Với lịch trình dày đặc trong hai ngày ở Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cho thấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến những vấn đề phát triển quốc gia mà còn mong muốn đóng góp tiếng nói, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Với lịch trình dày đặc trong hai ngày ở Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cho thấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến những vấn đề phát triển quốc gia mà còn mong muốn đóng góp tiếng nói, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân vẫy tay chào trước khi vào chuyên cơ, lên đường đến châu Âu rạng sáng 16/1 - Ảnh: NHẬT BẮC |
Rạng sáng 16/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị thường niên thứ 54 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại thị trấn Davos, Thụy Sĩ.
Đây là sự kiện kinh tế đa phương lớn đáng chú ý nhất đầu năm 2024. Sự có mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại WEF Davos 2024 không chỉ cho thấy sự coi trọng đối với ban lãnh đạo WEF mà còn thể hiện sự quan tâm cao của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều nước trong bối cảnh thế giới có nhiều "cơn gió ngược".
4 "cơn gió ngược" năm 2024
Báo cáo "Tầm nhìn của các nhà kinh tế trưởng" được công bố ngày 15/1 tại Hội nghị WEF Davos 2024 đã nêu bật tính chất bấp bênh của môi trường kinh tế hiện tại.
Trên thực tế, hơn một nửa số nhà kinh tế trưởng (56%) được khảo sát trong báo cáo cho biết họ dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm nay, trong khi 43% dự đoán các điều kiện không thay đổi hoặc mạnh hơn.
Hơn nữa, mặc dù kỳ vọng về lạm phát cao đã giảm bớt ở tất cả các khu vực, cuộc khảo sát cho thấy triển vọng tăng trưởng của các khu vực rất khác nhau và không có khu vực nào được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng rất mạnh vào năm 2024.
Báo cáo cũng lưu ý các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách "phải đối mặt với những "cơn gió ngược" dai dẳng và sự biến động liên tục khi hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn chậm chạp".
Theo ông Indermit Gill - phó chủ tịch cấp cao kiêm nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, có bốn "cơn gió ngược" trong năm 2024 là xung đột vẫn tiếp diễn, sự suy thoái kinh tế đột ngột của một số nền kinh tế hàng đầu thế giới, căng thẳng về tài chính đặc biệt là lãi suất và cuối cùng là phân mảnh thương mại.
"Các hạn chế thương mại và những chính sách chuyển dịch sản xuất, hợp tác như friendshoring (hướng tới các quốc gia thân thiện, bằng hữu - PV) và nearshoring (nhắm đến các quốc gia kế cận về mặt địa lý - PV). Điều đó có vẻ là những phản ứng chính sách hợp lý trước các lo ngại về an ninh quốc gia. Nhưng các biện pháp như vậy có thể trì hoãn sự phục hồi mà chúng ta cần thấy trong thương mại toàn cầu", ông Indermit Gill lưu ý.
Sự tác động qua lại của những bất ổn địa chính trị cũng như số lượng kỷ lục các cuộc bầu cử sắp tới trên toàn thế giới sẽ làm tăng thêm các rủi ro và sự khó lường. Trong bối cảnh thế giới như hiện nay, không khó hiểu khi đa số các nước đều ưu tiên bảo đảm "tự chủ chiến lược", thúc đẩy phát triển bền vững.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, một trở ngại đặt ra là phải có nguồn cung lớn các khoáng sản và kim loại thô cần thiết cho các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo hay xe điện. Những cạnh tranh giữa các đối thủ chiến lược lại càng phổ biến đã dẫn tới các biện pháp nhằm hạn chế dòng chảy công nghệ và sự trả đũa theo kiểu ăn miếng trả miếng.
"Giải pháp cho vấn đề này là phải thúc đẩy hợp tác đa phương, giảm xung đột thương mại và chống lại sự phân mảnh trong việc cung cấp nguyên liệu thô quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe hành tinh và tương lai của nhân loại" - bà Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nêu nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp với giáo sư Klaus Schwab (thứ hai từ trái sang), nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của WEF, năm 2023 - Ảnh: VGP |
Tiếng nói của Việt Nam
Tại WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm của hội nghị, bao gồm phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF với các tập đoàn hàng đầu về chủ đề "Chân trời tiếp theo: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam", phiên Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu".
"Bằng những hoạt động như này, Việt Nam chứng tỏ cho bạn bè quốc tế thấy rằng mình là một quốc gia có thế mạnh trong các kế hoạch kinh tế định hướng tương lai, tập trung mạnh vào tăng trưởng bền vững và số hóa trong tất cả các ngành từ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất đến các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số" - ông Philipp Rösler, nguyên phó thủ tướng Đức và chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ, chia sẻ với TTXVN.
Với lịch trình dày đặc trong hai ngày ở Davos và những tọa đàm, đối thoại chiến lược cùng các cuộc gặp các cấp, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam không chỉ quan tâm đến những vấn đề phát triển quốc gia mà còn mong muốn đóng góp tiếng nói, giải pháp cho các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Đó là cách tiếp cận theo hướng vừa nắm bắt các xu thế lớn và cục diện, chiều hướng vận động của tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới vừa đóng góp các ý tưởng cho những vấn đề toàn cầu và khu vực gắn với thúc đẩy các lợi ích an ninh, phát triển của Việt Nam.
Bởi lẽ trong thế giới hiện nay khó có một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ, một mình phát triển hay giải quyết các thách thức mà không tính đến những vấn đề khó khăn của nước khác cũng như vai trò, tiếng nói của họ.
Theo bà Beata Javorcik, việc áp dụng các chiến lược như liên minh, chuyển giao công nghệ, đa dạng hóa quan hệ đối tác, vận động chính sách và ngoại giao văn hóa có thể giúp các nước đang phát triển (như Việt Nam - PV) vượt qua các thách thức, góp phần đảm bảo "tự chủ chiến lược" và tăng cường tiếng nói toàn cầu của những nước này.
Năm 2024 là cầu nối
Theo bà Nela Richardson - nhà kinh tế trưởng của Công ty Automatic Data Processing (Mỹ), năm 2024 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và một con đường tăng trưởng mới được hình thành bởi những xu hướng cũ đã có từ lâu và những phát triển mới nhanh chóng mà xã hội vẫn chưa khai thác.
Theo DUY LINH/Báo điện tử Tuổi trẻ