Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

03:04, 08/04/2024

Sáng 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.

Sáng 7/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An về tình hình bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, phòng chống xâm nhập mặn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Trước đó, Phó Thủ tướng đã kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân tại xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang); công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành, thuộc dự án kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây.

Hơn 1 tháng nữa Nam Bộ sẽ bước vào mùa mưa

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2022-2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2015-2016, 2019-2020.

Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, nhất là ở nông thôn. Theo thống kê, có khoảng 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các mức độ khác nhau.

Các địa phương đã triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như điều chỉnh thời vụ sản xuất, vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nhất là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Các địa phương đã hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước cho các hộ gia đình, thiết lập thêm điểm cấp nước công cộng, tổ chức cấp nước luân phiên, mở rộng tuyến ống cấp nước, bổ sung giếng, sử dụng thiết bị lọc mặn…; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước, kiểm soát mặn.

Về hoạt động sản xuất, tháng 9/2023, có khoảng 56.260 ha lúa vụ Đông Xuân và 43.300 ha cây ăn trái được Bộ NN&PTNT chỉ đạo khuyến cáo thuộc vùng nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Các tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ các diện tích trồng lúa, cây ăn trái.

Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023. Các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao.

Đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Tính đến ngày 6/4/2024, trà lúa Đông Xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1.304.301 ha/1.488.182 ha xuống giống, đạt 87,6%. Các vùng cây ăn trái vẫn an toàn.

Lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL cho biết, đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở địa phương rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Lãnh đạo một số tỉnh ĐBSCL cho biết, đến nay thiệt hại về sản xuất nông nghiệp ở địa phương rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng-Thuỷ văn Hoàng Đức Cường, thời gian tới, khả năng vẫn xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn sâu ở ĐBSCL trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024. Dự kiến từ ngày 20/4 tại Nam Bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa, tuy nhiên, mùa mưa mới chính thức bắt đầu từ ngày 20/5.

Lãnh đạo các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang kiến nghị Trung ương tiếp tục dành nguồn lực hỗ trợ địa phương hoàn thành, mở rộng những dự án thuỷ lợi phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất; có giải pháp phòng, chống sạt lở cho các khu vực dân cư ven các sông, kênh, rạch…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trước mắt phải đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách; khẩn trương kết nối các hệ thống thuỷ lợi ở ĐBSCL theo lưu vực sông, tiến tới người dân mở điện thoại di động cũng có thể biết được thời điểm phù hợp để lấy nước vào ruộng lúa, vườn cây; nhân rộng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả từ mỗi hộ gia đình, cụm dân cư.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ TN&MT sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu thuỷ văn toàn vùng ĐBSCL; tăng cường khâu dự báo, dự đoán để giúp chính quyền và người dân chủ động phòng, chống thiên tai; khẩn trương công bố và cập nhật kịch bản nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước sông Mekong…

Phó Thủ tướng kiểm tra tại công trường thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng kiểm tra tại công trường thi công cống âu Nguyễn Tấn Thành - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng xâm nhập mặn

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, với tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, khốc liệt, các tỉnh ĐBSCL đã bằng nhiều giải pháp đồng bộ về hạ tầng thuỷ lợi, phi công trình để kiểm soát tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.

Đặc biệt, với sự chủ động, cung cấp đầy đủ thông tin chính xác, hướng dẫn điều hành sản xuất mùa vụ, nên hầu hết các địa phương không bị ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt có xảy ra, nhưng mang tính cục bộ, người dân cơ bản được tiếp cận và cung cấp đủ.

"Nắng nóng, xâm nhập mặn năm nay gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nhưng các tỉnh ĐBSCL đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp công trình, phi công trình, như chỉ đạo điều chỉnh mùa vụ, phát huy nguồn lực tại chỗ, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân...

Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của các địa phương, dựa trên báo cáo, thông tin từ sớm và chính xác của các cơ quan chuyên môn", Phó Thủ tướng nói.

Đối với vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung, có các trạm lấy nước nằm sâu trong vùng ngọt; đồng thời sắp xếp lại khu dân cư theo hướng tập trung, kết hợp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mùa vụ...

"Chúng ta cần thiết kế các ứng dụng (app) thông tin thời tiết, tình hình xâm nhập mặn theo bản đồ thời gian thực để từng cộng đồng, người dân chủ động tích trữ nước sản xuất, sinh hoạt theo thời điểm thích hợp cùng với điều chỉnh cơ cấu nông nghiệp; nghiên cứu và phổ biến những loại vật liệu mới, nhẹ để xây dựng các bể chứa nước lớn, thuận tiện, thân thiện môi trường", Phó Thủ tướng gợi mở.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cần khẩn trương xem xét, đánh giá, tính toán lại quy hoạch về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, bố trí dân cư, hoạt động khai thác nước ngầm... trước tình trạng sụt lún, sạt lở ngày một gia tăng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Nhà nước trong đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung cho vùng duyên hải, ven biển hay bị xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng cần đầu tư căn cơ, đồng bộ hạ tầng thuỷ lợi, cấp nước, phòng chống lũ lụt, xâm nhập mặn... theo quy hoạch và điều tiết hài hoà nguồn nước ngọt giữa vùng thượng nguồn và vùng đồng bằng trung tâm, ven biển, với các hệ sinh thái kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

"Chúng ta làm càng sớm càng hiệu quả, nhằm hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi điều phối toàn vùng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh ĐBSCL rà soát các dự án cấp bách, đáp ứng được các mục tiêu chung, mang tính hiệu quả cao, có thể giúp vùng chuyển nhanh sang trạng thái phát triển bền vững.

"Đảng bộ, chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL đang vững vàng ứng phó với tình trạng nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, cho thấy sự chuyển đổi đúng hướng nhằm thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực cần thiết để giải quyết những vấn đề, thách thức có tính chiến lược về thuỷ lợi, biến đổi khí hậu của ĐBSCL", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Minh Khôi/Báo điện tử Chính phủ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh