chúng tôi đang triển khai cũng khá nhiều công việc cụ thể...”, Phó Thủ tướng nói.
Sẽ có cơ chế khuyến khích mua bán điện mặt trời
Liên quan đến mua, bán điện trực tiếp đối với khách hàng lớn, tập trung cho năng lượng tái tạo và Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu lập trong tháng này (tháng 5) phải ban hành được nghị định về vấn đề liên quan đến điện áp mái.
“Với tinh thần là khuyến khích người dân tham gia để có đóng góp bổ sung cho nguồn điện và đồng thời xác định đối với các hộ sử dụng điện áp mái trong các khu công nghiệp không đưa điện này lên dây mà hoàn toàn mua, bán điện trực tiếp thì chúng ta ủng hộ khuyến khích phi thương mại để từ đấy sẽ hình thành một nghị định quan trọng, đó là cơ chế mua, bán điện trực tiếp, mà đây chính là tiền đề để chúng ta hướng đến thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện”, Phó Thủ tướng cho biết.
Giá thu hồi đất sẽ sát giá thị trường
Liên quan đến Luật đất đai và vấn đề thu hồi đất, Phó Thủ tướng cho rằng, những vấn đề các đại biểu phát biểu hôm nay có thể chiếm đến 60% những hạn chế tồn tại yếu kém, đùn đẩy, sợ trách nhiệm liên quan đến thủ tục hành chính và đều liên quan đến 3 bộ luật, đó là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua.
“Hiện nay, Chính phủ đặt quyết tâm rất cao, với tinh thần làm việc tập thể và tinh thần chung như vậy thì chúng ta đã giải quyết được về cơ bản tồn tại của 3 luật này”, Phó Thủ tướng nói.
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cá nhân Phó Thủ tướng dành thời gian ngồi làm việc với tất cả 63 tỉnh, thành thông qua trực tuyến với tất cả các hiệp hội và từng doanh nghiệp ở các địa phương để xem các dự thảo luật đã được đi vào cuộc sống chưa, đã phản ánh đầy đủ và triển khai được cụ thể luật hay chưa.
“Đến nay chúng tôi nghĩ rằng nếu được Quốc hội cho phép thì kể cả ngày 1/7 Chính phủ cũng quyết tâm sẽ làm đầy đủ, tức là sẽ liên quan đến là 14 Nghị định, cỡ khoảng trên 10 thông tư.
Hôm nay Thủ tướng đã có công điện yêu cầu các địa phương xây dựng các quyết định và các bộ, ngành sẽ cùng tham gia để đảm bảo sự liên thông và thống nhất về pháp luật.
Định giá đất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân liên quan đến thất thoát và nguyên nhân khó khăn, đùn đẩy. Tôi xin báo cáo với đại biểu Vũ Trọng Kim là phản ánh liên quan này nó chỉ khó khăn trước khi có Luật Đất đai 2024.
Còn sau khi có luật 2024 thì tôi tin rằng các địa phương sẽ tin tưởng rõ ràng, cụ thể, minh bạch và có thể triển khai được”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ cũng đã lấy ý kiến của địa phương, trong đó làm rõ trách nhiệm cơ quan tư vấn, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, làm rõ trách nhiệm của người quyết định và tất cả mọi quy trình này đều triển khai một cách minh bạch và đặc biệt là trong luật đã giải quyết một vấn đề hết sức khó khăn, đó là giá đất phù hợp, sát giá thị trường.
“Thực chất là chúng ta áp dụng nguyên tắc thị trường, tức là chúng ta áp dụng 4 phương pháp mà hiện nay thế giới đang tính toán để áp dụng. Khi chúng ta có dữ liệu về đất đai, khi đó phương pháp là định giá đất hàng loạt theo vùng giá trị.
Chúng ta sẽ có dữ liệu của từng thửa đất và dữ liệu của từng thời điểm, lúc đó vấn đề định giá đất sẽ không gặp khó khăn. Hiện nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp và chúng ta đang khẳng định 4 phương pháp này sẽ làm được, không có khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Không lo thiếu nguồn cát cho hạ tầng giao thông
Vấn đề cuối cùng, về vật liệu xây dựng. Phó Thủ tướng cho răng, đây là một vấn đề có lẽ không phải lớn đối với đất nước Việt Nam, nhưng lại diễn ra trong bối cảnh các dự án cao tốc đẩy rất nhanh tốc độ, tiến độ và quy mô, bởi vậy các địa phương không đáp ứng được.
Thực chất vật liệu xây dựng đã phân cấp quy hoạch, phân cấp về quản lý, khai thác, kiểm soát là địa phương, nhưng vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các cơ chế đặc thù, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để giải quyết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình một số nội dung tại Quốc hội. |
"Về cơ bản, Thủ tướng đang chỉ đạo sửa luật về địa chất và khoáng sản. Trước mắt tôi cho rằng với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ nếu chúng ta thực hiện tích cực sẽ không có khó khăn.
Thủ tướng đã 2 lần vào để trực tiếp chỉ đạo và cá nhân tôi thực hiện ý kiến chỉ đạo Thủ tướng cùng các bộ trưởng đã có 3 cuộc họp và thậm chí đã đến khảo sát tận nơi xem như thế nào.
Đến nay, mọi vấn đề đã được giải quyết theo các giải pháp: Giải pháp thứ nhất là tuyệt đối áp dụng các quy chế đặc thù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành. Thứ hai là nắm thật sát nhu cầu theo tiến độ và công suất nguồn vật liệu", Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay Nghị định 157 của Chính phủ vừa ký đã giải quyết việc nạo vét luồng lạch kết hợp với khai thác cát có thể bổ sung thêm 45 triệu m3, như vậy đã đảm bảo dư thừa so với nhu cầu hiện nay chúng ta có.
"Chúng ta có 145 triệu m3 cát nhiễm mặn ở Sóc Trăng và Bộ GTVT đã thí điểm, nghiên cứu và cho thấy là đáp ứng các tiêu chí về cơ lý cũng như các điều kiện để có thể san lấp và đảm bảo kiểm soát được vấn đề môi trường khi san lấp đối với các khu vực hiện nay chúng ta phát triển.
Như vậy, vấn đề vật liệu xây dựng về lâu dài chúng ta sẽ tính toán để có cái nhìn lâu dài và khoa học hơn, nhưng trước mắt những giải pháp đó đã đủ giải quyết vấn đề", Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phi Long/VOV.VN