Trong số những bài thơ xuân ngắn gọn, nôm na nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc của Bác Hồ, có hai bài thơ thuộc năm Thìn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những tư tưởng, tình cảm của Người thể hiện trong những lần chúc Tết đó vẫn còn nguyên giá trị.
(VLO) Trong số những bài thơ xuân ngắn gọn, nôm na nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc của Bác Hồ, có hai bài thơ thuộc năm Thìn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những tư tưởng, tình cảm của Người thể hiện trong những lần chúc Tết đó vẫn còn nguyên giá trị.
Lần thứ nhất là năm Nhâm Thìn (1952) khi quân dân ta đang hăng hái ra sức thi đua ái quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và lần thứ hai là năm Giáp Thìn (1964) khi đế quốc Mỹ chưa đánh phá bằng không quân ra miền Bắc.
Bác Hồ chúc Tết năm Nhâm Thìn (1952)
Quân dân ta đang hăng hái ra sức thi đua ái quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đúng giao thừa Tết năm Nhâm Thìn (1952), Nhân dân cả nước ta vui mừng được nghe Bác đọc bài thơ:
Xuân này, xuân năm Nhâm Thìn
Kháng chiến vừa 6 năm
Trường kỳ và gian khổ,
Chắc thắng trăm phần trăm.
Chiến sĩ thi giết giặc,
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta.
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân.
Trong bài nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ nhân dịp Tết Nhâm Thìn (1952), sau khi tóm tắt tình hình thế giới mà Liên Xô và các nước dân chủ đang giành nhiều thắng lợi, Người đã phân tích những thành tựu vượt bậc từ cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta trên nhiều lĩnh vực.
Người kêu gọi đoàn kết, thi đua sản xuất và diệt giặc, vận động người lầm đường trở về với dân tộc, làm thất bại những âm mưu thâm độc của đế quốc…
Vấn nạn tham ô trong bộ máy nhà nước cũng được Người nhắc nhở. Người cho đó “là không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra”.
Những kẻ tham ô thường kết bè kết cánh để tạo thành một liên minh ma quỷ, đục khoét, thao túng những nơi nắm giữ điều phối tiền bạc, của cải vật chất.
Để lấy của công làm của tư, họ phải gian lận, lọc lừa, quỷ quyệt, xảo trá… cốt để “vinh thân phì gia” cho họ. Người đề nghị phải làm trong sạch bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, tham ô là kẻ thù nguy hiểm được đưa lên hàng đầu để tiêu diệt.
Trong lời chúc Tết năm Nhâm Thìn, Người nói: “Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho Nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô. Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra.
Vì vậy từ nay, toàn thể đồng bào, toàn thể chiến sĩ, toàn thể cán bộ phải xem quan liêu, tham ô, lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào. Người phạm tội có tội đã đành; người thấy những tội ấy mà không nêu ra, cũng như có tội.
Vì vậy bộ đội, cơ quan, đoàn thể và Nhân dân phải tổ chức một phong trào thật thà tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên, toàn dân đều hăng hái tham gia, để giáo dục nhau, để cùng nhau tẩy trừ ba nạn kia, để dọn đường cho những thắng lợi mới”.
Bác Hồ chúc Tết năm Giáp Thìn (1964)
Năm Giáp Thìn (1964), cả 2 miền đều giành những thắng lợi to lớn: Miền Nam anh dũng chiến đấu cho độc lập, tự do. Miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Kêu gọi chiến đấu và sản xuất để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, Người có bài thơ gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, nội dung nêu lên sự toàn vẹn của đất nước, không thể chia cắt. Giữa những ngày gian khó nhưng niềm tin tất thắng tỏa sáng trong thơ chúc Tết của Người, nỗi vui mừng về ngày sum họp được Người nói đến không phải không có cơ sở thực tế.
“Bắc Nam như cội với cành,
Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.
Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà.
Mấy lời thân ái nôm na,
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.
Cũng trong Tết Giáp Thìn (1964), Người còn gửi tới binh sĩ thuộc chính quyền miền Nam (chính quyền Sài Gòn cũ). Lời lẽ trong thư chân tình, thân thiết, chứa chan tấm lòng nhân hậu.
Mở đầu, Người viết: “Anh em ơi!”- một tiếng kêu gọi mà gần gũi, thân tình làm cảm hóa được đối phương. Rồi Người lại chúc Tết nhưng Người cũng tự nhận: “… nên chúc anh em cái gì đây?”.
Người đã chúc những điều hết sức thiết thực: “Chúc anh em có đầu óc sáng suốt để phân biệt điều gì phải, điều gì trái, ai là bạn, ai là thù… để xây dựng hạnh phúc cho bản thân, cho cha, mẹ, vợ, con của anh em” (Sđd, tập 11, tr.198). Tiếp đó, Người phân tích lẽ thiệt, hơn để anh em giác ngộ, trở về với dân tộc.
Trong những ngày đầu xuân của dân tộc, giữa những chồi non nảy lộc, sắc trời như rạng rỡ buổi giao hòa trời đất, tĩnh tâm chiêm nghiệm lẽ đời, lời Bác dạy để cùng vững tin và phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
PV
(Nguồn: Thơ chúc Tết- Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh toàn tập- tập 6, tập 9, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995)