Theo Bộ trưởng, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nội dung nhạy cảm và phức tạp nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), và Chính phủ đã có những tham vấn kỹ lưỡng trước khi đề xuất 2 phương án như trong dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.
Theo Bộ trưởng, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nội dung nhạy cảm và phức tạp nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), và Chính phủ đã có những tham vấn kỹ lưỡng trước khi đề xuất 2 phương án như trong dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Chiều 27/5, báo cáo giải trình, tiếp thu cuối phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ (mới 29 năm) trong khi các quốc gia trên thế giới, chính sách này đã được triển khai vài trăm năm.
Mặc dù vậy, Việt Nam đã có 8/9 loại hình bảo hiểm xã hội, cơ bản phát triển tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng khẳng định, chính sách bảo hiểm xã hội được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và được sự ủng hộ của người dân, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên của hệ thống bảo hiểm xã hội.
Về một số nội dung đại biểu quan tâm liên quan đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, đây là vấn đề nhạy cảm nhất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cũng là vấn đề phức tạp nhất.
Theo Bộ trưởng, cơ sở đã có là Nghị quyết 28 của Trung ương, mục tiêu vừa bảo đảm an sinh xã hội, để khi về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế, nhưng cũng phải quan tâm đến hiện tại của người lao động, do kinh tế khó khăn một bộ phận muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường chiều 27/5. (Ảnh: DUY LINH) |
Với các mục tiêu đó, Chính phủ đã đưa ra hai phương án (qua nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị), đến ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ tiếp tục cho ý kiến về nội dung này và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài 2 phương án nêu trong dự thảo Luật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua nghiên cứu các ý kiến đề xuất, cũng tính toán đến tích hợp 2 phương án như một số đại biểu phân tích, theo đó người đang đóng được hưởng tiếp như Phương án 1; người đóng sau này thì hưởng theo Phương án 2.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, các chuyên gia nhận thấy, nếu cộng 2 phương án như trên thì "cộng nhược điểm nhiều hơn là cộng ưu điểm". Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội đề nghị cho lựa chọn một trong 2 phương án Chính phủ trình.
"Hơn nữa, từ Kỳ họp thứ 6 đến nay, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã lấy ý kiến tác động rộng rãi, trong đó qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần, tuyệt đại bộ phận ý kiến đều chọn Phương án 1, rất ít người đề xuất Phương án 2", Bộ trưởng thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ tán thành với ý kiến đại biểu cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần, chúng ta cần có nhiều giải pháp trong đó có các chính sách hỗ trợ người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH) |
Liên quan đến ý kiến đề xuất tăng các chính sách về thai sản, ốm đau..., Bộ trưởng cho rằng rất phù hợp, xác đáng, đúng với thực tế, đúng với nhu cầu và cần phải ghi nhận.
Tuy nhiên, theo ông, ngay trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật, chúng ta đã đưa rất nhiều chính sách tân tiến hơn, nhiều chính sách tốt hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Nếu tiếp tục tăng quỹ ốm đau thai sản thì ngân sách hiện nay chưa thể bảo đảm, do vậy trong giai đoạn trước mắt cần bảo đảm hài hòa giữa chính sách, quyền lợi với khả năng cân đối thu-chi của quỹ.
Giải trình nội dung liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Nghị quyết 28 nêu rõ, phấn đấu tới tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, đa tầng. Nghị quyết 42 cũng nêu đến năm 2030 đạt độ bao phủ là 60%, cho nên việc mở rộng bảo hiểm xã hội là tất yếu.
Do vậy, những đối tượng nào đã rõ, đã đủ điều kiện, chúng ta quy định ngay trong luật này. Đối với đối tượng là hộ kinh doanh cá thể, qua lấy ý kiến cho thấy, tham gia bảo hiểm bắt buộc là phù hợp; hơn nữa, trên thị trường lao động linh hoạt, chuyển biến nhanh, một người có nhiều quan hệ lao động khác nhau.
Theo VĂN TOẢN/Báo điện tử Nhân dân