Hai ngày ở Việt Nam của giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn hơn đến Việt Nam của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple.
Hai ngày ở Việt Nam của giám đốc điều hành (CEO) Apple Tim Cook cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn hơn đến Việt Nam của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc tiếp CEO Apple Tim Cook - Ảnh: VGP |
Cuộc gặp của ông Tim Cook với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 16/4 tại Hà Nội chứng kiến nhiều cam kết, thông điệp quan trọng đối với sự hiện diện của Apple tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định dư địa hợp tác giữa Việt Nam với Apple còn rất lớn, dựa trên nền tảng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Sẵn sàng lập tổ công tác hỗ trợ Apple
Chuyến thăm Việt Nam của ông Tim Cook diễn ra chỉ vài tháng sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, trong đó xác định hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá mới của mối quan hệ.
Tại cuộc tiếp ông Tim Cook, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Apple thành lập tổ công tác để hỗ trợ Apple trong việc đầu tư, mở rộng hoạt động tại Việt Nam "nhanh, mạnh, bền vững, lâu dài".
Thủ tướng ghi nhận những đề xuất của Apple để thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của họ tại Việt Nam và cho biết Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện 8 cũng như kế hoạch thực hiện theo hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Về phần mình, ông Tim Cook cập nhật tình hình hoạt động của Apple tại Việt Nam và kiến nghị một số nội dung hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực.
Theo nhiều chuyên gia, năng lượng tái tạo được xem như một lợi thế hấp dẫn mới của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn sản xuất bằng điện sạch, không phát thải. Do đó, việc Việt Nam phê duyệt Quy hoạch điện 8 cùng các cơ chế mua bán điện trực tiếp sẽ là một trong các yếu tố cạnh tranh so với các nước khác.
"Tôi hết sức hài lòng và không thể nào vui mừng hơn về những thành tựu hợp tác mà chúng ta đã đạt được, là ví dụ của quan hệ hai bên cùng thắng, cùng có lợi. Tôi cũng hết sức kỳ vọng vào những việc mà chúng ta có thể cùng làm để đạt những thành tựu lớn hơn nữa trong tương lai", ông Tim Cook chia sẻ.
CEO Apple khẳng định tập đoàn này sẵn sàng làm việc với tổ công tác phía Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư chất lượng cao thời gian tới. Apple cũng cam kết mua nhiều hơn linh phụ kiện do các đối tác sản xuất ở Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam.
Tranh thủ nguồn lực cho hệ sinh thái bán dẫn
Cũng tại buổi tiếp ông Tim Cook, Thủ tướng đề nghị Apple chú trọng đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu.
Ông đề nghị CEO Tim Cook tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy các đối tác nằm trong chuỗi cung ứng của Apple mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của Apple.
Thủ tướng cũng đề nghị Apple thúc đẩy hợp tác, liên kết với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm tại Việt Nam, nhất là Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực, đặc biệt là trong chương trình đào tạo 100.000 kỹ sư chất lượng cao.
Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng thông qua nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc, tập đoàn này đã giúp tạo ra việc làm cho hơn 250.000 lao động Việt Nam.
Theo tờ Nikkei Asia vào cuối năm ngoái, Apple sẽ lần đầu tiên phân bổ nguồn lực phát triển sản phẩm iPad cho Việt Nam, một bước tiến quan trọng nhằm củng cố vị thế của quốc gia Đông Nam Á này như một trung tâm sản xuất mới.
Theo đó, Apple đang hợp tác với BYD của Trung Quốc, một nhà lắp ráp iPad quan trọng, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam. NPI yêu cầu nguồn lực đáng kể từ cả công ty công nghệ và nhà cung cấp của nó, chẳng hạn như kỹ sư và đầu tư vào thiết bị phòng thí nghiệm để thử nghiệm các tính năng và chức năng mới.
Hầu hết NPI của Apple được thực hiện tại Trung Quốc với sự hợp tác của các kỹ sư ở Cupertino (Mỹ). Nhưng những bất ổn về địa chính trị đang buộc Apple phải tính toán lại, theo Nikkei Asia.
Với sự ổn định về chính trị, quan hệ hữu nghị với nhiều nước cùng mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng khắp, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn.
Apple mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Tập đoàn Apple có trụ sở tại Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp tăng công suất cho gần như tất cả các sản phẩm của mình ngoại trừ iPhone - từ AirPods và MacBook đến đồng hồ Apple và iPad - tại Việt Nam.
Với Việt Nam, việc Apple mở rộng sản xuất không chỉ mang lại nhiều việc làm mà còn đem đến cơ hội gia tăng kiến thức, kỹ năng cho các lao động trong ngành công nghệ. Đích thân ông Tim Cook đã nêu cam kết Apple sẽ mở rộng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Việt Nam để thúc đẩy sự hòa nhập, mang đến cơ hội lớn hơn cho họ trong chuỗi cung ứng.
Theo DUY LINH/Báo điện tử Tuổi trẻ